Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai: Tôn vinh bản sắc văn hóa Tây Nguyên
Tuần Văn hóa- Du lịch Gia Lai 2023 diễn ra từ ngày 11 đến 19-11. Không gian lễ hội mở rộng từ TP. Pleiku đến 'vùng thắng cảnh' Chư Păh hay ngược lên biên giới Ia Grai với Hội đua thuyền độc mộc trên dòng Pô Cô huyền thoại hứa hẹn sẽ là một hành trình kết nối giàu cảm xúc.
Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 gồm một chuỗi các hoạt động kéo dài từ ngày 11 đến 19-11, mở rộng không gian từ TP. Pleiku đến các huyện lân cận như: Ia Grai, Chư Păh. Dù đầy ắp các sự kiện hấp dẫn nhưng người dân và du khách vẫn có thể trải nghiệm trọn vẹn từng hoạt động.
Song song với Festival Văn hóa cồng chiêng là Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (diễn ra trong 3 ngày trọng điểm từ 10 đến 12-11). Khách có thể hòa vào “miền mơ tưởng” cùng các lễ hội Tây Nguyên trong Festival Văn hóa cồng chiêng, sau đó “lên non tìm động hoa vàng” Chư Đang Ya để đắm chìm trong thiên nhiên hùng vĩ, sống trong một miền mơ tưởng khác của mùa lễ hội Tây Nguyên.
Sự kiện mở đầu cho Tuần văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 là Festival Văn hóa cồng chiêng diễn ra ngày 11 và 12-11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Với chủ đề “Gia Lai-Những sắc màu văn hóa”, festival là sự kiện tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng và tinh thần kế thừa, sáng tạo của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên-những chủ nhân của di sản.
Đây sẽ là một cuộc trình diễn đầy âm thanh và màu sắc của trên 1.000 nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, Gia Lai có 17 đoàn đến từ các huyện, thị xã, thành phố với trên 870 nghệ nhân và 140 nghệ nhân của 4 đoàn thuộc các tỉnh: Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Lâm Đồng.
Festival Văn hóa cồng chiêng sẽ là cuộc trình diễn “tươi rói chất tự nhiên thuần khiết” như một nhà nghiên cứu nhận định: “Các dân tộc Tây Nguyên có tiềm năng nghệ thuật to lớn. Mỗi người Tây Nguyên đều có năng khiếu nghệ thuật thiên bẩm, một nền nghệ thuật còn tươi rói chất tự nhiên thuần khiết, hồn nhiên và mộc mạc mà nhiều nền nghệ thuật cao đã đánh mất nay đang có khuynh hướng tìm trở lại cái chất tự nhiên ấy”.
Đây sẽ là cuộc hội tụ và trở về của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại phố núi Pleiku-nơi 18 năm trước đã diễn ra lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO trao cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Người dân và du khách sẽ được sống trong không khí hội hè với sắc màu lấp lánh của di sản văn hóa thế giới.
Nếu lễ hội đường phố là hoạt động để cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên phô diễn âm nhạc cồng chiêng thì không gian văn hóa sẽ là nơi trình diễn những sắc màu lễ hội-một giá trị đặc sắc, nổi bật của di sản cồng chiêng. Đó là phục dựng lễ đâm trâu của người Jrai huyện Krông Pa hay tái hiện nghi lễ trưởng thành của dân tộc Ê Đê (tỉnh Đak Lak). Đời sống nông nghiệp của cư dân Trường Sơn-Tây Nguyên với nhiều sắc thái cũng được tái hiện qua nghi lễ liên quan đến cây lúa, như tỉnh Kon Tum sẽ tái hiện lễ mừng lúa mới, còn tỉnh Gia Lai có lễ cầu hồn lúa của người Bahnar huyện Đak Pơ. Các tỉnh Lâm Đồng, Đak Nông cũng tái hiện những lễ hội đặc trưng nhất của các dân tộc tại địa phương.
Đây là lần thứ 3 tỉnh Gia Lai tổ chức Festival Văn hóa cồng chiêng trong nỗ lực bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Năm 2009, Gia Lai tổ chức Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ I với 63 đội đại diện cho 6 quốc gia tham dự. Đến năm 2018, Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai được tổ chức với hơn 1.000 nghệ nhân của 25 đoàn đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên. Do đó, Festival Văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 2023 được tổ chức với nhiều sự khác biệt, đổi mới để khẳng định một lễ hội xứng tầm khu vực. Qua đó, Gia Lai cũng trở thành nơi kết nối và quảng bá di sản cồng chiêng, đồng thời gắn kết các tỉnh Tây Nguyên thông qua văn hóa.
Và một kỳ festival văn hóa cồng chiêng được tỉnh Gia Lai chuẩn bị kỹ càng, chu đáo đã sẵn sàng để mang đến một đại tiệc văn hóa trên tinh thần tôn vinh và kết nối, xứng đáng với vị thế của một tỉnh sở hữu nhiều cồng chiêng nhất Tây Nguyên, đồng thời là nơi diễn ra những sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế liên quan đến di sản cồng chiêng suốt những năm qua.