Tục cũ vẫn đẹp trong xuân mới
Tết không chỉ là thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà còn chứa đựng cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng sâu sắc, độc đáo mang đậm nét văn hóa của dân tộc. Trải qua thăng trầm thời gian nhưng các phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt vẫn được nhiều gia đình, dòng họ, địa phương gìn giữ, trở thành sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại và cả tương lai.
Gói bánh chưng
Mỗi dịp tết đến, xuân về, dù bận đến mấy, dù có thiếu thốn đến đâu, người người, nhà nhà đều chuẩn bị cho gia đình mình một cái tết đủ đầy. Đối với gia đình ông Nguyễn Tiến Hân, xã Trưng Trắc (Văn Lâm)bánh chưng luôn được coi là một món ăn, một biểu tượng không thể thiếu trong ngày đầu năm mới. Dẫu rằng ngày nay, lúc nào ra chợ cũng có thể mua được những chiếc bánhchưng như ý nhưng ông Hân luôn duy trì tục gói bánh chưng mỗi khi tết đến. Bởi lẽ, việc gói bánh chưng không chỉ để cảm nhận không khí tết mà còn là cách để ông truyền lại cho con, cháu những giá trị tốt đẹp về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ông Hân tâm sự: Với gia đình tôi, ngoài việc tự làm những chiếc bánh để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, ông bà thì đó còn là lúc con cháu quây quần trò chuyện về năm cũ và dự định trong tương lai. Đó là những khoảnh khắc vô cùng ấm cúng và ý nghĩa.
Người dân thành phố Hưng Yên rửa lá dong gói bánh chưng tết
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm 3 ngày tết để cúng tổ tiên, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ. Có lẽ, thú vị nhất là lúc luộc bánh. Đây là khoảng thời gian gần như tất cả mọi người trong gia đình cùng vui vầy, quần tụ. Người già nhâm nhi chén trà nóng hoặc bỏm bẻm nhai trầu rồi kể cho con cháu nghe bao nhiêu chuyện; trẻ con thì háo hức, ngước cặp mắt ngây thơ nghe người lớn kểchuyện bên ánh lửa bập bùng như những chùm pháo hoa đêm hội. Bên nồi bánh chưng đượm sắc màu cổ tích, trong vòng tay ấm êm của người lớn, giấc ngủ êm đềm đến với chúng tự khi nào chẳng rõ. Đã thành lệ, đợi bánh chưng ráo nước, người lớn bao giờ cũng lựa một cặp bánh đẹp nhất để bày lên bàn thờgia tiên, thắp nén nhang thơm tỏ lòng thành kính với cội nguồn, tiên tổ. Rồi sau đó mới chia những chiếc bánh nhỏ cho trẻ con. Nhận những chiếc bánh chưng nhỏ xinh từ tay người lớn, trẻ con vui mừng như vừa nhận được món quà kỳ diệu từ ông tiên trong những câu chuyện cổ tích mà chúng vẫn thường nghe. Cứ thế, trẻ con, người lớn, ai cũng vui như tết.
Gói bánh chưng Tết- một phong tục đẹp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc
Đầu năm mua muối
Đầu năm mua muối là một tục lệ đậm nét trong đời sống của người dân thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) mỗi dịp xuân về...
Đã thành lệ, cứ vào ngày mồng 2 Tết, người dân thôn Đào Đặng lại nô nức rủ nhau đi chợ Tết, và muối là mặt hàng không thể thiếu trong thực đơn mua sắm của các bà, các mẹ. Mua muối để lấy may nên không ai màng đến chuyện đắt, rẻ. Nếu ngày thường, việc mua bán phải cân đong rất cẩn thận nhưng tại chợ phiên, người ta bán muối bằng bát, bằng chén. Người bán thì đong những bát muối có ngọn với mong muốn đem lại cho người mua sự đầy đặn, may mắn, sung túc, còn người mua thì xởi lởi trả tiền mà không cần hỏi giá. Cùng một bát muối có người trả 10 nghìn đồng, người trả 20 nghìn đồng nhưng cả người bán và người mua ai cũng vui vẻ, phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Phượng, người dân thôn Đào Đặng cho biết: Từ xưa đến nay, các cụ quan niệm “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, vì thế, đầu năm đi chợ, người dân quê tôi, ai cũng mua ít nhất một gói muối để may mắn, đậm đà cả năm.
Các cụ cao tuổi trong làng Đào Đặng cũng không nhớ rõ tục mua muối phiên chợ tết có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, đây là tục lệ đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân trong làng từ đời này qua đời khác. Theo quan niệm của người xưa để lại, muối có thể xua đuổi tà khí, mang về sự hòa thuận cho từng gia đình, tình cảm khăng khít, sự mặn mà trong quan hệ làm ăn. Trong lòng thành phố nhộn nhịp, hiện đại mà người dân thôn Đào Đặng vẫn gìn giữ được tục “Đầu năm mua muối” mỗi dịp tết đến, xuân về.
Những phong tục cổ truyền ngày tết không chỉ là những hoạt động văn hóa mang tính biểu trưng, mà còn là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, làm trỗi dậy tinh thần dân tộc của mỗi người con đất Việt mà đôi khi nhịp sống hiện đại khiến nhiều người quên đi những giá trị văn hóa tốt đẹp đó. Có lẽ, khi không tự tay gói một chiếc bánh chưng, trang hoàng nhà cửa hay đơn giản chỉ là dạo quanh một tuyến đường ngập tràn cây đào, cây quất... thì họ cho rằng tết “nhạt”. Rồi chẳng chịu cất bước ra đường để cảm nhận không khí xuân mà cứ ở nhà ôm khưkhư chiếc điện thoại để than rằng tết chẳng khác ngày thường. Thậm chí, còn có người đề xuất bỏ đón tết, gộp “tết tây” với “tết ta” cho đỡ tốn thời gian và giảm bớt gánh nặng về kinh tế. Đó là những suy nghĩ của một số ít người có cách nhìn và cảm nhận chưa đúng về những giá trị tốt đẹp của việc đón tết. Họ không hiểu rằng Tết cổ truyền của dân tộc có nhiều phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa được kết tinh, gìn giữ, trảiqua bao khó khăn mới có thể lưu giữ từ đời này sang đời khác. Cùng đi sắm sửa ngày tết, tảo mộ, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, gói bánh chưng tết, dành thời gian vui xuân sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ khi trưởng thành của trẻ thơ. Vậy nên, giữ gìn vẻ đẹp Tết cổ truyền không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là trách nhiệm của mỗi người với thế hệ mai sau.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202301/tuc-cu-van-dep-trong-xuan-moi-d740b1f/