Tục cúng ông Công ông Táo tại Cố đô Huế
(SGTT) – Cùng xem các gia đình ở Huế đưa ông Công ông Táo về trời như thế nào vào ngày 23 tháng Chạp (25-1 Dương lịch).
Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp trong không khí mùa Xuân đang về trên mọi miền đất nước, người dân Việt Nam nói chung và người dân Cố đô Huế nói riêng lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Táo về trời (Tết Táo Quân, Tết ông Công…). Đây là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay.
Đưa ông Công ông Táo tại Huế
1 của 13
Theo tục lệ cổ truyền của người Việt, Táo Quân – vị thần trông coi bếp núc sẽ cưỡi cá chép bay về trời vào dịp 23 tháng Chạp Âm lịch hằng năm để báo lại mọi việc xảy ra trong trong năm qua cho Ngọc hoàng Thượng đế. Để bày tỏ lòng thành, các gia đình sẽ làm một mâm cơm đạm bạc tiễn ông Táo về trời. Cùng với việc chuẩn bị mâm cơm, bàn thờ ông Công, ông Táo cũng được các gia đình lau dọn sạch sẽ, tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm may mắn, đủ đầy.
Bắt đầu từ rạng sáng cho đến 12:00 trưa ngày 23 tháng Chạp, các gia đình ở Huế thường làm một mâm cỗ để đưa ông Công ông Táo về chầu trời. Một vật phẩm không thể thiếu đối với lễ cúng ông Công ông Táo với người Huế đó là tượng của tam vị Táo quân. Mặc dù có những thay đổi về màu sắc, nhưng nhìn chung những bức tượng đều mang đậm giá trị của văn hóa dân gian.
Sau lễ cúng, theo phong tục của người dân Huế, những bức tượng ông Táo thường được đưa ra các vị trí thông thoáng như ngã ba, hay các gốc cây cổ thụ, gần đình chùa, miếu mạo với quan niệm tiễn ông Táo về trời. Nhiều nơi ở Huế người dân còn có phong tục thả cá chép với quan niệm cá chép hóa rồng và là phương tiện để đưa ông Táo lên chầu Trời.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/tuc-cung-ong-cong-ong-tao-tai-co-do-hue/