Là một trong số hàng trăm người đến nhận gạo từ "máy ATM gạo" trong những ngày qua, bà Bùi Thị Kim Hoa (quận Phú Nhuận) cho biết khoảng 2 kg gạo được nhận mỗi ngày giúp gia đình thoát đói. 5 năm nay, bà bán vé số mưu sinh, từ khi được thông báo ngừng hoạt động bán vé số, gia đình bà lâm cảnh khó khăn. "Chẳng nói quá, nhưng nếu không có những phần gạo từ thiện này tôi không biết gia đình mình lấy gì ăn. Xin cám ơn những Mạnh Thường Quân đã làm nên 'máy ATM gạo' này" - bà Hoa cho hay.
Ông Trần Văn Hùng (62 tuổi, ngụ quận Tân Phú) nhiều ngày qua lâm cảnh khó khăn khi không kiếm được tiền đủ sống từ nghề lượm ve chai. "Trước khi chưa có dịch, các khu vực công cộng đông đúc của thành phố là nơi tôi nhặt chai nhựa mưu sinh. Nhưng giờ mọi nơi đều vắng vẻ, người dân ít ra đường. Rong ruổi từ sáng đến chiều tối tôi chẳng nhặt được nhiêu thứ có thể bán được. Nếu không nhận gạo ở đây chắc là tôi đói", ông Hùng chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hoa (quận Tân Phú) nói mình rất vui khi nhận được túi gạo nghĩa tình. Nhiều ngày qua, công việc mua ve chai của chị trở nên ế ẩm chưa từng có. Mỗi ngày chị kiếm lãi mấy chục nghìn đồng. Chị có 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi chơi, nên với số tiền kiếm được không đủ để gia đình chị mua thức ăn, gạo hàng ngày. Cũng theo chị Hoa, túi gạo nghĩa tình giúp bữa ăn gia đình được cải thiện hơn vì số tiền kiếm được thay vì mua gạo, chị dùng để mua thêm cá, rau cho các con.
Trước khi được nhận gạo từ thiện tại đây, gia đình bà Lê Thị Chẵn (quận Bình Tân) đã mấy ngày rơi vào cảnh thiếu gạo ăn, mọi người phải ăn thêm rau muống. Bà và chồng làm thuê cho một xưởng tái chế túi nhựa nhưng nơi này đóng cửa nhiều ngày qua để tránh dịch. Không còn việc làm, không tiền tích lũy, vợ chồng bà đối mặt với cảnh thiếu ăn thường xuyên. "Cám ơn Mạnh Thường Quân đã cứu vợ chồng tôi thoát đói. Thành thật cảm ơn!", bà Chẵn chia sẻ.
Đã 10 ngày nay, ông Trần Quốc An (70 tuổi, quận Tân Phú) được thông báo dừng bán vé số để tránh dịch Covid-19. Việc này đột ngột đến nỗi các thành viên trong gia đình ông chưa kịp tìm việc gì khác để làm. Thu nhập không còn, chi phí tiền nhà trọ khoảng 1 triệu đồng/tháng và những chi phí khác cho cuộc sống khiến gia đình ông lâm cảnh thiếu thốn. Hai ngày trước khi được nhận gạo, ông tìm đến những người quen để mượn gạo, mượn tiền. Cũng theo ông, chút gạo nghĩa tình lúc này quý hơn tất cả, vì nó duy trì cuộc sống cho ông và vợ mình.
Ông Trần Huy Trung (57 tuổi, quận Bình Chánh) đến "máy ATM gạo" nhận gạo chiều 10/4. Đây là lần đầu tiên ông đến đây nhận hỗ trợ. "Tôi làm nghề chạy xe ôm, vợ tôi làm phụ hồ. Thời điểm trước khi có dịch, gia đình tôi nghèo khó nhưng chưa đến nỗi thiếu ăn như bây giờ. Tôi cũng chưa từng suy nghĩ có ngày mình phải đi nhận gạo trợ cấp để chạy đói. Nhưng giờ đây mọi thứ đã khác. Cám ơn quý Mạnh Thường Quân rất nhiều", ông Trung chia sẻ.
Từ khi có dịch bệnh, mỗi ngày trôi qua đối với gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (quận Tân Phú) càng trở nên nặng nề, khó khăn chồng chất. Nhiều năm lượm ve chai kiếm sống, nuôi con nhỏ nhưng chưa bao giờ chị rơi vào hoàn cảnh túng quẩn đến mức không có tiền mua gạo ăn. Nhận được túi gạo khoảng 2 kg, chị cho biết mình và con có thể an tâm thoát đói trong 2-3 ngày tới.
Chị Đoàn Thị Liên (42 tuổi, quận Tân Phú) từng có cuộc sống khá ổn định trước đây với nghề lượm ve chai, chồng chị làm phụ hồ. Từ khi có dịch, chồng chị mất việc vì nhà thầu không cần số lượng đông người làm như trước. "Tôi phải làm để nuôi chồng qua lúc khó khăn, anh ấy cũng đang tìm việc nhưng chưa có. Tôi cũng không còn nhặt được nhiều ve chai tại các khu công cộng như trước, mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng. Được nhận gạo 2 ngày nay, cả tôi và chồng đều rất vui, bớt cảm giác lo lắng", chị Liên nói.
Ôtô chất đầy mì tôm tới góp sức cùng nhóm từ thiện vì người nghèo "Nếu khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày" là khẩu hiệu đặt bên hè phố nhằm giúp đỡ người lao động, sinh viên mắc kẹt do Covid-19, trong mỗi gói quà có mì gói, trứng, xúc xích...
Phạm Ngôn