Từng ấm ức khi nghỉ lễ phải ở nhà nấu cơm, tôi đã thay đổi khi chứng kiến điều này từ mẹ chồng

Nghỉ lễ, với nhiều người là dịp được xả hơi, được đi chơi hay chỉ đơn giản là trốn trong nhà với chiếc điều hòa. Còn tôi - một nàng dâu sống cùng nhà chồng - lại có những cung bậc cảm xúc rất riêng.

Cách đây 3 năm, tôi lên xe hoa về nhà chồng. Chồng tôi là con cả cũng là con trai duy nhất trong nhà nên cưới xong, chúng tôi sống cùng bố mẹ trong căn nhà cũ, đã được tu sửa lại trước khi đám cưới diễn ra.

Mẹ chồng tôi không phải người ghê gớm. Bà là người phụ nữ nề nếp, thương con thương cháu kiểu truyền thống. Nhưng chính cái "truyền thống" ấy đôi khi khiến tôi mệt mỏi.

Ngay hồi mới về làm dâu, mẹ chồng đã cẩn thận dạy tôi từng nề nếp, gia phong trong gia đình. Ví dụ chuyện sáng mùng 1 phải dậy từ 5h sáng, mặc áo dài, thắp hương trên ban thờ. Hay như việc khách khứa đến chơi, con dâu phải đứng dậy rót nước mời trà, không được ngồi chung mâm, phải ăn sau cùng… Những điều tưởng chừng như "cổ hủ" ấy lại được mẹ chồng tôi rất coi trọng. Và dĩ nhiên, tôi là con dâu nên phải chịu cảnh "nhập gia tùy tục".

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vậy là suốt 3 năm qua, mỗi lần lễ, Tết, trong đầu tôi không phải là kế hoạch đi chơi, mà ở nhà dọn dẹp nhà cửa, cơm nước và tiếp đón khách khứa cùng bố mẹ chồng. Mọi thứ chu đáo thì không sao nhưng hễ cỗ bàn không được tươm tất, món ăn mặn hay nhạt hoặc có điều gì khiến mọi người phật ý là y như rằng, mẹ chồng lại "chỉnh" tôi từng chút một để lần sau làm tốt hơn.

Nhiều lúc áp lực, tôi từng nghĩ đến chuyện rời khỏi nhà chồng để giải thoát vì phụ nữ bây giờ đâu phải sinh ra chỉ để làm nội trợ, phục vụ cho người khác. Tôi từng nổi loạn trong đầu, từng so sánh nhà chồng với nhà mình. Bởi ở nhà mẹ đẻ, nghỉ lễ tôi được ngủ nướng đến trưa, thích thì đi cà phê với bạn bè. Còn ở nhà chồng thì lễ là dịp tất bật nhất năm, bận hơn cả ngày thường.

Nhưng từ khi tôi sinh con, tôi đã dần suy nghĩ khác. Nhất là trong thời gian tôi ở cữ, mẹ chồng luôn nấu cơm và rửa bát một mình. Bà cứ lặng lẽ làm mà không hề phàn nàn bất cứ câu nào. Có lúc thấy thương mẹ chồng, tôi tỏ ý muốn phụ nhưng luôn bị bà từ chối. Bà nói, phụ nữ sinh nở là vất vả nhất, những chuyện bếp núc cỏn con, có đáng là gì nên tôi không cần bận tâm.

Hôm ấy, lần đầu tôi nhận ra, có khi chính mẹ chồng cũng mệt nhưng bà không hề phàn nàn và vẫn suy nghĩ cho con dâu. Nghĩ lại, hồi tôi bầu, mẹ chồng cũng nấu nhiều món bổ dưỡng cho tôi ăn. Tôi đi sinh, mẹ chồng chăm sóc cả tôi và bé rất cẩn thận. Con tôi cũng lớn lên trong tình yêu thương của ông bà mà không hề bị can thiệp quá mức trong cách nuôi dạy.

Từ đó, tôi bắt đầu nhìn mọi chuyện khác đi. Tôi vẫn thấy mệt nhưng không còn ấm ức. Tôi vẫn nấu ăn nhưng không còn gồng. Tôi vẫn là con dâu nhưng đã biết mở lòng, đứng ở vị trí của mẹ chồng để suy nghĩ.

Nghỉ lễ năm nay, tôi không chuẩn bị gì cầu kỳ. Tôi vẫn đi chợ, vẫn vào bếp, vẫn rửa bát nhưng không còn thấy đó là trách nhiệm mà là điều tôi nên làm cho gia đình.

Và sau ba năm làm dâu, có một điều tôi đã học được: Không phải ai sinh ra cũng hiểu nhau, nếu chúng ta chịu mở lòng, mọi khoảng cách sẽ dần ngắn lại…

H.A

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tung-am-uc-khi-nghi-le-phai-o-nha-nau-com-toi-da-thay-doi-khi-chung-kien-dieu-nay-tu-me-chong-172250430154848015.htm