Tưng bừng lễ hội bánh chưng - bánh giầy TP Sầm Sơn năm 2019

Sáng 14-6 (tức ngày 12-5 năm Kỷ Hợi), TP Sầm Sơn tổ chức Lễ hội bánh chưng - bánh giầy năm 2019 với sự tham gia của các phường, xã trên địa bàn cùng đông đảo du khách thập phương.

Lễ hội bánh chưng - bánh giầy là lễ hội văn hóa truyền thống có lịch sử lâu đời của nhân dân Sầm Sơn, được tổ chức thường niên vào ngày 12-5 âm lịch hằng năm.

Phần rước kiệu, diễu hành trên đương Hồ Xuân Hương của các đoàn đến từ các phường, xã trên địa bàn TP Sầm Sơn.

Đây là lễ hội văn hóa tâm linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, biển lặng sóng êm; cầu cho mùa màng tươi tốt, cá tôm đầy thuyền, du lịch đạt nhiều thắng lợi; cầu cho mọi người, mọi nhà được bình an, ấm no, hạnh phúc.

Ngay từ sáng sớm đã diễn ra nghi thức rước kiệu truyền thống của các đoàn cùng nhân dân tất cả các xã, phường. Hơn 1.000 cụ ông, cụ bà, nam thanh, nữ tú và các em thiếu nhi trong trang phục truyền thống tham gia đoàn rước kiệu, đi dọc đường Hồ Xuân Hương, tề tựu về sân đền Độc Cước.

Các đoàn chuẩn bị sẵn bánh chưng, bánh giầy cùng nhiều lễ vật dâng Thần Độc Cước

Đại diện các đơn vị dâng bánh chưng, bánh giầy tế lễ.

Phần nghi lễ với các hoạt động tế lễ, đọc chúc văn diễn ra trang nghiêm, đúng với nghi thức truyền thống của lễ hội.

Lãnh đạo TP Sầm Sơn đánh trống khai mạc lễ hội.

Sau đó là chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội mang chủ đề “Huyền thoại Sầm Sơn – Khí thiêng sông núi” do các nghệ sỹ, diễn viên Đoàn nghệ thuật UNESCO, di sản dân ca Việt Nam và các nghệ nhân TP Sầm Sơn thể hiện với các tiết mục đặc sắc ca ngợi vẻ đẹp của quê hương Sầm Sơn, của xứ Thanh.

Sôi động, hấp dẫn nhất là phần thi làm bánh giầy giữa 12 làng đến từ các phường, xã trên địa bàn, thu hút đông đảo nhân dân và du khách xem, cổ vũ. Trong ảnh: Các đơn vị tham gia thi lấy lửa để nhóm bếp làm bánh giầy.

Theo quy định của Ban tổ chức, mỗi làng chọn 7 người có sức khỏe và kinh nghiệm, vận trang phục truyền thống, mang theo một thúng nếp đã được ngâm sẵn, cùng các vật dụng như: cối đá, chày gỗ, mâm đồng đặt bánh, nước sạch và củi lửa.

Cuộc thi làm bánh bắt đầu, lửa bếp được nhóm lên.

Đun nước sôi để chuẩn bị bỏ gạo nếp.

Sau khi nước sôi, gạo được đổ vào nồi để nấu thành cơm nếp.

Không khí làm việc hết sức khẩn trương.

Cơm nếp chín được múc ra để chuẩn bị đem đi giã.

Gạo nếp được nấu chín đưa vào cối và được những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh nhất giã.

Cơm nếp phải được giã nhuyễn, kỹ, sao cho mịn, cho dẻo để nặn bánh giầy.

Sau khi giã, bánh được nặn thành hình tròn, đúng kích thước và đẹp mắt. Tất cả các cung đoạn làm nên chiếc bánh giầy được các nghệ nhân và nhân dân tái diễn chi tiết, thể hiện sức mạnh đoàn kết, sự dẻo dai, khéo léo trong việc tạo nên hình tượng trời đất vuông tròn.

Bánh giầy sau khi hoàn thiện sẽ được trình bày, trang trí trên mâm.

Những chiếc bánh giầy được các nghệ nhân "chăm chút", trang trí rất cẩn thận, đẹp mắt.

Tất cả bánh dự thi được đưa về Ban tổ chức để chấm điểm. Sau khi lễ hội kết thúc, bánh sẽ được phát cho dân làng để cùng nhau hưởng phúc lộc, gặp nhiều may mắn và bình an.

Lễ hội bánh chưng - bánh giầy TP Sầm Sơn năm 2019 đã để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách và cũng là dịp để cầu mong cho mùa màng tốt tươi, những chuyến ra khơi an toàn, may mắn, cầu cho quốc thái, dân an.

Kết thúc lễ hội, ban tổ chức đã trao các giải thưởng cho các đơn vị giành thứ hạng cao tại các nội dung thi như: rước kiệu, trang trí mâm sơn trang, phần thi làm bánh giầy, cũng như trao phần thưởng toàn đoàn cho các đơn vị.

Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/tung-bung-le-hoi-banh-chung-banh-giay-tp-sam-son-nam-2019/102633.htm