Từng bước đẩy lùi hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai các biện pháp đẩy lùi hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cùng với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển, đảo, BĐBP Nghệ An cũng tích cực ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động khai thác hải sản trái phép trên địa bàn khu vực biên giới biển phụ trách.

Đồn Biên phòng cảng Cửa Lò - Bến Thủy phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Nghệ An tặng cờ Tổ quốc và tủ thuốc, nhu yếu phẩm cho ngư dân địa bàn. Ảnh: Lê Thạch

Đồn Biên phòng cảng Cửa Lò - Bến Thủy phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Nghệ An tặng cờ Tổ quốc và tủ thuốc, nhu yếu phẩm cho ngư dân địa bàn. Ảnh: Lê Thạch

Tỉnh Nghệ An có chiều dài bờ biển trên 82 km, diện tích vùng biển rộng lớn, dọc bờ biển có 6 cửa lạch, thuận lợi cho tàu thuyền ra, vào cũng như neo đậu, tránh trú ẩn trong mùa mưa bão. Đây là địa bàn có vị trí địa lý kinh tế, chính trị hết sức thuận lợi, vùng biển được xem là cửa ngõ quan trọng, “mặt tiền” không chỉ riêng của Nghệ An mà cả khu vực Bắc Trung Bộ, cầu nối thực hiện các hoạt động giao lưu và hội nhập quốc tế. Tỉnh Nghệ An xác định phát triển vùng biển trở thành vùng kinh tế mũi nhọn, trong đó, ưu tiên các ngành: Dịch vụ cảng biển; dịch vụ du lịch biển; công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản. Với tiềm năng sẵn có, cùng các chính sách hỗ trợ và sự nỗ lực của người dân, kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản và lĩnh vực khai thác hải sản nói riêng của tỉnh Nghệ An có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động khai thác hải sản tại địa phương vẫn tồn tại những hạn chế. Đó là vẫn còn 24 tàu cá (chiếm 2,1%) chưa lắp đặt giám sát hành trình, nhiều phương tiện mất tín hiệu giám sát hành trình trong quá trình hành nghề; số tàu cá vượt đường ranh giới trên biển còn khá cao, trong tháng 1/2023, có 11 tàu cá của tỉnh Nghệ An vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, đánh bắt…

Trước tình hình trên, tỉnh Nghệ An đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống khai thác IUU. Các lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP Nghệ An thường xuyên tổ chức tuyên truyền để ngư dân hiểu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quá trình hành nghề. Trong đó, vận động ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài, không sử dụng các hình thức khai thác hải sản bất hợp pháp, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá. Cùng với đó, BĐBP Nghệ An triển khai lực lượng, phương tiện phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa sông, cửa lạch, bến neo đậu tàu thuyền và trên biển.

Trong năm 2022, các đơn vị của BĐBP Nghệ An kịp thời phát hiện, xử lý 69 vụ/103 đối tượng/103 phương tiện vi phạm các quy định về hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng biển, xử phạt vi phạm hành chính gần 730 triệu đồng, thu giữ 18 bộ công cụ kích điện, 96m dây điện…

Nhờ triển khai quyết liệt nhiều biện pháp mà tính đến hết tháng 2/2023, tất cả 2.497 chiếc tàu có chiều dài trên 6m của tỉnh Nghệ An (trong tổng số 3.394 tàu, thuyền) đã được cấp đăng ký, có 1.118/1.142 tàu cá hoạt động xa bờ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 97,90%. Hiện tượng tàu cá của ngư dân địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài đã cơ bản được đẩy lùi.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn những hạn chế nhất định. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Như Long, Phó Chi cục trưởng, Phụ trách Chi Cục Thủy sản Nghệ An cho biết: “Cũng như các địa phương khác, tỉnh Nghệ An vẫn còn những tồn tại trong triển khai nhiệm vụ phòng chống khai thác IUU. Cụ thể như hiện tượng tàu cá mất kết nối hành trình vẫn còn cao, còn hiện tượng tàu cá vượt đường ranh giới trên biển, lượng tàu cập cảng thông báo để được giám sát sản lượng hải sản còn thấp, việc ghi nhật ký tàu cá của ngư dân chưa đầy đủ…”.

Cụ thể, chỉ trong tháng 2/2023, có 779 lượt tàu cá tỉnh Nghệ An mất tín hiệu giám sát hành trình trong thời gian hành nghề trên biển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, khi gặp thời tiết xấu trên biển, một số chủ tàu ngắt hệ thống điện để đảm bảo an toàn, chống cháy nổ, hết hạn cước thuê bao…

Ông Trần Như Long cũng khẳng định, trước thực trạng trên, cán bộ trực ban các lực lượng liên quan sẽ liên lạc để nhắc nhở, yêu cầu các tàu cá kiểm tra lại thiết bị, duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ từ khi rời cảng đến khi cập cảng theo đúng quy định. Riêng đối với phương tiện mất thiết bị giám sát hành trình dài ngày, các đơn vị chức năng sẽ lập biên bản nhắc nhở, yêu cầu chủ tàu khắc phục. Các cảng cá không cho tàu cá bốc dỡ thủy sản, làm thủ tục xuất lạch khi chưa có biên bản giải trình, làm rõ lý do mất kết nối.

Quyết tâm cùng cả nước gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam, trong thời gian tiếp theo, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung đẩy mạnh, đa dạng các hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến cho các cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định về phòng, chống khai thác IUU. Hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định, cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại Trạm Kiểm soát Biên phòng tuyến biển, tàu cá ra vào tại cảng cá theo đúng quy định. Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm, khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm lâu dài. Cụ thể như: Đầu tư thỏa đáng để bảo đảm công tác bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái biển, tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng giảm khai thác thủy sản, tăng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển. Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích giảm số lượng tàu cá, chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho công đồng ngư dân ven biển.

Cùng với đó, đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng các cảng cá, khu neo trú tàu thuyền, đáp ứng tiêu chí phân loại cảng cá theo quy định của Luật Thủy sản, đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng chỉ định, đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU. Tổ chức, hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề trong lĩnh vực khai thác, đào tạo các chức danh thuyền viên tàu cá cho ngư dân nhằm đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Ngoài ra, yêu cầu các lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá, kiên quyết không để các phương tiện ra biển hành nghề nếu không đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tung-buoc-day-lui-hoat-dong-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap-post459939.html