Từng bước hiện thực hóa mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030
Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), với mỗi mô hình đào tạo kết hợp giữa 3 Nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, hằng năm có thể đào tạo được khoảng 540 kỹ sư thiết kế vi mạch. Như vậy, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trên tổng số 50.000 kỹ sư bán dẫn là hoàn toàn khả thi.
Chiều 9/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) tổ chức Lễ bế giảng chương trình “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản".
Chương trình là khóa đào tạo thiết kế vi mạch chuyên sâu đầu tiên do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) tổ chức, phối hợp với Tập đoàn FPT, Tổ chức Tresemi từ Thung lũng Silicon và Cadence - Tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết kế chip, cùng sự hỗ trợ của các trường đại học trong lĩnh vực bán dẫn.
Khóa học tập trung vào quy trình và nguyên tắc thiết kế vật lý cho vi mạch tích hợp quy mô lớn (VLSI); bao gồm các kỹ năng tối ưu hóa định thời, diện tích, năng lượng tiêu thụ, độ tin cậy và tính khả thi sản xuất của vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, học viên sẽ có kiến thức thực tế chuyên sâu về việc sử dụng các công cụ Tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) chuẩn công nghiệp cho việc thiết kế và phân tích vật lý vi mạch. Đối tượng tham gia chủ yếu là sinh viên năm cuối các trường đại học khối kỹ thuật trên cả nước.
Chương trình đào tạo tuyển chọn được hơn 70 học viên xuất sắc từ các trường đại học lớn trên cả nước để cấp học bổng và tham gia chương trình đào tạo. Theo đánh giá của các chuyên gia, các học viên tốt nghiệp chương trình đều có thể tham gia hoạt động tại doanh nghiệp.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.
"Đây là một giải pháp quan trọng để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Sự hợp tác giữa Chính phủ - Viện, Trường - Doanh nghiệp mà chúng ta chứng kiến chính là đòn bẩy cho sự phát triển và đổi mới chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo NIC, với mỗi mô hình đào tạo kết hợp giữa 3 Nhà: Nhà nước (bao gồm các cơ quan Trung ương và địa phương) - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, hằng năm có thể đào tạo được khoảng 540 kỹ sư thiết kế vi mạch. Như vậy, nếu nhân rộng mô hình này tại 10 cơ sở đào tạo và địa phương, mỗi năm sẽ có thể đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch có chất lượng. Đến năm 2030, Việt Nam có thể đào tạo được ít nhất là 25.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Điều này cho thấy mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trên tổng số 50.000 kỹ sư bán dẫn là hoàn toàn khả thi.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, NIC, Bộ KH&ĐT đã tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là diễn đàn để lãnh đạo các địa phương, trường đại học và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, phân tích những thách thức hiện tại và đề xuất những chiến lược hợp tác hiệu quả.
Nội dung tọa đàm tập trung vào việc làm thế nào để doanh nghiệp có thể đóng góp tích cực vào quá trình đào tạo và phát triển kỹ năng cho nguồn nhân lực, từ việc đa dạng hóa các nguồn lực cho đào tạo, đẩy mạnh hợp tác công - tư, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, doanh nghiệp cung cấp các chương trình thực tập, hợp tác nghiên cứu phát triển, đến việc xây dựng môi trường làm việc và tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp thuận lợi.
Sự kiện cũng là cơ hội để các bên liên quan cùng nhau từng bước thúc đẩy và đa dạng hóa hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế và công nghệ của đất nước. Tại tọa đàm, các bên đều kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn để Việt Nam không bị lỡ thời cơ./.