Từng bước hiện thực hóa mục tiêu loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét vào năm 2030
Sáng 23-2, tại Đà Nẵng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương phối hợp với tổ chức PATH tổ chức hội nghị nhằm đánh giá công tác phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng năm 2023; triển khai kế hoạch năm 2024; thúc đẩy loại trừ sốt rét tại Việt Nam thông qua truyền thông, vận động chính sách, đảm bảo tài chính bền vững cho hoạt động loại trừ sốt rét, phòng chống sốt rét quay trở lại và cập nhật biện pháp mới, hiệu quả điều trị sốt rét.
Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu thuộc Bộ Y tế, UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật 12 tỉnh; các cơ quan chuyên môn; các tổ chức trong và ngoài nước tham gia công tác phòng, chống sốt rét.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, trong hơn 30 năm qua, chương trình Quốc gia phòng, chống sốt rét đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Trong năm 2023, Việt Nam có 448 bệnh nhân sốt rét, 2 bệnh nhân tử vong, không có dịch sốt rét và 46 tỉnh/thành phố được công nhận loại trừ bệnh sốt rét. Tuy nhiên, bệnh sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp với hơn 6,8 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành tập trung chủ yếu ở tỉnh Lai Châu, Khánh Hòa và một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên; Sốt rét kháng thuốc; Sốt rét biên giới, di biến động dân; muỗi kháng hóa chất; nguồn kinh phí đầu tư cho phòng, chống và loại trừ sốt rét còn hạn hẹp.
">
TS, BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương phát biểu tại hội nghị.
Để duy trì thành quả đã đạt được, tiến tới loại trừ bệnh sốt rét năm 2030 và triển khai hiệu quả kế hoạch hoạt động trong thời gian tới cần tăng cường vận động chính sách bảo đảm kinh phí cho các hoạt động, đảm bảo chế độ hỗ trợ nhân viên y tế; Tăng cường nghiên cứu và áp dụng các biện pháp chuyên môn kỹ thuật mới, hiệu quả trong phòng bệnh, phát hiện, điều trị; Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm tăng cường nguồn lực và kỹ thuật.
Hoạt động phòng, chống các bệnh ký sinh trùng tại Việt Nam nhằm giảm tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm, giảm gánh nặng bệnh tật do giun truyền qua đất, các bệnh giun, sán truyền từ động vật sang người. Trong năm 2023, có hơn 12,8 triệu lượt trẻ 24-60 tháng tuổi, học sinh tiểu học và phụ nữ tuổi sinh sản đã được tẩy giun. Các chiến dịch tẩy giun do các tỉnh tiến hành diễn ra an toàn và đạt được độ bao phủ 95-98%.
">
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, TS, BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2024, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương sẽ đẩy mạnh vận động chính sách, tăng cường sự chỉ đạo, huy động các cấp các ngành quan tâm đầu tư nhân lực, kinh phí đảm bảo bền vững chương trình phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng để thực hiện thành công mục tiêu loại trừ sốt rét tại Việt Nam vào năm 2030; tiến hành đánh giá Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ sốt rét; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn: Can thiệp tại các tỉnh có điểm nóng sốt rét, duy trì giám sát đề phòng sốt rét quay trở lại tại 46 tỉnh đã được công nhận loại trừ sốt rét, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng hoạt động phòng, chống ký sinh trùng, côn trùng; rà soát tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ các tuyến để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phù hợp với thực tế và tiếp tục tìm các giải pháp để đảm bảo nguồn lực từ nguồn trong nước và quốc tế cho hoạt động của chương trình phòng, chống sốt rét.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/tung-buoc-hien-thuc-hoa-muc-tieu-loai-tru-hoan-toan-benh-sot-ret-vao-nam-2030-766047