Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới
Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Qua 10 năm triển khai Đề án xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tỉnh An Giang (gọi tắt là Đề án) giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh đạt được 206/716 trường trong hệ thống công lập, chiếm tỷ lệ 28,77%.
Nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ quan trọng
Trước yêu cầu bức thiết nâng cao chất lượng toàn diện công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) , Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được phê duyệt năm 2010 với tỷ lệ trường đến năm 2020 đạt chuẩn quốc gia lên đến 97,6%. Cụ thể, đến hết năm 2012 đạt 33,5%; năm 2015 đạt 62,3%; đến cuối giai đoạn đạt 97,6%. Trong đó, mầm non đạt 97,6%, tiểu học đạt 98,0%, THCS đạt 97,4%, THPT đạt 93,8%. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Bình Thư, những năm qua, sự nghiệp GD&ĐT tỉnh không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng khá tốt yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương; đó là một trong những thuận lợi khi triển khai thực hiện Đề án.
Ngoài ra, cơ sở vật chất cũng được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, trang thiết bị dạy học hàng năm được bổ sung và hoàn thiện, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng được tăng cường về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu công tác đặt ra. Trong đó, tỷ lệ cán bộ quản lý đạt trên chuẩn chiếm 86,58%, giáo viên đạt trên chuẩn là 76,98%. Cùng với đó, công tác phổ cập giáo dục được triển khai và duy trì kết quả đạt chuẩn hàng năm. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1; phổ cập giáo dục THCS mức độ 1: 11/11 huyện, mức độ 2: 2/11 huyện. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ và phổ cập giáo dục.
Tại Hội nghị sơ kết Đề án xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tỉnh An Giang giai đoạn 2010-2020 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì vừa qua là bước đánh giá kết quả thực hiện Đề án; đồng thời đề ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia thời gian tới. Theo đó, các đại biểu đã thảo luận, trình bày nhiều ý kiến, tham luận liên quan các vấn đề: giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục; kinh nghiệm duy trì, phát huy kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia...
Phó Chủ tịch UBND xã Định Thành (Thoại Sơn) Nguyễn Tuyết Minh đã chia sẻ những giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn xã. Cụ thể, cần làm tốt công tác tuyên truyền trong phong trào xã hội hóa giáo dục, trước hết làm cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nhận thức đúng đắn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về GD&ĐT. Quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tất cả việc làm phải huy động được mọi gia đình, người dân, các đoàn thể cùng tham gia. Cũng theo chị Minh, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên từ dễ đến khó; những nơi có đủ điều kiện, đầu tư thấp thực hiện trước, những trường khó khăn về diện tích, mặt bằng, đầu tư lớn sẽ thực hiện sau.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình biểu dương những kết quả tích cực sau 10 năm triển khai Đề án như: diện mạo của trường lớp các cấp được nâng lên rõ rệt, cơ sở vật chất đảm bảo cơ bản cho việc dạy và học, trường, lớp khang trang hơn; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được đào tạo bài bản và hoàn thiện cả về trình độ chuyên môn, chính trị. Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: ngành GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quy hoạch hệ thống trường lớp; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để chăm lo cho học sinh; tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được an toàn; thực hiện hiệu quả các biện pháp ngăn dòng bỏ học; tích hợp, lồng ghép cụ thể Đề án vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...