Từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 22/12/2023, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030 với ba nhiệm vụ trọng tâm và bốn nhóm giải pháp.

Trong đó, công tác dân vận có 3 nội dung rất quan trọng là: tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong nhận diện, xác định các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cần xóa bỏ để tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện xóa bỏ. Hướng dẫn cộng đồng dân cư xác định các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đưa vào quy ước, hương ước thực hiện việc xóa bỏ. Thực hiện nêu gương trong thực hiện Nghị quyết và nêu gương trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Với đặc thù một tỉnh miền núi, biên giới, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm trên 84% dân số toàn tỉnh với 20 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó có 13 dân tộc cư trú thành cộng đồng. Mỗi dân tộc đều có đời sống văn hóa, phong tục, tập quán mang những nét độc đáo, đặc sắc rất riêng. Thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch. Tuy nhiên, những phong tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại dai dẳng và thậm chí đang âm thầm phát triển, trở thành những hủ tục cản trở đối với sự phát triển. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do quan niệm, nhận thức của đồng bào chưa phân biệt được đâu là những phong tục, tập quán không còn phù hợp, đâu là những phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc cần bảo tồn và phát huy.

Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.

Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.

Vì vậy giải pháp quyết liệt nhất trong giai đoạn hiện nay để bài trừ hủ tục là hoạt động tuyên truyền giáo dục. Thông qua hoạt động này để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của cộng đồng về quyết tâm bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Giải pháp trọng tâm đầu tiên để nâng cao chất lượng công tác dân vận trong xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu đó là: nhận diện, xác định các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cần xóa bỏ. Đây là vấn đề nhạy cảm trong đời sống của cộng đồng, là một phạm trù văn hóa liên quan đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng đã ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng. Không thể giải quyết chỉ bằng các giải pháp từ góc độ hành chính hay pháp luật, mà thực chất cần phải làm thay đổi căn bản nhận thức của cộng đồng. Từ đó chuyển hóa thành hành vi và trở thành hành động. Khi đó mới thực sự bài trừ hủ tục ra khỏi đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng.

Bên cạnh đó là các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu khác như: Tục cúng bái chữa bệnh theo yêu cầu của thầy mo, thầy cúng; Tình trạng di cư tự phát, xâm canh, chặt phá, đốt rừng bừa bãi để làm nương rẫy. Tình trạng thả rông gia súc, vật nuôi (trâu, bò, dê, ngựa,…). Việc sinh nhiều con, sinh dày vẫn còn tồn tại; tình trạng trọng nam, khinh nữ; em dâu, con dâu không được ngồi ăn cơm chung mâm với anh chồng, bố chồng hoặc được ăn cơm chung mâm nhưng không được ngồi ghế (Ở một số nơi thuộc vùng dân tộc Hà Nhì và Si La)…; tình trạng uống rượu triền miên dẫn đến sức khỏe suy yếu, ảnh hưởng sức lao động, đói nghèo dai dẳng, kém phát triển.

Như vậy, vấn đề quan trọng nhất là giúp cộng đồng dân cư xác định đâu là các phong tục, tập quán đã cũ kỹ không còn hợp thời, không còn các giá trị mang tính văn hóa, đã trở lên lỗi thời, lạc hậu làm cho xã hội bị trì trệ, chậm phát triển để đấu tranh xóa bỏ mặt hạn chế, tiêu cực của nó trong đời sống.

Từ đó, chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, vận động các thôn, bản, tổ dân phố, dòng họ nhận diện, xác định và bổ sung vào quy ước, hương ước để thực hiện việc xóa bỏ, đảm bảo đúng quy trình và xuất phát từ nhu cầu tự quản, tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân và trách nhiệm của từng người dân trong tổ chức thực hiện.

Công tác này cần phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc cấp xã hướng dẫn, giám sát việc tổ chức để cộng đồng dân cư bàn, quyết định và thực hiện các nội dung quy ước, hương ước liên quan đến việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Nhất là, việc phát huy vai trò của người uy tín, trưởng dòng họ trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm nhận diện và xác định các hủ tục.

Giải pháp trọng tâm thứ hai trong công tác dân vận huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu:

Một là, vai trò của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn trong việc khảo sát, đánh giá và xác định danh sách các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cần tập trung tuyên truyền, vận động xóa bỏ.

Hai là, vai trò của các cơ quan, đoàn thể, nhất là bộ phận nòng cốt làm công tác tuyên truyền, vận động như: Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tư tưởng - văn hóa, các cơ quan thông tin và truyền thông trong xây dựng tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, vận động. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy hiệu quả của mạng internet, các ấn phẩm mang tính báo chí và website, fanpage của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của đài truyền thanh - truyền hình địa phương và hệ thống loa truyền thanh cơ sở; tuyên truyền bằng tiếng các dân tộc thiểu số... Biên soạn tài liệu tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu dùng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo các hộ gia đình, các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh nhận biết được tác hại, hệ lụy của các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, các hoạt động mê tín dị đoan để tích cực đấu tranh xóa bỏ.

Ba là, làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động; lựa chọn những cán bộ, công chức, nghệ nhân dân gian am hiểu phong tục, tập quán, biết tiếng nói, chữ viết, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã được xác định.

Giải pháp trọng tâm thứ ba đó là, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, người hoạt động không chuyên trách ở các thôn, bản, tổ dân phố thực hiện nghiêm việc nêu gương trong triển khai thực hiện

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở và trong toàn hệ thống chính trị phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiêm việc nêu gương trong thực hiện Nghị quyết, nêu gương trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Nêu gương trong tổ chức lễ cưới tránh phô trương, lãng phí, thách cưới nặng nề; nêu gương trong tổ chức lễ tang đảm bảo trang trọng, văn minh, tiết kiệm, loại bỏ những tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, lãng phí, nhất là việc đảm bảo thi hài người từ trần được khâm niệm thời gian theo quy định, nêu gương trong sử dụng vòng hoa khi phúng viếng tránh lãng phí, tránh ảnh hưởng môi trường.

Xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

T.H

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/t%E1%BB%ABng-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-x%C3%B3a-b%E1%BB%8F-h%E1%BB%A7-t%E1%BB%A5c-l%E1%BA%A1c-h%E1%BA%ADu-v%C3%B9ng-%C4%91%E1%BB%93ng-b%C3%A0o-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-thi%E1%BB%83u-s%E1%BB%91