Tung còn - trò chơi hội xuân mang đậm bản sắc dân tộc Tày

Tung còn là một trong những trò chơi vui nhất của người Tày trong ngày hội xuân, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Chơi tung còn là một trong những dịp se duyên của nam nữ thanh niên, là thông điệp mong muốn âm dương hòa hợp, thiên nhiên thuận hòa, mùa màng bội thu, cả năm may mắn.

Để chuẩn bị tung còn, người ta tìm cây tre to, thẳng, cao từ 12 - 15 m để dựng cột. Một đầu cây tre được buộc tấm ván ép hình tròn có đường kính khoảng 30 cm. Giữa tấm ván ép hình tròn có khoét một lỗ tròn có đường kính khoảng 15 cm để người chơi ném quả còn chui qua. Sau đó hai mặt của tấm ván hình tròn được dán giấy màu vàng, xanh hoặc đỏ trang trí cho đẹp và để thể hiện mặt âm dương của trời đất, bên ngoài vành tấm ván ép còn gắn thêm những chùm lông gà, những sợi tua bằng giấy màu xanh đỏ trang trí đẹp mắt. Khi trang trí xong, buộc tấm ván ép hình tròn vào đầu cây tre. Cột tung còn được dựng giữa một khoảng đất rộng bằng phẳng, phía hai đầu vạch vôi làm mốc cho người đứng tung còn. Khoảng cách từ vạch vôi đến cột tung còn khoảng 20 - 30 m.

Người tham gia hội tung còn thường là nam nữ thanh niên, tuy nhiên không quy định thành phần mà mọi đối tượng đều có thể tham gia cuộc chơi. Vì thế ngay từ trước tết, những người lớn trong gia đình đã làm quả còn cho con cháu mình tham gia hội. Quả còn được thiết kế bằng hai mảnh vải nhiều màu sắc, hình vuông, mỗi chiều khoảng 10 cm. Sau khi khâu hai mảnh vải vào nhau và chừa một lỗ nhỏ để bỏ thóc hoặc hạt muồng muồng vào bên trong để quả còn có độ nặng vừa phải rồi may kín lại. Khi xong công đoạn này, quả còn được trang trí thêm như thắt nơ bằng những sợi chỉ nhiều màu để tăng thêm hình thức sinh động khi sử dụng. Có thể may quả còn có 12 múi vải với 12 màu, nhưng đa phần quả còn có từ 4 - 8 múi. Cuối cùng lấy một sợi dây bằng vải dài khoảng 1 - 1,2 m, may một đầu dây vào nơ quả còn. Trên sợi dây vải, cứ cách một gang lại được khâu thêm những tua vải dài khoảng 5 cm với nhiều màu sắc để quả còn vừa đẹp vừa định hướng được đường bay khi tung lên không trung.

Hội tung còn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hội tung còn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tung còn trong lễ hội mùa xuân thường được tổ chức trong tháng Giêng, chủ yếu là những ngày trong và sau Tết Nguyên đán. Từ ngày mùng 2 tết, thanh niên trong các bản lập hội rủ nhau sang bản khác để tham gia vui tung còn. Đây là dịp để nam thanh nữ tú giao duyên thông qua các làn điệu dân ca. Khi tung còn, nam nữ được chia thành từng nhóm 5 - 7 người, nữ đứng riêng một đầu sân, nam đứng đầu sân tung còn phía đối diện. Khi tung còn, người con gái đem theo một chiếc khăn tay, còn con trai để sẵn tiền trong túi mình. Người con gái được chủ động chọn tung còn về hướng người con trai chọn. Nếu người con gái tung quả còn lọt qua lỗ giữa mảnh ván tròn trên cột, người con trai phải buộc tiền của mình vào quả còn để ném trở lại. Ngược lại nếu người con trai tung quả còn lọt qua lỗ thì người con gái phải lấy tiền bỏ vào khăn tay của mình buộc vào quả còn ném trở lại. Thông qua lễ hội tung còn, nhiều đôi nam thanh, nữ tú nên duyên vợ chồng.

Thực tế hiện nay tung còn không còn phân nhóm nam nữ đứng riêng mỗi đầu sân mà hòa lẫn nhau và cũng không mang đậm chất giao duyên như xưa nữa. Mọi người tham gia tung còn có thể tự do chơi theo sở thích. Những ai ném quả còn qua hồng tâm sẽ được ban tổ chức thưởng tiền hoặc hiện vật. Đồng thời, trong lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian khác như đẩy gậy, kéo co, chơi cờ tướng... Nhưng dù có thêm rất nhiều trò chơi vui nhộn của ngày xuân thì tung còn vẫn là trò chơi mang đậm chất Tày và sẽ mãi trường tồn với người Tày.

Xuân Thương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tung-con-tro-choi-hoi-xuan-mang-dam-ban-sac-dan-toc-tay-3167685.html