Tung tin thất thiệt: Gây hại lớn, phạt quá nhẹ
Cá nhân bị xâm phạm uy tín, danh dự cần sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho mình. Một trong những biện pháp cần thiết là thu thập chứng cứ, khởi kiện
Mới đây, fanpage đầm bầu thời trang Mami tung tin sai sự thật về dịch tả heo châu Phi. Với thông tin thất thiệt này, chủ tài khoản fanpage nêu trên bị cơ quan chức năng xử phạt 20 triệu đồng. Nhưng có lẽ táo tợn và liều lĩnh nhất là việc giả mạo tài khoản Facebook mang tên Ban Tuyên giáo trung ương để đăng bài viết về "Cảnh giác với chiêu bài bảo vệ nước mắm truyền thống" với những thông tin sai sự thật và nhằm phục vụ lợi ích cá nhân.
Ít áp dụng hình sự
Những hành vi đưa thông tin sai sự thật hay giả mạo tên tổ chức, cá nhân nhằm mục đích đăng, phát nội dung không đúng sự thật để câu like, bán được hàng đều là hành vi trái pháp luật và cần bị xử lý.
Theo quy định tại Luật An ninh mạng (hiệu lực từ ngày 1-1-2019), một trong 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trên không gian mạng có việc nghiêm cấm đưa thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống. Luật Công nghệ thông tin năm 2006 quy định những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm các hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức; kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy…
Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 27 năm 2018) quy định các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Nghị định này cũng quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội: "Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập".
Với những trường hợp nêu trên, pháp luật đều quy định về việc xử lý. Nhẹ thì có thể xử lý hành chính, nặng thì xử lý hình sự. Ngoài ra, người tung tin thất thiệt còn có thể phải bồi thường thiệt hại về dân sự cho cá nhân, tổ chức. Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (hiệu lực từ ngày 15-1-2014) quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với các hành vi: cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Nếu hành vi của những đối tượng này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì bị xử lý hình sự về tội danh tương ứng của Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), như các tội: "Làm nhục người khác", "Vu khống", "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet", "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân"...
Mặc dù pháp luật quy định khá đầy đủ, tuy nhiên việc xử lý hình sự ít được áp dụng, trừ trường hợp có hành vi tung tin xuyên tạc, xâm phạm đến an ninh quốc gia. Có lẽ vì vậy mà nhiều đối tượng không sợ, ngang nhiên vi phạm?
Cần phản ứng kịp thời
Sở dĩ có tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt, xúc phạm uy tín, danh dự tổ chức, cá nhân để trục lợi, ngoài việc mức xử phạt chưa nghiêm còn do sự phản ứng quá chậm, thiếu quyết liệt từ cá nhân, tổ chức bị xâm phạm hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Trước đây, nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân khi bị xâm phạm thường chọn cách im lặng, không muốn phản bác. Cách phản ứng này là thiếu tích cực, càng làm cho các đối tượng xấu "lờn thuốc". Gần đây, các cơ quan có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân đã tích cực hơn trong việc phản ứng thông tin sai lệch. Đơn cử như trường hợp fanpage Mami đưa thông tin không đúng về dịch tả heo châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời phản bác, hay trường hợp Ban Tuyên giáo trung ương phản bác ngay lập tức đối với thông tin đăng trên tài khoản Facebook giả mạo tổ chức này. Những phản ứng kịp thời này tạo hiệu ứng tích cực với dư luận xã hội.
Đối với các cá nhân bị xâm phạm uy tín, danh dự cũng cần kiên quyết sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho mình. Một trong những biện pháp cần thiết là thu thập chứng cứ, khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu đối tượng tung tin thất thiệt xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại. Thời gian qua đã có một số cá nhân kiện ra tòa yêu cầu đối tượng tung tin sai sự thật bồi thường thiệt hại và được tòa tuyên thắng kiện là một tín hiệu tích cực.
Đối với người tham gia mạng xã hội, cần hết sức tỉnh táo. Trước khi nhấn nút thích (like) hoặc chia sẻ (share), mọi người nên tìm hiểu thông tin thật kỹ, nếu thấy thông tin nào không đáng tin cậy hoặc không thể kiểm chứng thì không nên chia sẻ. Bởi nếu không biết thông tin đó đúng hay sai mà chia sẻ thì không chỉ tiếp tay cho cái xấu, cái sai mà bản thân còn có thể bị xử lý về hành vi lan truyền thông tin sai sự thật.
Mức phạt nhẹ hều
Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Đoàn Luật sư TP HCM, tùy thuộc nội dung tin đồn, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung tin thất thiệt, bịa đặt tác động đến xã hội như thế nào sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến xử lý trách nhiệm hình sự.
Bộ Luật Hình sự 2015 quy định rõ trách nhiệm hình sự đối với hành vi trên với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù, mức phạt tiền từ 10-50 triệu đồng. Vừa qua, một người đưa thông tin sai lệch trên Facebook về dịch tả heo châu Phi để lợi dụng bán hàng trên mạng bị xử phạt 20 triệu đồng. Mức phạt như thế là quá nhẹ so với tính chất và mức độ vi phạm. Nên có chế tài nghiêm khắc hơn nữa đối với hành vi vi phạm nêu trên. Bởi lẽ, việc làm ấy đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Ngoài phạt tiền, cơ quan chức năng nên đưa những vấn đề này vào chương trình giáo dục, phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên - lực lượng tiếp cận internet đông đảo nhất. Song song đó, các địa phương cần có án thí điểm, xét xử công khai những hành vi như trên để làm gương, răn đe.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cũng cho rằng việc xử lý nhiều vụ bịa đặt, tung tin đồn gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội gần đây vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng, cơ quan tố tụng vào cuộc đánh giá hậu quả (gây hoang mang dư luận với mục đích gì, có hưởng lợi gì không...). Tuy nhiên, bịa đặt, tung tin đồn gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội mà chỉ xử lý về hành chính từ 10-20 triệu đồng thì chưa đủ sức răn đe. Nhiều khi lợi nhuận thu về từ việc tung tin thất thiệt nhiều hơn số tiền đó thì người kinh doanh không ngại đóng phạt.