Tùng Vài nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế
Từ một xã còn nhiều khó khăn, đến nay kinh tế của xã Tùng Vài (Quản Bạ) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Những mô hình kinh tế mới ngày càng nhiều, mang lại hiệu quả cao như: Mô hình trồng cây trái vụ; mô hình trồng chè, cây dược liệu; mô hình nuôi cá Tầm; phát triển chăn nuôi gia súc. Nhờ đó, đời sống của nhân dân từng bước nâng lên.
Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Đình Hường, thôn Bản Thăng là một trong những mô hình mới phát triển vài năm trở lại đây nhưng bước đầu đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Trao đổi với chúng tôi, anh Hường chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo của xã, nhưng được sự vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo. Với diện tích đất sẵn có, ngoài trồng ngô, lúa, tôi quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bắt đầu thực hiện mô hình chăn nuôi lợn kết hợp nuôi cá, làm vườn và tham gia thực hiện mô hình trồng cây Dưa chuột. Năm nay là năm thứ 2 tôi trồng Dưa chuột, tôi nhận thấy cây Dưa chuột là loại cây ngắn ngày có thể trồng được quanh năm; cây phát triển nhanh và không đòi hỏi phải chăm sóc nhiều. Chỉ cần tưới nước một ngày hai lần vào buổi sáng và chiều, nếu tưới quá nhiều khiến đất ẩm ướt, ngập úng thì cây sẽ rất dễ chết, nếu tưới ít nước cũng khiến cây bị thiếu nước không thể sinh trưởng tốt. Dưa chuột cần phải được trồng nơi có nhiều ánh sáng thì quả sẽ nhanh lớn và đạt năng suất cao. Hiện tại, gia đình tôi đang trồng 1.000 m2 Dưa chuột, 1 ao cá, nuôi 7 con lợn, cùng với nuôi gà, vịt… mỗi năm trừ chi phí cũng thu về cả trăm triệu đồng”.
Mô hình nuôi cá Tầm, của Tổ hợp tác nuôi cá nước lạnh dân tộc Bố Y sau vài năm triển khai đã cho thấy hiệu quả về kinh tế và từng bước mở rộng quy mô phát triển. Anh Hà Phúc Tri, hộ nuôi cá tại thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài chia sẻ: “Loại cá chúng tôi đang nuôi là cá Tầm hơn 8.000 con, cá Hồi 700 con. Cá nuôi khoảng tầm 2 năm đến khi đủ tiêu chuẩn xuất bán là 2kg/con, giá bán từ 250 nghìn đồng/kg. Chúng tôi bán một số lượng cá cho các nhà hàng trên địa bàn huyện và hướng tới phục vụ khách du lịch. Để cá Tầm phát triển tốt thì bên cạnh nhiệm vụ hàng ngày cho cá ăn, cần loại bỏ rác thải tại khu vực nuôi, định kỳ từ 20 – 30 ngày vệ sinh ao nuôi sạch sẽ để cá không bị nhiễm khuẩn, nấm. Mỗi vụ nếu cá phát triển tốt trừ các chi phí cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm”.
Được biết, tham gia mô hình nuôi cá Tầm có 12 hộ dân tộc Bố Y tại thôn Bản Thăng. Mô hình này được nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025. Đến nay mô hình nuôi cá Tầm tại xã Tùng Vài là một trong những mô hình đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế của địa phương.
Xã Tùng Vài có 11 thôn với hơn 1.000 hộ dân sinh sống. Để kinh tế phát triển, cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi, tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp; đưa các loại cây trồng mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để gieo trồng. Chăn nuôi các loại gia súc, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đồng chí Nguyễn Trọng Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Vài cho biết: “Dựa trên các mô hình thử nghiệm, được các cơ quan chuyên môn đánh giá cao, hiện nay, xã tiếp tục vận động nhân dân trên địa bàn mở rộng diện tích trồng các loại rau trái vụ. Bên cạnh đó, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện triển khai thực hiện các chương trình cải tạo vườn tạp; thực hiện đề án xây dựng, cải tạo chuồng trại; phát triển cây ăn quả ôn đới”...
Các mô hình kinh tế mới đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp của xã Tùng Vài phát triển. Dẫu còn nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tùng Vài đã và đang quyết tâm sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ và phát huy nội lực để phát triển. Tin tưởng rằng, thời gian tới, Tùng Vài sẽ vượt khó vươn lên, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.