Tước chứng chỉ hành nghề luật sư cản trở hoạt động tố tụng

Với 100% ý kiến tán thành, cuối giờ sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 tới đây, trong đó sẽ có quy định 'Tước chứng chỉ hành nghề' đối với luật sư vi phạm.

Trước đó, thảo luận về vấn đề này, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, đối với hành vi luật sư xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người tiến hành tố tụng, trong khi Nghị định 82/2020 của Chính phủ quy định rất nặng là “tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề luật sư”, thì dự thảo Pháp lệnh lại chỉ quy định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Bà ĐẶNG HOÀNG OANH, Thứ trưởng Bộ Tư pháp: “Nếu giữ quy định này nó sẽ phá vỡ tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật,. Bộ Tư pháp đề nghị chúng ta có thể quy định theo hướng viện dẫn xử phạt theo Nghị định 82 của Chính phủ, tương tự như cách chúng ta đã xử lý hành vi của thừa phát lại và nhà báo tại dự thảo Pháp lệnh.”

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Chỉ trong trường hợp vi phạm ở mức độ nặng thế nào đó thì mới áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép. Còn thẩm quyền thì vẫn quy định như hiện nay, đối với hành vi mà không tước quyền sử dụng giấy phép đối với luật sư thì Tòa án có thẩm quyền xử phạt.”

Ông NGUYỄN HÒA BÌNH, Chánh án TAND Tối cao: “Nếu quá nặng đến mức phải chuyển cho Chủ tịch thì lại vướng quy định khác của Luật Xủ lý VPHC, không thể tách ra câu chuyện phát tiền thì Tòa hay cơ quan điều tra phạt nhưng phạt tước giấy lại chuyển cho Chủ tịch, như vậy sẽ không trọn gói, vi phạm Điều 52 và thực tế có vướng, ví dụ, trong Tòa quân sự lại không được chuyển ra cho Chủ tịch để phạt.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần biên tập lại nội dung này để không loại trừ quy định Nghị định 82 về Tước giấy phép hành nghề của luật sư.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Tước giấy phép hành nghề chắc phải tích hợp nhiều thứ vì đây là việc rất nặng, nghiêm trọng, do đó thẩm quyền thế nào, khi nào tước thì quy định Nghị định 82 vẫn theo cái đó, không loại trừ cái đó, không chuyển thẩm quyền cho người khác, chắc cũng hãn hữu thôi. Chủ tịch tỉnh mấy khi tước, còn ủy quyền cho chủ tịch huyện nữa thì không nên.”

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Về phạt vi phạm hành chính đối với luật sư, TVQH đề nghị bổ sung biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề đối với luật sư tương tự như đã được quy định ở Nghị định 82. Về thẩm quyền thì giữ như quy định hiện hành là thẩm quyền tước giấy phép của Chủ tịch tỉnh.”

UBTVQH cũng đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp, Pháp luật, Bộ Tư pháp và TANDTC tiếp tục phối hợp để biên tập 1 cách phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về nội dung liên quan giữa Pháp lệnh này với Nghị định 82/2020 của Chính phủ.

Thực hiện : Khắc Phục Quang Sỹ Vũ Hiếu

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tuoc-chung-chi-hanh-nghe-luat-su-can-tro-hoat-dong-to-tung