Tuổi kết hôn trung bình của người Việt vượt mốc 27

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của thanh niên Việt đang ngày càng muộn. Theo đó, tuổi kết hôn tăng từ 24,1 (năm 1999) lên 25,2 (2019) và đến 2024 là 27,2 tuổi.

Tuổi kết hôn lần đầu của cả hai giới đều tăng

Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, năm 2023, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam là 29,3 tuổi, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ là 25,1. Nhưng đến năm 2024, tuổi trung bình kết hôn lần đầu của cả hai giới đều tăng thêm, trung bình là 27,2 tuổi. Cùng đó, phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh con ít hơn phụ nữ nông thôn.

Tuổi kết hôn trung bình ở Việt Nam tăng nhanh (Ảnh minh họa)

Tuổi kết hôn trung bình ở Việt Nam tăng nhanh (Ảnh minh họa)

Xu hướng kết hôn muộn, nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn, được xem là những nguyên nhân khiến mức sinh giảm. Như tại TP HCM, độ tuổi kết hôn lần đầu là 30,4, cao nhất Việt Nam, góp phần tạo nên mức sinh thấp và đẩy nhanh già hóa dân số. Lý do kết hôn muộn hoặc không kết hôn là bận rộn công việc, gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp, chưa tìm kiếm được mẫu hình lý tưởng...

Mức sinh của Việt Nam đang thấp ở "mức đáng lo ngại", có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế. Tổng tỷ suất sinh năm 2023 cả nước là 1,96 con/phụ nữ, mức thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Hiện 2/6 vùng kinh tế xã hội có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó phụ nữ vùng Đông Nam Bộ có số con trung bình là 1,47 - thấp nhất cả nước.

Phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh ít con

Theo ông Hoàng, trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế có liên quan đến mức sinh.

Phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh ít con hơn phụ nữ nông thôn. Ở khu vực thành thị, mức sinh cao nhất là nhóm phụ nữ 25-29 tuổi, với 127 trẻ/1.000 phụ nữ.

Trong khi đó, ở khu vực nông thôn, mức sinh cao nhất rơi vào nhóm 20-24 tuổi, với 147 trẻ/1.000 phụ nữ.

Số liệu năm 2023 cho thấy trong đó người giàu nhất có mức sinh là 2 con, người nghèo có mức sinh là 2,4 con, người có mức sống khá và trung bình sinh từ 2,03 đến 2,07 con.

Còn người có trình độ học vấn dưới tiểu học sinh tới 2,35 con thì người có trình độ trên PTTH chỉ đẻ 1,98 con.

Theo Phó Cục trưởng Cục Dân số, đô thị hóa, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con... là yếu tố làm giảm mức sinh.

"Ở khu vực thành thị, việc thiếu trường học, nỗi lo về học phí, chi phí sinh hoạt... khiến nhiều người e ngại sinh con. Nhiều người Việt cũng có tâm lý muốn hưởng thụ, dành thời gian, tiền bạc cho các thú vui cá nhân mà không muốn sinh con", ông Hoàng phân tích.

Người Việt kết hôn ngày càng muộn, "ngại" sinh con (Ảnh minh họa)

Người Việt kết hôn ngày càng muộn, "ngại" sinh con (Ảnh minh họa)

Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nếu Việt Nam không có đột phá chính sách kinh tế xã hội và chính sách dân số thì mức sinh của Việt Nam tiếp tục giảm sâu, đi theo con đường của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản như hiện nay.

"Hàn Quốc đang phải đổ rất nhiều tiền để tăng mức sinh nhưng vẫn chưa đạt được. Việt Nam vẫn còn kịp để tăng mức sinh, bởi truyền thống gia đình Việt Nam, đa số thanh niên hiện nay vẫn mong muốn kết hôn khi trưởng thành và muốn có 2 con.

Nếu có chính sách phát triển bền vững, tạo điều kiện cho thanh niên lập gia đình, sinh con, nuôi con thuận lợi thì sau 20-30 năm nữa các thế hệ tiếp theo", GS Nguyễn Thiện Nhân nói.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để mỗi gia đình sinh được 2 con, thì thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được đàng hoàng 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con).

Vì thế, cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người; Thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết nếu mức sinh cứ giảm với tốc độ như hiện nay mà không có các giải pháp để giảm bớt thì đến năm 2054-2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh.

"Theo tính toán, năm 2024, với mức sinh thấp, tỷ lệ tăng dân số bình quân là 0,90% và sẽ giảm còn 0,68% năm 2029, giảm tiếp còn 0,06 năm 2054 và từ năm 2059, dân số bắt đầu tăng trưởng âm", lãnh đạo Cục Dân số thông tin.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/tuoi-ket-hon-trung-binh-cua-nguoi-viet-nam-vuot-moc-27-d201289.html