Tuổi thọ - Thước đo sứ mệnh sức khỏe

Hội thảo khoa học quốc gia thường niên về sức khỏe và tuổi thọ chào mừng Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2021 với chủ đề 'Sức khỏe và tuổi thọ trong nền văn minh nhân loại ngày nay' vừa khép lại, gợi mở và đặt ra những vấn đề toàn diện và bền vững hơn trong việc nâng cao sức khỏe và tuổi thọ con người.

Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Đây là chuỗi hội thảo được khởi xướng bởi Viện Triết học Phát triển trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe Cán bộ Trung ương, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bệnh viện Thống Nhất, Hội Khoa học Phát triển Nhân tài Nhân lực Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo đã thu hút trên 100 đại biểu đến từ nhiều trường đại học, học viện, viện nghiên cứu và các đơn vị trên địa bàn TPHCM…

Chăm sóc sức khỏe toàn diện là nội dung được PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Trưởng Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe Cán bộ Trung ương, nêu ra như tinh thần và định hướng cơ bản về vấn đề sức khỏe sau khi đã khái quát sâu sắc nhiều nội dung về tình hình bệnh tật ở Việt Nam thời gian qua. Đây là lĩnh vực bao trùm lên toàn bộ đời sống con người, từ thể chất, tinh thần, trí tuệ, tâm hồn. Chăm sóc sức khỏe toàn diện không chỉ cho người bệnh mà còn phải cho cả người khỏe. Để thực hành và đảm bảo sức khỏe toàn diện, cần tiến hành đồng bộ trên tất cả các mặt như dinh dưỡng, luyện tập, môi trường sống, phòng bệnh… Một trong những mục tiêu quan trọng của chăm sóc sức khỏe toàn diện là năng suất lao động, đối với cả người bệnh và người khỏe. Do vậy, vấn đề quản trị ngành y trong tư cách một liên ngành - từ kỹ thuật đến kinh tế và xã hội - hiện nay là một nội dung lớn và thách thức trước những yêu cầu và nhiệm vụ đòi hỏi. Một trong những công việc mang tính tiền đề để thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn diện là chuyển đổi số đối với ngành y tế Việt Nam.

Về vấn đề người cao tuổi và tuổi thọ, bà Phạm Thj Hải Chuyền - Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam cho rằng vấn đề tuổi thọ và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của mỗi gia đình và bản thân người cao tuổi. Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 đã chỉ rõ nhiệm vụ chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Riêng đối với bản thân người cao tuổi, cần đặc biệt quan tâm chủ động cập nhật, nâng cao hệ thống kiến thức và kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe trong thời đại ngày nay. Ngoài ra, môi trường gia đình, xã hội cần được xây dựng và tổ chức đảm bảo cho người cao tuổi được chăm sóc, an vui.

Phân tích sâu thêm về quá trình lão hóa ở người cao tuổi, PGS.TS. Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - đơn vị đang dẫn đầu về số lượng và hiệu quả điều trị chuyên khoa lão khoa – giới thiệu khái niệm rất đặc sắc: “lão hóa thành công” để miêu tả về trạng thái làm chủ sức khỏe của người cao tuổi. Việc quan tâm phát triển lão khoa như một chuyên ngành đặc biệt quan trọng trong nền y tế nước nhà nói chung và trong việc nâng cao số lượng và chất lượng tuổi thọ của người cao tuổi nói riêng đang trở thành vấn đề cấp bách và quan trọng.

Đại diện Viện Triết học Phát triển, TS. Nguyễn Huỳnh Thanh, Viện trưởng đã trình bày những nội dung có ý nghĩa như một thông điệp về vấn đề tuổi thọ con người trong nền văn minh nhân loại ngày nay. So sánh sức khỏe như chiếc thuyền, tuổi thọ là bờ bến, TS. Thanh nhấn mạnh: Bờ bến là thước đo sứ mệnh chiếc thuyền; Tuổi thọ là thước đo sứ mệnh sức khỏe. Viện trưởng Viện Triết học Phát triển mong muốn hội thảo quốc gia thường niên về sức khỏe và tuổi thọ năm nay gợi mở ý nghĩa vai trò của tuổi thọ, nhằm huy động cao nhất các nguồn lực cộng đồng và xã hội trong việc nâng cao số lượng và chất lượng tuổi thọ con người.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/tuoi-tho-thuoc-do-su-menh-suc-khoe/428366.vgp