Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2024 là 74,6 tuổi
Ngày 27/12, theo Cục Dân số (Bộ Y tế), kết quả thực hiện chỉ tiêu theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về tuổi thọ trung bình thực hiện cả năm 2024 là 74,6 tuổi, vượt chỉ tiêu kế hoạch (73,8 tuổi).
Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh ước thực hiện năm 2024 là 112,3 bé trai/100 bé gái, không đạt chỉ tiêu đề ra là 111,2 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tổng tỷ suất sinh ước thực hiện năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ (giảm 0,05 con/phụ nữ so với năm 2023), không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 là 2,1 con/phụ nữ.
Năm 2024 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện công tác dân số theo mô hình Cục Dân số tại trung ương. Công tác dân số hiện nay đang phải đối diện với một số vấn đề nảy sinh: Mức sinh đã giảm dưới mức sinh thay thế 3 năm liên tục và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới nếu không có biện pháp, giải pháp phù hợp; tỉ số giới tính khi mặc dù đã có nhiều giải pháp can thiệp nhưng vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm; chưa có giải pháp đồng bộ, toàn diện, hiệu quả để thích ứng với già hóa dân số; tuổi thọ trung bình đã cao, tuy nhiên số năm sống khỏe mạnh còn thấp.
Đặc biệt, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, giảm từ 2,11 con/phụ nữ (năm 2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (năm 2022), xuống 1,96 con/phụ nữ (năm 2023) và ước năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ, mức thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Năm 2024, mức sinh tại thành thị (ước 1,67 con/phụ nữ) và nông thôn (ước 2,08 con/phụ nữ) tiếp tục dưới mức sinh thay thế. Trong hai thập kỷ vừa qua, xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đô thị hóa cao.
Mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, mức sinh còn cao ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Trung du và miền núi phía Bắc (ước 2,34 con/phụ nữ) và Tây Nguyên (ước 2,24 con/phụ nữ) vẫn là 2 vùng có mức sinh cao. Riêng 4 vùng kinh tế xã hội còn lại có mức sinh xung quanh mức sinh thay thế hoặc mức sinh thấp. Trong đó, Đông Nam Bộ vẫn là nơi có mức sinh thấp nhất cả nước (ước 1,48 con/phụ nữ).
Công tác dân số tiếp tục nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, được các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Sau khi Thông tư số 34/TT-BYT ngày 31/12/2023 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của Chi cục Dân số thuộc Sở Y tế được ban hành, Cục Dân số đã có văn bản gửi địa phương đốn đốc việc triển khai thực hiện. Hiện có 6 tỉnh đã chuyển Chi cục Dân số thành Phòng Dân số thuộc Sở Y tế. Đến đầu tháng 12 năm 2024, có 57/63 tỉnh, thành phố duy trì mô hình Chi cục Dân số thuộc Sở Y tế. Tuy nhiên, hiện nay các tỉnh, thành phố đang thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW. Theo số liệu báo cáo của các tỉnh, thành phố, cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố có Ban Chỉ đạo Dân số (hoặc Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo về công tác dân số), còn 3/63 tỉnh chưa có Ban Chỉ đạo.