Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh

Sáng 11/7, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2024, tròn 30 năm thực hiện Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, Việt Nam đã kiểm soát được tốc độ gia tăng nhanh quy mô dân số, duy trì xung quanh mức sinh thay thế từ năm 2006 đến nay và đã góp phần làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, nhất là vùng khó khăn có mức sinh cao.

Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Tỷ lệ dân số 0-14 tuổi giảm mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, là cơ hội để cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên, sử dụng nguồn lao động dồi dào cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ mít tinh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ mít tinh.

Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ 2007 và cũng vừa vượt qua mốc 100 triệu dân, tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai.

Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh.

Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp. Tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già.

Tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao sẽ dẫn tới nguy cơ mất cân bằng giới tính. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục. Tỷ lệ mang thai ở người chưa thành niên còn cao, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên...

Các đại biểu tham dự lễ mít tinh.

Các đại biểu tham dự lễ mít tinh.

Để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW, Chiến lược Dân số Việt Nam cũng như mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, Bộ Y tế đã lựa chọn chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay là “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”, nhằm kêu gọi các cấp, các ngành, chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm và đầu tư cho công tác dân số của Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ: "Việt Nam mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức quốc tế, phái đoàn ngoại giao các nước và cộng đồng quốc tế chia sẻ, hỗ trợ để giải quyết hiệu quả trong việc ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp và già hóa dân số nhanh".

Tại lễ mít tinh, bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng cần hành động quyết liệt và ngay lập tức để đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cần thiết khi mang thai, sinh con. Đầu tư vào sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục chính là đầu tư chấm dứt đói nghèo và bất bình đẳng.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Ban chỉ đạo Quốc gia về Dân số và Phát triển, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia, UBND các tỉnh, TP quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số; chỉ đạo lồng ghép các yếu tố dân số trong các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, các ngành...

Sở Y tế, Chi cục Dân số các tỉnh, TP cần tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục về dân số và phát triển.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/tuoi-tho-trung-binh-cua-nguoi-viet-nam-tang-nhanh-i737052/