Tuổi trẻ cả nước viết tiếp trang sử hào hùng qua 'Câu chuyện thời hoa lửa'

Nhằm lưu giữ và lan tỏa những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã chính thức ban hành Đề án 'Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia lưu giữ và tuyên truyền các câu chuyện lịch sử với chủ đề 'Câu chuyện thời hoa lửa''.

Đề án sẽ được triển khai trên quy mô toàn quốc và cả ở nước ngoài, kéo dài trong một năm, từ nay đến 27/7/2026. Mỗi đoàn viên, thanh niên sẽ là một “sứ giả” kết nối quá khứ và hiện tại.

Đề án ra đời trong bối cảnh nhiều nhân chứng lịch sử đã tuổi cao, sức yếu, đặt ra nhiệm vụ cấp bách phải ghi lại những ký ức sống động của họ để giáo dục thế hệ trẻ.

Với hơn 9,2 triệu người có công và thân nhân trên cả nước, “Câu chuyện thời hoa lửa” được xem là một cuộc vận động sâu rộng, thể hiện sự tri ân của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

 Anh Bùi Quang Huy - Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn và các đại biểu, đoàn viên thanh niên thăm hỏi, động viên sức khỏe Mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Vui (SN 1923) tại làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị dịp 27/7 mới đây. Ảnh: Hoài Nam

Anh Bùi Quang Huy - Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn và các đại biểu, đoàn viên thanh niên thăm hỏi, động viên sức khỏe Mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Vui (SN 1923) tại làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị dịp 27/7 mới đây. Ảnh: Hoài Nam

Chiến dịch "Ký ức sống mãi"

Mục tiêu của Đề án không chỉ là sưu tầm và lưu trữ mà còn tạo ra một phong trào hành động cách mạng, bồi đắp lý tưởng, lòng yêu nước và trách nhiệm cho thế hệ tương lai.

Trọng tâm của Đề án là Chiến dịch “Ký ức sống mãi”, nơi các đoàn viên, thanh thiếu nhi sẽ trực tiếp đến gặp gỡ, trò chuyện và ghi lại câu chuyện của các nhân chứng lịch sử.

Nhân vật khai thác thông tin, gồm: Những người hoạt động cách mạng trước năm 1945; Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang; thương bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và những người có công với cách mạng, thân nhân người có côngvới cách mạng; cán bộ Đoàn đã từng tham gia kháng chiến, các Ba Má phong trào, các nhân chứng trực tiếp tham gia các cuộc kháng chiến và các sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc...

Để đảm bảo tính hiệu quả và đồng bộ, T.Ư Đoàn sẽ xây dựng bộ tài liệu khung hướng dẫn kỹ năng phỏng vấn, ghi chép, quay phim và đặc biệt là ứng dụng công nghệ AI để chuyển đổi giọng nói thành văn bản, hỗ trợ cho việc biên tập.

Các cấp bộ Đoàn địa phương sẽ phối hợp với Hội Cựu chiến binh và các ban ngành để lập danh sách nhân chứng, thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện “về nguồn” đến từng địa chỉ đỏ.

Các cơ quan báo chí của Đoàn mở chuyên mục “Những câu chuyện thời hoa lửa”; tổ chức phóng viên đến thăm, gặp mặt, phỏng vấn những nhân chứng lịch sử, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng để ghi chép, phản ánh những câu chuyện trên mặt báo.

Nhà xuất bản Kim Đồng chủ trì, tuyển chọn những câu chuyện hay có giá trị giáo dục cao để biên tập, xuất bản thành sách “Những câu chuyện thời hoa lửa”, ra mắt dịp 27/7/2026.

Phát hành tuyển tập podcast “Ký sự thời hoa lửa” mỗi tháng một tập, mỗi tập là một câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, do người trẻ trực tiếp biên tập, phát sóng.

 Bữa cơm "Ấm tình lòng mẹ" được các bạn đoàn viên thanh niên tổ chức tại nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Mót (SN 1932, xã Cồn Tiên, Quảng Trị) dịp 27/7 mới đây.

Bữa cơm "Ấm tình lòng mẹ" được các bạn đoàn viên thanh niên tổ chức tại nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Mót (SN 1932, xã Cồn Tiên, Quảng Trị) dịp 27/7 mới đây.

Mở cổng thông tin trực tuyến về câu chuyện lịch sử

Một trong những điểm nhấn của Đề án là việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số và các phương tiện truyền thông hiện đại để lan tỏa câu chuyện. Một Cổng thông tin trực tuyến với tên miền http://cauchuyenlichsu.doanthanhnien.vn sẽ được thành lập trên ứng dụng “Thanh niên Việt Nam”, hoạt động như một kho lưu trữ số đa phương tiện.

Cổng thông tin sẽ có các chuyên mục như “Nhân vật”, “Sự kiện”, “Miền ký ức” và “Gửi câu chuyện của bạn”, cho phép các cá nhân, tổ chức dễ dàng đăng tải và chia sẻ sản phẩm.

Bên cạnh đó, một chiến dịch truyền thông rầm rộ sẽ được triển khai trên các nền tảng mạng xã hội với hashtag chính thức là #cauchuyenthoihoalua và #TuhaoVietNam.

Các cuộc vận động sáng tác video, bài viết theo các định dạng hiện đại như reels, shorts, capcut… sẽ được phát động nhằm khuyến khích sự sáng tạo của người trẻ.

Các “Trạm ký ức” – không gian triển lãm bằng hiện vật và mã QR – cũng sẽ được xây dựng tại các trường học, thư viện để công chúng dễ dàng tiếp cận.

 Những bức ảnh chân dung liệt sĩ được Thành Đoàn Hà Nội tổ chức phục dựng, trao tặng thân nhân liệt sĩ dịp 27/7 mới đây. Ảnh: Xuân Tùng

Những bức ảnh chân dung liệt sĩ được Thành Đoàn Hà Nội tổ chức phục dựng, trao tặng thân nhân liệt sĩ dịp 27/7 mới đây. Ảnh: Xuân Tùng

Đề án sẽ được triển khai theo 4 đợt cao điểm, gắn với các ngày kỷ niệm lớn của đất nước và của Đoàn. Cụ thể:

- Đợt 1: Dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2025).

- Đợt 2: 81 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2025).

- Đợt 3: 95 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2026).

- Đợt 4: Dịp kỷ niệm 79 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (tháng 7/2026).

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tuoi-tre-ca-nuoc-viet-tiep-trang-su-hao-hung-qua-cau-chuyen-thoi-hoa-lua-post1764270.tpo