Tuổi trẻ Điện Biên tiên phong chuyển đổi số
Với tinh thần năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học - công nghệ, thời gian qua, tuổi trẻ Điện Biên luôn đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Những hoạt động, công trình và phần việc về chuyển đổi số của đoàn viên, thanh niên đã đem lại hiệu quả thiết thực, có tính ứng dụng cao và để lại nhiều dấu ấn tích cực; góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chuyên môn và tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị.
Bài 1: Khắc phục điểm nghẽn chuyển đổi số vùng cao
Là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, thế nhưng, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực. Khắc phục những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, đội ngũ đoàn viên, thanh niên đã chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể tích cực đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số tại đơn vị và địa phương.
Nhiều thách thức chuyển đổi số
Trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số, việc cấp tài khoản định danh điện tử tại huyện Tuần Giáo gặp một số khó khăn, như: Nhiều người dân sử dụng sim điện thoại không chính chủ; một số người đi làm ăn xa, một bộ phận người dân chưa hiểu hết về lợi ích của tài khoản định danh điện tử nên chưa chủ động đăng ký và kích hoạt... Ông Bạc Cầm Tiên, bản Chiềng Chung, thị trấn Tuần Giáo cho biết: “Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều bà con không được tiếp cận với các thiết bị thông minh, không biết sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin. Trong khi đó, nhiều người sử dụng sim điện thoại không chính chủ hay không có điện thoại thông minh, dẫn tới không đăng ký được tài khoản trên dịch vụ công trực tuyến; gây khó khăn cho cán bộ khi đến hướng dẫn thủ tục hành chính, chuyển đổi số…”.
Mường Chà là huyện vùng cao còn một số địa bàn sóng điện thoại, sóng viễn thông có đường truyền chưa ổn định. Trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số của người dân một số địa phương còn hạn chế (không có điện thoại thông minh, điện thoại cấu hình thấp, không đủ dung lượng cài đặt các nền tảng số...). Việc thực hiện chuyển đổi sim chính chủ, đăng ký tài khoản định danh điện tử gặp nhiều vướng mắc. Trong khi đó, người dân vẫn giữ thói quen nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan Nhà nước, dùng tiền mặt thanh toán và không phải công dân nào cũng có tài khoản ngân hàng và có tiền trong tài khoản để thanh toán trực tuyến… đã ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện chuyển đổi số.
Với huyện Nậm Pồ hiện còn gần 20 bản và 10 nhóm dân cư chưa có điện lưới, hơn 10 bản và 5 nhóm chưa có sóng điện thoại, một số bản sóng điện thoại yếu và không ổn định. Tình trạng sử dụng sim rác, thay đổi số điện thoại vẫn khá phổ biến nên khó đăng ký tài khoản thực hiện dịch vụ công trực tuyến và định danh điện tử.
Nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn là trở ngại trong việc hỗ trợ người dân tạo lập và đăng ký tài khoản định danh điện tử cá nhân, thực hiện Đề án 06. Phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt, đoàn viên, thanh niên các địa phương đã cùng với lực lượng công an và phụ nữ tích cực triển khai các đội hình thanh niên chuyển đổi số cộng đồng, trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Quyết liệt chuyển đổi số từ cơ sở
Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, Huyện đoàn Mường Chà đã chỉ đạọ 12 Đoàn xã thành lập Đội hình thanh niên tình nguyện chuyển đổi số tham gia hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử. Tham gia tình nguyện, các đoàn viên thanh niên đã tích cực tuyên truyền tới người dân về Đề án 06; từ đó giúp bà con từng bước thay đổi nhận thức, tiếp cận thủ tục hành chính trên nền tảng số.
Với sự triển khai quyết liệt ngay từ cơ sở đã giúp Huyện đoàn Mường Chà đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06. Anh Phạm Thế Kiên, Bí thư Huyện đoàn Mường Chà cho biết: Các hoạt động của đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện được triển khai sâu rộng từ cơ sở, đã bám sát các nội dung chỉ đạo của Tỉnh đoàn, nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đối với việc triển khai các hoạt động chuyển đổi số năm 2023, đoàn viên thanh niên huyện Mường Chà đã tổ chức họp nhân dân gần 80 buổi với 800 lượt người tham gia kết hợp với tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh. Các cơ sở Đoàn phối hợp với công an các xã tổ chức 126 buổi tuyên truyền trực tiếp cho hơn 5.000 người dân tại các bản về cài đặt, đăng ký và kích hoạt định danh điện tử mức 1, mức 2… Sự vào cuộc từ huyện cho đến cơ sở đã góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn.
Để phát huy tính tiên phong của tuổi trẻ trong chuyển đổi số, ngày 31/3/2023, Tỉnh đoàn Điện Biên đã thành lập Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Điện Biên. Cùng với vai trò tiên phong, đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thành lập các tổ công tác đặc biệt; thành lập đội hình tình nguyện từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trong đó đội hình tình nguyện tham gia chuyển đổi số cấp tỉnh gồm 6 đội với 39 tình nguyện viên; các huyện, thị, thành đoàn thành lập 152 đội tình nguyện với 1.169 đoàn viên. Đội hình tình nguyện các cấp tích cực tham gia hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các nền tảng số, ứng dụng trên điện thoại thông minh như Điện Biên Smart, App địa chỉ số; hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; hướng dẫn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng các ứng dụng ngân hàng… với 6.130 chữ ký số, hơn 3.000 tài khoản Điện Biên Smart được đoàn viên, thanh niên hướng dẫn cài đặt.
Anh Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên khẳng định: “Đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên luôn phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo thực hiện các hoạt động chuyển đổi số. Nhằm giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân, chúng tôi đã chủ động triển khai quyết liệt ngay từ cơ sở thông qua việc duy trì hoạt động 129 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, với 159 thành viên là bí thư, phó bí thư đoàn thanh niên cấp xã. Sự chủ động, tích cực triển khai thực hiện từ cơ sở đã giúp việc triển khai các hoạt động chuyển đổi số đạt được hiệu ứng tích cực, qua đó từng bước thay đổi thói quen, hành vi của đoàn viên, thanh niên cũng như người dân toàn tỉnh trong tiếp cận công nghệ mới và chuyển đổi số”.