Tuổi trẻ Đồng Nai: Tri ân, tiếp bước...
Sinh ra khi đất nước đã không còn tiếng súng, không trực tiếp chứng kiến những mất mát, đau thương bởi chiến tranh, nhưng thế hệ trẻ Đồng Nai thông qua những trang sử hào hùng hiểu hơn ai hết những hy sinh của các thế hệ cha anh để 'tạc dáng vóc non sông, vẽ nên hình đất nước'.
Tưởng nhớ đến công lao to lớn của các thế hệ cha anh, thế hệ trẻ Đồng Nai hôm nay luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Đặc biệt, vào những ngày tháng 7, những hoạt động tri ân hướng về các anh hùng liệt sĩ, thân nhân các gia đình liệt sĩ lại được các cấp bộ Đoàn triển khai rộng khắp góp phần chia sẻ những nỗi đau, mất mát…
* Tri ân…
Mỗi tháng một lần, trong căn nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lý ở ấp 1, xã Xuân Đường (H.Cẩm Mỹ) lại rôm rả hơn ngày thường bởi có thêm tiếng cười, tiếng trò chuyện của những đoàn viên, thanh niên Công an H.Cẩm Mỹ đến thăm sức khỏe, động viên mẹ và dành tặng mẹ món quà nho nhỏ do chính đoàn viên, thanh niên Công an huyện chuẩn bị.
Anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, thời gian tới Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục cùng với các cấp bộ Đoàn ở cơ sở duy trì các hoạt động tri ân gia đình có công với cách mạng. Đồng thời, Tỉnh đoàn sẽ đề xuất Hội Doanh nhân trẻ có phương án hỗ trợ đối với các gia đình có công với cách mạng còn khó khăn nhằm góp phần nâng cao đời sống các gia đình có công với cách mạng.
Thượng úy Nguyễn Văn Công, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an H.Cẩm Mỹ cho rằng, đối với các Mẹ Việt Nam anh hùng, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, với trách nhiệm của tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên Công an H.Cẩm Mỹ cũng nhận thấy cần phải có trách nhiệm đáp đền những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh. Vì vậy, từ nhiều năm nay, Đoàn Thanh niên Công an H.Cẩm Mỹ đã nhận phụng dưỡng mẹ Lý. Định kỳ hằng tháng, đoàn viên thanh niên Công an huyện thay nhau đến thăm hỏi, động viên mẹ. Hiện mẹ không thể đi lại, mỗi lần đoàn viên, thanh niên đến thăm mẹ vui lắm. “Nhìn ánh mắt phấn khởi, những cái nắm chặt tay của mẹ, chúng tôi hiểu ở cái tuổi của mẹ sự quan tâm, động viên mỗi ngày mới là điều mẹ cần. Bản thân tôi cũng như đoàn viên, thanh niên trong đơn vị mỗi lần có dịp xuống địa bàn ngang nhà mẹ đều tranh thủ ghé thăm mẹ vài phút để trò chuyện cùng mẹ” - anh Công bộc bạch.
Chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; thăm, tặng quà gia đình chính sách là việc làm thường xuyên của các cấp bộ Đoàn; song vào tháng 7 - các hoạt động tri ân lại càng được đẩy mạnh. Vừa qua, Đoàn cơ sở xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch) đã phối hợp với Đoàn cơ sở Khối kinh tế huyện và Đoàn cơ sở Trung tâm Y tế huyện đến thăm, động viên, khám bệnh cho các mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ trên địa bàn xã Long Thọ.
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nở (ngụ ấp 3, xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch) xúc động chia sẻ, chiến tranh đã cướp đi chồng và con của mẹ, nỗi đau ấy trong mẹ chưa bao giờ nguôi ngoai mặc dù cuộc kháng chiến đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Càng gần đến Ngày Thương binh - liệt sĩ, nỗi nhớ chồng con lại càng da diết; nhưng thấy các cháu đoàn viên thanh niên đến thăm, còn khám sức khỏe, mẹ cũng nguôi ngoai phần nào.
Anh Nguyễn Viết Tường, Bí thư Đoàn xã Long Thọ cho hay, trong tháng 7 này, ngoài thăm, khám sức khỏe cho các mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân gia đình chính sách, Đoàn xã còn tổ chức cho đoàn viên thanh niên dọn dẹp vệ sinh tại nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn xã với hy vọng những việc làm nhỏ này phần nào làm vơi nỗi buồn với người sống, làm ấm lòng người đã khuất.
Cũng với ý nghĩa ấy, từ năm 2008 đến nay, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đảm nhận công trình thanh niên chăm sóc gần 600 phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Đại úy Huỳnh Minh Đức, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh cho biết, từ khi đảm nhận công trình thanh niên chăm sóc phần mộ liệt sĩ, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tổ chức cho đoàn viên vào các dịp lễ, tết quét dọn, nhổ cỏ, lau bát nhang, bia trên các phần mộ liệt sĩ. Hoạt động này không chỉ thể hiện lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với các anh hùng liệt sĩ mà quan trọng hơn góp phần giáo dục cho đoàn viên, thanh niên, nhất là đoàn viên thanh niên Công an tỉnh truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Từ đó, tạo động lực để đoàn viên, thanh niên công an nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
* Nguyện tiếp bước thế hệ cha anh
Anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh đoàn khẳng định: Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã ghi dấu bao thế hệ người Việt Nam. Để có được độc lập, tự do, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh máu thịt của mình để “tạc dáng vóc non sông, vẽ nên hình đất nước”.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ gần nửa thế kỷ, thế hệ trẻ Đồng Nai luôn trân trọng và biết ơn sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng. Tuổi trẻ Đồng Nai hôm nay - những thế hệ sinh ra và lớn lên trong hòa bình, thừa hưởng thành quả của cuộc cách mạng cần có trách nhiệm tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống, để xứng đáng với thế hệ đi trước.
Muốn tiếp bước thế hệ cha anh, thế hệ trẻ cần hiểu rõ, hiểu sâu về truyền thống. Vì vậy, trong những năm qua, công tác giáo dục truyền thống luôn được các cấp bộ Đoàn xác định là nhiệm vụ quan trọng. Tỉnh đoàn hằng năm đều hướng dẫn cơ sở tuyên truyền các ngày lễ lớn trong năm; định hướng các cơ sở Đoàn tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm…
Trên cơ sở hướng dẫn, định hướng của Tỉnh đoàn, các đơn vị Đoàn trực thuộc, các cơ sở Đoàn đã chủ động lựa chọn những hoạt động phù hợp nhằm giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên. Anh Bùi Đức Trịnh, Bí thư Đoàn Khối doanh nghiệp tỉnh cho hay, Đoàn Khối doanh nghiệp tỉnh vừa hoàn thành chương trình Tuổi trẻ khối doanh nghiệp vì biển, đảo quê hương. Trong chương trình, bên cạnh các hoạt động hướng đến trẻ em, người dân có hoàn cảnh khó khăn, Đoàn Khối doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, cựu tù chính trị tại tỉnh Trà Vinh. Đặc biệt, trong chương trình, đoàn viên thanh niên được đến tham quan nhà tù Côn Đảo, tại H.Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tại đây, đoàn viên thanh niên thăm viếng và nghe những câu chuyện về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu; giao lưu với các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Côn Đảo…
Chị Đặng Yến Nga, Bí thư Đoàn cơ sở Công ty CP Thiết bị điện (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho biết, trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, có lẽ đây là chuyến đi ý nghĩa nhất của chị. Nghe nói về Nhà tù Côn Đảo đã lâu nhưng chỉ khi tận mắt chứng kiến chị mới hiểu thế nào là “địa ngục trần gian”. Trong điều kiện giam giữ hết sức khó khăn nhưng những người cộng sản yêu nước vẫn giữ vững khí tiết và không ngừng đấu tranh chống lại chính sách áp bức của thực dân, đế quốc. Và trải qua các cuộc đấu tranh, hàng ngàn chiến sĩ yêu nước mãi mãi nằm lại ở Nghĩa trang Hàng Dương. “Càng khâm phục, càng tự hào về thế hệ cha anh, tôi càng thấy mình cần phải sống sao cho xứng đáng là thế hệ tiếp bước cha anh” - chị Nga bộc bạch.
Không dừng lại ở việc giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên bằng các hoạt động tuyên truyền; tìm về địa chỉ đỏ mà các cấp bộ Đoàn còn tổ chức nhiều hoạt động để đoàn viên, thanh thiếu nhi gặp gỡ, nghe các nhân chứng lịch sử kể chuyện nhằm tạo điều kiện để những chiến sĩ cách mạng “truyền lửa” cho thế hệ trẻ.
Hiểu hơn về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thế hệ trẻ Đồng Nai hôm nay đang ra sức thi đua trong học tập, lao động, công tác, cống hiến sức trẻ vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; vì một Đồng Nai phát triển toàn diện và bền vững.
Nga Sơn
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mùi (98 tuổi, ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa):
Luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước
Mẹ có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Đào và 2 con là liệt sĩ Nguyễn Văn Giang, Nguyễn Văn Đến hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Hằng tháng, mẹ được Nhà nước hỗ trợ hơn 6,2 triệu đồng cùng 300 ngàn đồng tiền hỗ trợ người già và người nuôi dưỡng được hỗ trợ hơn 1,6 triệu đồng. Hằng năm, cứ đến dịp lễ, tết, Ngày Thương binh - liệt sĩ, mẹ lại được các cơ quan, đoàn thể, một số doanh nghiệp trong tỉnh đến thăm, tặng quà. Điều đó khiến mẹ rất vui mừng vì Đảng, Nhà nước luôn nhớ và quan tâm đến người có công với cách mạng. Mẹ chỉ mong sao đất nước ngày càng phát triển tươi đẹp hơn nữa, con cháu đời sau mãi mãi được sống trong hòa bình, không còn phải chịu cảnh chiến tranh, mất mát, đau thương như những thế hệ trước.
Thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Tường (KP.4, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa):
Tiếp tục sống tốt và cống hiến
Trở về từ chiến trường Campuchia, tôi chỉ còn một tay, một chân, một mắt, được xác định thương tật 91%. Việc khiếm khuyết một số bộ phận của cơ thể tuy có gây cho tôi không ít khó khăn trong cuộc sống đời thường nhưng tôi cảm thấy mình vẫn còn nhiều may mắn. Hiện tại, tôi tham gia nhiều hoạt động Hội, đoàn thể ở địa phương như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh… Nhờ tham gia các Hội, đoàn thể, tôi có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với mọi người, thấy mình vẫn còn có ích, yêu đời và thêm yêu cuộc sống.
Những năm qua, tôi nhận được sự quan tâm, động viên, chia sẻ ân cần từ phía các cơ quan, đoàn thể, được hưởng đầy đủ chế độ chính sách. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, tôi cũng được Nhà nước hỗ trợ 1,5 triệu đồng theo gói hỗ trợ của Chính phủ. Số tiền mặc dù không lớn nhưng qua đây cho thấy sự quan tâm sâu sát của Đảng, Chính phủ đối với những thương, bệnh binh, những gia đình có công với cách mạng. Điều này khiến tôi rất vui và cảm thấy ấm lòng.
Ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH:
Giải quyết chế độ chính sách cho người có công kịp thời, đầy đủ
Tính đến nay, Phòng Người có công thuộc Sở LĐ-TBXH đang quản lý gần 53 ngàn hồ sơ người có công và thân nhân người có công. Số người hưởng trợ cấp hằng tháng là hơn 13,2 ngàn người với tổng kinh phí hơn 122 tỷ đồng.
Nhìn chung, việc giải quyết các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, của tỉnh nói riêng đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng được triển khai đầy đủ, kịp thời. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng được nâng lên so với trước; cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” chặt chẽ, thông suốt, kịp thời, hiệu quả, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các chế độ, chính sách của gia đình có người là thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Ông Đàm Đức Chính, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế:
Tiếp tục thực hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn
Những năm qua, ngành Y tế đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm tri ân người có công và gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh lân cận. Riêng năm 2019, Công đoàn ngành Y tế đã vận động các đơn vị hỗ trợ các gia đình chính sách, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 200 triệu đồng; thực hiện phụng dưỡng, chăm sóc và khám, cấp thuốc hằng tháng cho 27 bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Bên cạnh đó, các Công đoàn cơ sở trực thuộc tại các trung tâm y tế, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh cũng nhận phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng, gia đình liệt sĩ; duy trì chăm sóc 851 ngôi mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang trong tỉnh; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn người cao tuổi, người có công với cách mạng; thực hiện chế độ ưu tiên trong khám, chữa bệnh với người có công tại tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh.
Bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh:
Nhiều hoạt động tri ân người có công, gia đình chính sách
Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ năm nay, trong tháng 7-2020, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để tri ân, báo công kính dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ. Cụ thể, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức 3 buổi họp mặt, tặng quà cho 250 cựu chiến binh là thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ đã từng thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Lào, Campuchia đang cư trú tại các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, TP.Long Khánh; tổ chức 2 đợt khám bệnh nhân đạo, cấp thuốc, tặng quà, hội chợ nhân đạo cho 400 người nghèo, cận nghèo, thân nhân gia đình có công với đất nước, người cao tuổi, đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn tại H.Nhơn Trạch, TP.Long Khánh; tổ chức thăm, tặng quà cho Đội K72 thuộc Đội tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia.
Bên cạnh đó, Hội cũng khởi công xây dựng 3 căn nhà Chữ thập đỏ cho hộ đồng bào dân tộc Nùng, Châu Mạ có hoàn cảnh khó khăn tại H.Định Quán và H.Cẩm Mỹ.
Hạnh Dung (ghi)