Tuổi trẻ Krông Pa gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Thời gian qua, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê, Chăm, J’ Rai… trên địa bàn huyện Sơn Hòa nói chung, xã Krông Pa nói riêng luôn được giữ gìn và phát huy bởi những nam thanh nữ tú người dân tộc thiểu số (DTTS).

Krông Pa là xã vùng đồng bào DTTS của huyện Sơn Hòa, giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Toàn xã có 6 dân tộc anh em cùng chung sống ở 7 thôn, buôn; trong đó đồng bào DTTS chiếm 2/3 dân số toàn xã, nhiều nhất là người dân tộc Ê Đê. Nơi đây lưu giữ nét văn hóa truyền thống lâu đời và không ngừng được bồi đắp thông qua sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa của các dân tộc anh em.

Nét văn hóa đặc trưng

Cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm, điêu khắc và các loại hình, hoạt động văn hóa truyền thống như: lễ hội mừng lúa mới, cúng bến nước, lễ hội cầu mưa, cúng mừng sức khỏe… là nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào DTTS. Hàng năm, cứ vào trung tuần tháng 8 âm lịch, xã Krông Pa tổ chức hội thi cồng chiêng và múa xoang, thu hút nhiều trai tráng tham gia. Những cuộc so tài của tuổi trẻ nơi đây luôn đầy ắp những âm thanh đại ngàn lay động lòng người, khi bổng khi trầm, khi nhẹ nhàng, lúc vút cao… Tiếng cồng, tiếng chiêng của các chàng trai Ê Đê vang xa đến tận chân núi, đỉnh đồi. Trong khi đó, những cô gái người Ê Đê với tuổi đôi mươi trong trang phục thổ cẩm duyên dáng, nhảy múa điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển theo tiếng cồng, tiếng chiêng và có lúc dồn dập theo nhịp trống đôi.

Anh Y B’Jiu (28 tuổi) ở buôn Khăm, xã Krông Pa, chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã được cha dạy đánh cồng chiêng, đẽo tượng nhà mồ, dựng cây nêu… Những thứ này đã gắn bó mật thiết và có ý nghĩa hết sức thiêng liêng trong đời sống tinh thần đối với tôi và đồng bào nơi đây”.

Theo Bí thư Xã đoàn Krông Pa K So Y Sáu, toàn xã Krông Pa hiện có 7 bộ cồng chiêng, hơn 100 người biết sử dụng nhạc cụ này, đa số là thanh niên; gần 100 chị em phụ nữ biết dệt thổ cẩm, đồng thời là những “nghệ sĩ” múa xoang. Trong các dịp lễ hội, những chàng trai, cô gái người Ê Đê, J’Rrai, Chăm thể hiện khá ấn tượng những nét văn hóa độc đáo, phong phú với tiếng đàn, lời ca, trình diễn cồng chiêng, múa trống đôi, múa xoang…

Tiếng cồng, tiếng chiêng cùng với nam nữ nối vòng xoang có mặt trong mọi hoạt động văn hóa tinh thần của tuổi trẻ xã Krông Pa như đám cưới, mừng năm mới, lễ hội cúng đổ đầu… Trong âm hưởng của các nhạc cụ dân tộc, những làn điệu dân ca mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng các DTTS nơi đây, đã làm bật lên sự sáng tạo, nét thuần khiết giản dị, mộc mạc nhưng đằm thắm và xao xuyến như đưa mọi người về với cội nguồn, thúc giục lòng người.

Kết nối và lan tỏa

Cũng theo anh K So Y Sáu, trong thời gian qua, Xã đoàn Krông Pa đã định hướng, dẫn dắt làm cầu nối để đưa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đến với thanh niên thông qua các buổi sinh hoạt ở cơ sở và trong các lễ hội truyền thống ở địa phương. Vào các buổi sinh hoạt định kỳ, chi đoàn thôn, buôn thường mời các nghệ nhân lớn tuổi am hiểu văn hóa dân tộc đến dự để truyền dạy cách đánh cồng chiêng, hát dân ca, múa xoang… cho lớp trẻ. Từ đó, đoàn viên, thanh niên tích cực hưởng ứng, tham gia sôi nổi.

Với việc tích cực học hỏi, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống do Đoàn tổ chức, các bạn trẻ Krông Pa đã có dịp thể hiện, phát huy vai trò của mình trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chung tay xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, đời sống tinh thần thêm phong phú. “Phải khẳng định rằng, kết quả này có công đóng góp không nhỏ của tuổi trẻ, nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên trong các thôn, buôn. Họ đã năng động, sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa truyền thống”, ông Ma Thoan, nguyên Chủ tịch UBND xã Krông Pa nói.

Bí thư Huyện đoàn Sơn Hòa Cao Minh Sang đánh giá: Thời gian qua, đoàn viên, thanh niên xã Krông Pa đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần gìn giữ sự đa dạng, phong phú và đặc sắc cho bức tranh văn hóa không chỉ xã Krông Pa mà còn lan tỏa đến các xã có đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn huyện Sơn Hòa.

TRẦN LÊ KHA

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/229141/tuoi-tre-krong-pa-gin-giu-ban-sac-van-hoa-dan-toc.html