Tuổi trẻ làm chủ công nghệ
Để không bị dẫn dắt và lệ thuộc vào công nghệ, các bạn trẻ hiện nay áp dụng những phương pháp hiệu quả khác nhau
Mỗi ngày, ngoài giờ lên lớp, Nguyễn Minh Khôi - học sinh lớp 10, Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP HCM) - dành nhiều thời gian để lướt điện thoại, máy tính với mục đích chính là giải trí.
Nhận thức rõ mặt tiêu cực
Sinh ra trong thời đại công nghệ số, Minh Khôi có điều kiện tiếp xúc với các thiết bị công nghệ từ sớm. Từ năm học lớp 5, Khôi đã được sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Bên cạnh việc học tập, liên hệ và tương tác trên mạng xã hội, bạn trẻ này thừa nhận bị mất nhiều thời gian cho việc giải trí vô bổ qua các trận game hay những lần lướt mạng xã hội. "Dù biết rõ tác hại của việc sử dụng công nghệ không đúng cách và cũng tự dặn lòng không được chơi game quá lâu, chỉ chơi mỗi lần một ván để giải trí hoặc chỉ lướt mạng xã hội trong thời gian ngắn nhưng chưa bao giờ em làm được" - Khôi thừa nhận.
Nói về những tác động tiêu cực khi sử dụng công nghệ không đúng cách, thạc sĩ - nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho biết tác động đầu tiên là ảnh hưởng đến khả năng đọc dài và đọc sâu của giới trẻ. Đa phần những nội dung trên mạng xã hội và các ứng dụng công nghệ đều ở dạng ngắn, nhanh. Điều này khiến bạn trẻ không thể tiếp nhận những tri thức sâu sắc và thật sự chất lượng. Hơn nữa, việc đọc nhanh, đọc vội cũng khiến bạn trẻ dễ rơi vào bẫy tin giả.
Theo bà Uyên Phương, dùng công nghệ không đúng cách còn khiến bạn trẻ dễ rơi vào trạng thái bồn chồn, thường xuyên sinh ra cảm giác buồn chán, không tìm thấy ý nghĩa của đời sống hằng ngày. Song chuyên gia này phân tích bên cạnh những mặt tiêu cực, công nghệ mang đến nhiều tiện ích cho cuộc sống. "Sự hiện diện của công nghệ trong mỗi khoảnh khắc đời sống của chúng ta. Thế giới trên mạng xã hội là ảo nhưng nó lại rất thật và quan trọng với đời sống hằng ngày của bạn trẻ" - bà Uyên Phương nhận định.
Để công nghệ thành trợ thủ
Chia sẻ tại diễn đàn "Giúp trẻ hình thành tư duy chủ động khi sử dụng công nghệ trong thời đại số" do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức ngày 6-6, Gia Hân - học sinh Trường THCS Nguyễn Du - cho biết qua một thời gian tìm hiểu, em đã cài đặt một số ứng dụng có khả năng hạn chế thời gian sử dụng điện thoại. "Sau thời gian dùng cách này, em thấy khá hiệu quả - có thể giúp mình hạn chế sử dụng điện thoại, để dành thời gian tập trung vào việc học hơn" - Gia Hân bộc bạch.
Tương tự Gia Hân, Bùi Lưu Bảo Khánh - học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Đại sứ văn hóa đọc TP HCM nhiệm kỳ 2023-2024 - cũng áp dụng phương pháp riêng để không còn lệ thuộc công nghệ, trái lại còn biến công cụ này thành trợ thủ đắc lực cho mình. Theo Bảo Khánh, phương pháp của em khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Bằng cách đặt ra mục tiêu cụ thể trong ngày và làm theo, Bảo Khánh có thể kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại, máy tính và các thiết bị công nghệ khác. Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả sử dụng công nghệ, Bảo Khánh thường tận dụng công cụ này để lên mạng tra cứu thông tin thiết thực cho việc học tập.
Việc bạn trẻ dễ dàng bị cuốn theo các nội dung trên mạng xã hội hoặc trò chơi trên điện thoại, máy tính là điều dễ hiểu. Theo TS Quách Thu Nguyệt - người có đóng góp lớn cho sự phát triển văn hóa đọc tại nước ta nhiều năm qua - đằng sau mỗi ứng dụng công nghệ đều là những "cỗ máy" cực kỳ thông minh, chúng có thể quan sát, nắm bắt hành vi của người dùng. Bà Quách Thu Nguyệt nói: "Khi ý thức được điều này, bạn trẻ cần rèn cho mình ý chí độc lập, tự thoát ra khỏi hoàn cảnh và sự dẫn dắt của công nghệ". Theo bà, để làm được điều này, bạn trẻ cần chọn lọc ra những kênh hữu ích và loại bỏ các kênh không hữu ích, tránh ở trong trạng thái trì trệ. TS Quách Thu Nguyệt nhấn mạnh các bạn trẻ nên đặt mình ở vị trí chủ động, tự dẫn dắt hành vi sử dụng công nghệ của mình. Ngoài ra, tập trung vào các mối quan hệ bên ngoài cũng giúp bạn trẻ thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tuoi-tre-lam-chu-cong-nghe-20230615214104648.htm