Tuổi trẻ Trảng Bàng với câu chuyện ngày giải phóng
Tại chương trình, các bạn trẻ được giao lưu, lắng nghe những câu chuyện của cựu chiến binh, cựu du kích... thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vùng đất Trảng Bàng.
“Câu chuyện ngày giải phóng” là một trong những hoạt động sôi nổi được tuổi trẻ thị xã Trảng Bàng tổ chức hôm 28.4 vừa qua với hình thức kể chuyện, chia sẻ những ký ức hào hùng của quân và dân Trảng Bàng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Chương trình được đánh giá là một hoạt động giáo dục, tuyên truyền ý nghĩa và nhân văn về truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên nhân kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những câu chuyện lịch sử
Tại chương trình, các bạn trẻ được giao lưu, lắng nghe những câu chuyện của cựu chiến binh, cựu du kích... thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vùng đất Trảng Bàng. Trong đó có ông Nguyễn Xuân Kỉnh (SN 1945)- nguyên Đại đội trưởng Đại đội 16, Trung đoàn 16, Quân khu 7. Ông Kỉnh quê quán tỉnh Hà Tĩnh, vào bộ đội, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 26-27.4.1975, ông Kỉnh cùng đồng đội nhận được lệnh di chuyển từ Căn cứ Bời Lời lên Cầu Khởi và đi dọc sông Vàm Cỏ Đông, tiến về Sài Gòn đánh trận cuối cùng để thống nhất đất nước.
Ngày 30.4.1975, ông cùng đồng đội từ Long An đánh vào Sài Gòn, đi đến đâu dẹp đồn bốt đến đó rồi trấn giữ tại cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh ngày nay), không cho địch tháo chạy, mở đường cho quân ta tiến vào Sài Gòn. “Nghe báo tin giải phóng, chú mừng vô cùng nhưng vui trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, tay không rời cây súng”- ông Kỉnh chia sẻ.
Sống và chiến đấu tại Trảng Bàng, ông Kỉnh bén duyên với nơi đây, quyết định ở lại gắn bó và cống hiến cho quê hương thứ hai của ông.
Từng tham gia trận đánh vào dinh Quận trưởng Trảng Bàng và chứng kiến giây phút lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh vào ngày 29.4.1975, ông Võ Minh Chiến- nguyên Đội trưởng Đội biệt động thị trấn Trảng Bàng, xúc động nói: “Cách mạng thành công, đất nước được giải phóng, đó là thành quả của quân và dân ta sau bao nhiêu gian khổ cùng nhau chiến đấu. Ngày đó, ai nấy đều hân hoan vui sướng. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi”.
Hay như câu chuyện của bà Võ Thị Lý (bí danh Võ Thị Xấu, SN 1948) và bà Võ Thị Phong (bí danh Võ Thị Xa, SN 1953) - hai chị em ruột, quê ở xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng cùng tham gia cách mạng từ những năm 1968.
Lớn lên từ phong trào thanh niên, học sinh của huyện Trảng Bàng, bà Lý và bà Phong vận động học sinh tại Trường Thanh Khiết (Trảng Bàng) thành lập Chi đoàn thanh niên học sinh mang tên "9 tháng Giêng", liên chi đoàn thuộc Biệt động Trảng Bàng do bà Phong làm bí thư và hoạt động cách mạng. Liên chi đoàn đã góp phần xây dựng cơ sở, gầy dựng lực lượng cách mạng tại địa phương.
Liên chi đoàn có nhiệm vụ may cờ, treo cờ giải phóng; in, rải truyền đơn; chuyển vũ khí; đánh địch trong lòng địch giữa lòng thị trấn... Với những câu truyền đơn "Đố ai quét sạch lá rừng, còn quân Mỹ ngụy không ngừng đấu tranh", "Thanh niên Trảng Bàng đứng lên chống Mỹ cứu nước" hay "Mỹ phải cút về nước, anh em sĩ quan, binh sĩ của ngụy hãy quay súng trở về với nhân dân"... hai chị em đã lan tỏa phong trào chống Mỹ ra khắp thị trấn.
Năm 1973, bà Phong là một trong những chiến sĩ cắm cờ giải phóng trước dinh Quận trưởng Trảng Bàng. Sự kiến đó đã được Đài phát thanh giải phóng đưa tin. Câu chuyện của hai chị em bà Lý và bà Phong đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng thanh niên địa phương.
Ngược dòng lịch sử trở về trận đánh cuối cùng tại Trảng Bàng, bà Nguyễn Thị Xuân (bí danh Hai Xuân, sinh năm 1951)- nguyên du kích xã Gia Bình không khỏi bùi ngùi. Bà kể, ngày đó, nhận được tin tổng tiến công, bà cùng đồng đội tiến đánh các đồn địch trên địa bàn huyện. Lấy được đồn, bà không lơ là đề phòng, một thân một mình đi lục soát khắp nơi.
Sau khi giành được đồn cuối cùng của huyện, bà bắn súng lên trời báo tin chiến thắng. “Khoảnh khắc đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất cuộc đời tôi, lúc đó tôi không còn sợ chết nữa, chỉ cần giải phóng được quê hương, đất nước, tôi hy sinh cũng không tiếc”. Ngày nay, nhắc đến bà, ở Gia Bình ai cũng biết về người nữ du kích treo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đầu tiên trong ngày giải phóng xã Gia Bình - 16 giờ, ngày 29.4.1975.
Những câu chuyện lịch sử chân thật về một thời kháng chiến vẻ vang của quân dân Trảng Bàng đã giúp đoàn viên, thanh niên như được sống lại những phút giây hào hùng của dân tộc, giây phút “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã khiến các bạn sục sôi thêm khí thế của tuổi trẻ nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chị Lê Thị Minh Thư- đoàn viên phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng hào hứng chia sẻ, được nghe những câu chuyện của các cô chú trong cuộc chiến giải phóng dân tộc, chị như được sống trong trận đánh ấy hào hứng ấy. Qua đó chị hiểu được những gian khổ, công lao hy sinh to lớn của các ông bà, cô chú quyết tâm giành độc lập cho quê hương, dân tộc là không gì sánh được.
“Thông qua những câu chuyện ấy, tôi đã học tập được tinh thần cách mạng dân tộc của thế hệ cha anh. Tôi quyết tâm xây dựng và phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”- chị Thư chia sẻ.
Những hoạt động bên lề thú vị
Bên lề chương trình Câu chuyện lịch sử, Thị đoàn Trảng Bàng còn bố trí góc triển lãm sách báo về ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30.4.1975 và triển lãm hình ảnh về các sự kiện lịch sử tại huyện Trảng Bàng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Những hình ảnh đó đã làm nổi bật thêm câu chuyện lịch sử do các nhân vật khách mời kể lại. Không gian bài trí tuy đơn sơ nhưng sống động, giúp thanh thiếu niên Trảng Bàng như được sống trong khung cảnh hào hùng của những năm tháng kháng chiến ngày ấy.
Đặc biệt, chương trình còn triển lãm lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (thường gọi tắt là cờ giải phóng) do bà Nguyễn Thị Đành (sinh năm 1940) may. Bà Đành tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi với nhiệm vụ giao liên cho Binh vận, thị trấn Trảng Bàng và Đoàn 22 của Sài Gòn hoạt động tại Trảng Bàng và may cờ giải phóng trong ấp An Phú, ấp An Thành (xã An Tịnh) từ năm 1955 cho đến ngày giải phóng.
Gửi gắm những giá trị nhân văn thông qua chương tình, anh Trương Văn Trường- Bí thư Thị đoàn Trảng Bàng chia sẻ, chương trình Câu chuyện lịch sử là tâm huyết của thị đoàn Trảng Bàng, với mong muốn đem câu chuyện thật của những chứng nhân lịch sử đến với các bạn trẻ. Qua đó tạo sự gắn kết giữa hai thế hệ, đồng thời giúp các bạn hiểu về những đóng góp, hy sinh to lớn của các vị anh hùng dân tộc, giúp khơi gợi tinh thần yêu quê hương, đất nước của đoàn viên thanh niên.
Được tham dự chương trình, lắng nghe những câu chuyện lịch sử vừa hào hùng vừa xúc động, anh Phạm Ngô Minh Trí- Phó Bí thư Đoàn phường An Tinh, thị xã Trảng Bảng cảm thấy tự hào về thế hệ ông bà, cha anh, những người con kiên cường của Trảng Bàng xưa. Anh hy vọng rằng, những chương trình về truyền thống cách mạng dân tộc và địa phương sẽ được tổ chức thường xuyên để các bạn trẻ.