Tuổi xuân sống vì Tổ quốc, hết tiếng súng sống vì mẹ

O Nhị, người phụ nữ từng là hình tượng trong bài thơ 'Gửi em, cô thanh niên xung phong' của nhà thơ Phạm Tiến Duật nay đang sống đơn độc trong căn nhà nhỏ bên biển Thạch Kim (nay là xã Lộc Hà, Hà Tĩnh). Thanh xuân o Nhị gửi lại chiến trường, tuổi già một mình lặng lẽ, chồng chất nỗi lo toan.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong” năm ấy vẫn vang lên như một khúc tráng ca giản dị giữa những năm tháng hào hùng. Cô thanh niên trong lời thơ đó là bà Lê Thị Nhị (79 tuổi). Người dân vẫn gọi bà là o Nhị, cái tên vừa thân thương, vừa gợi nhắc một đời hy sinh âm thầm giữa chiến trường.

Trốn gia đình để vào chiến trường

Ánh nắng cuối chiều tháng 7 rót xuống gian hàng nhỏ nơi cửa biển Thạch Kim (xã Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Giữa tiếng biển rì rào vọng từ xa, o Nhị lặng lẽ thu dọn những gói thuốc, chai nước được sắp ngay ngắn trên chiếc bàn gỗ cũ. Suốt bao năm qua, quầy hàng bán vài món lặt vặt như nước, gia vị… là kế sinh nhai duy nhất của người nữ thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa. Chuẩn bị bước sang tuổi 80, đôi mắt o Nhị vẫn sáng và minh mẫn, nhưng đôi chân sưng phù, đau nhức vì di chứng chiến tranh để lại. Kể về cuộc đời mình, gương mặt o Nhị ánh lên niềm tự hào: “Xưa tôi gan dạ lắm, súng bắn, đạn nổ nhưng không bao giờ sợ chết. Chân cứ băng băng xuyên qua núi, sáng đi rà bom, trưa đi học văn hóa, tối đến lại đào đường”.

 O Nhị hiện đang sống một mình trong căn nhà ở biển Hà Tĩnh.

O Nhị hiện đang sống một mình trong căn nhà ở biển Hà Tĩnh.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở ven biển, bố mất sớm, mẹ tần tảo nuôi 5 người con. Năm 1967, khi vừa tròn đôi mươi, cô gái Lê Thị Nhị xin mẹ lên đường nhập ngũ, dốc sức vì Tổ quốc. Nhưng người mẹ già, sau ba lần tiễn con ra đi vì bệnh tật, không đành lòng để con gái thứ 3 một mình vào nơi khói lửa. “Chiến tranh lúc đó quá ác liệt, mẹ sợ mất thêm người con nên không cho tôi đi”, o Nhị rớm nước mắt kể. Nhưng vì tinh thần phục vụ, cống hiến, vào một đêm cuối tháng 2/1967, cô gái Nhị gói vội mấy bộ quần áo, lặng lẽ rời nhà để lên đường cùng 5 thanh niên trong xã.

Cô gái Lê Thị Nhị được nhập ngũ vào C4, Tổng đội 55. Khi đặt chân đến xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (cũ), nữ TNXP đã được bàn giao xẻng và cuốc để làm nhiệm vụ san lấp hố bom, vá đường và nạo vét cống cho xe qua tại vị trí cống 19, chỉ cách Ngã ba Đồng Lộc chừng 3km.

 Thanh xuân gửi lại chiến trường, nay tuổi già o Nhị một mình lặng lẽ, chồng chất nỗi lo toan.

Thanh xuân gửi lại chiến trường, nay tuổi già o Nhị một mình lặng lẽ, chồng chất nỗi lo toan.

Năm 1968, những đợt bom dội liên tục về Ngã ba Đồng Lộc, đội được lệnh cử 7 người vào tổ cảm tử chuyên phá bom, rà mìn, làm cầu cống ngay tại tuyến đường 15A, nơi khốc liệt nhất. Không ngần ngại, o Nhị liền xung phong vào tổ cảm tử. Nghe tin, người mẹ già lên đơn vị nơi o Nhị đóng quân để “xin cho con về”.

Vừa đặt chân đến đơn vị, người mẹ bật khóc, cô gái tuổi 20 bản lĩnh, kiên cường, ôm mẹ thật chặt rồi thủ thỉ: ‘Nếu con hy sinh tại chiến trường, đó cũng là vinh dự cho mẹ. Nếu con trở về, con dành cả cuộc đời ở bên, chăm sóc cho mẹ”.

Tuổi xuân vì Tổ quốc, lầm lũi ở tuổi già

Với o Nhị, những tháng ngày ở tuyến lửa Ngã ba Đồng Lộc là ký ức dữ dội nhất đời. O từng xẻ đất mở đường, từng phá bom giữa tiếng ù ù của máy bay phản lực, từng vùi mình vào hốc đất né đạn. “Chúng tôi được gọi là ‘đội phá bom cảm tử’. Bám đường cả ngày lẫn đêm. Nhiều lúc vừa san xong hố bom, quay đi chưa được vài bước thì bom lại dội xuống. Cái chết ở ngay trước mặt..”, o Nhị kể lại.

Rồi ký ức những bữa cơm đùm, cơm nắm, miếng thịt chia ba, chia bốn cho đồng đội cũng lần lượt ùa về. Đặc biệt kỷ niệm một buổi tối đầy pháo sáng, giữa chiến tranh khốc liệt, o Nhị có cuộc gặp gỡ tình cờ với một “chú bộ đội” mà sau này, qua một bài thơ đó, cả nước biết đến hình ảnh của o như một biểu tượng đẹp của người con gái TNXP nơi tuyến lửa.

 Nhiều năm qua, o Nhị bán hàng tại cảng biển Cửa Sót.

Nhiều năm qua, o Nhị bán hàng tại cảng biển Cửa Sót.

“Đêm hôm đó, trời rực pháo sáng, tiểu đội tôi ra san lấp hố bom, dựng hàng rào dẫn lối xe qua. Tôi mặc chiếc áo màu trắng xanh còn khá mới, đang lúi húi bên mép hố bom thì anh bộ đội bước từ xe xuống hỏi thăm. Anh ấy hỏi tôi quê ở mô, tôi cười đùa nói "em ở Thạch Nhọn". Các chị trong đội cười ồ lên, rồi có người bảo: ‘Thạch Kim đó anh’. Thế là anh quay lại trêu: ‘Răng em ở Thạch Kim mà lừa anh nói Thạch Nhọn?’. Tôi cũng cười, đáp liền: ‘Kim không nhọn thì răng nữa”, o Nhị kể lại cuộc gặp mặt nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Tưởng chừng câu nói đùa giữa chiến tranh, giữa đêm bom đạn để xua bớt căng thẳng, nhưng o Nhị không ngờ chú bộ đội đó lại là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Một năm sau, o Nhị sững người khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài thơ:

“Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn

Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón

Em đóng cọc rào quanh hố bom

Cái giọng em ngoa cho bạn cười giòn

Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để…”

“Khi cán bộ nghe bài này có gọi tôi lên gặp, hỏi vì sao lừa bộ đội và dọa sẽ kỷ luật. Nhưng sau biết anh bộ đội ấy là nhà thơ nên ai cũng vui vẻ”, o Nhị chia sẻ. Đến năm 1972 o Nhị xuất ngũ trở về quê. O Nhị xin làm công nhân cho Hợp tác xã Hải Đằng rồi lặng lẽ sống cùng mẹ già. Trong căn nhà xập xệ ở xóm chài ngày ấy chỉ có hai mẹ con, mùa mưa bão gió lùa tứ bề.

 O Nhị rưng rưng khi nhắc lại ký ức chiến trường.

O Nhị rưng rưng khi nhắc lại ký ức chiến trường.

Mãi đến năm 2000, ngôi nhà của mẹ con o Nhị mới được các nhà hảo tâm hỗ trợ sửa sang. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, khi đến năm 2002, người mẹ già qua đời. Từ đó, o Nhị sống đơn độc trong căn nhà nhỏ nép mình bên bờ biển Cửa Sót, không chồng, không con, không một nơi nương tựa ngoài ký ức chiến trường.

Giờ đây, mỗi ngày, từ lúc 4 giờ sáng, o dắt chiếc xe đạp cũ ra cảng, bán vài gói thuốc, chai nước lọc cho ngư dân mới cập bến. May mắn thì kiếm được 50.000 đồng, còn không thì lại lặng lẽ đạp xe về tay không. “Tuổi xuân thì sống vì Tổ quốc, hết tiếng súng thì sống vì mẹ. Giờ mẹ mất rồi, sống đơn độc, lủi thủi một mình… Cô đơn lắm. Giờ chân sưng đau, nhưng tiền cũng chưa có để đi viện vì tiền hỗ trợ hàng tháng chỉ đủ trang trải cuộc sống thường ngày”, o Nhị nói giọng trầm xuống, đôi mắt rưng rưng.

O Nhị chia sẻ, điều khiến o day dứt mãi, đó là phải đến cuối đời mới gặp lại nhà thơ Phạm Tiến Duật. Đó là vào năm 2007, khi nghe tin nhà thơ bệnh nặng, o đến bệnh viện thăm. Gặp nhà thơ, o thì thầm: “Anh Duật ơi! Tui là cô gái Thạch Nhọn, cô gái thanh niên xung phong đây này....”. Nghe giọng nói quen thuộc năm nào, nước mắt nhà thơ rơi xuống, nắm lấy tay o Nhị. Đó là cái siết tay sau mấy chục năm gặp nhau giữa chiến trường. Nhưng buổi gặp mặt ấy cũng là lần cuối, chỉ thời gian ngắn sau đó, nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời.

Hoài Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tuoi-xuan-song-vi-to-quoc-het-tieng-sung-song-vi-me-post1762157.tpo