Tuồng, chèo, cải lương về chung một nhà: Được nhiều hơn mất
Lãnh đạo các đơn vị kỳ vọng, việc sáp nhập sẽ giúp tuồng, chèo, cải lương trở nên tinh - gọn - mạnh, mở ra tiềm năng để đưa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng.
Kỳ vọng về trang sử mới của sân khấu truyền thống
Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ chính thức hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu Truyền thống Quốc gia Việt Nam, hoàn thành trước ngày 1/8/2025.
Trước công cuộc hợp nhất, lãnh đạo của các nhà hát đều đồng tình với chủ trương này.

Một cảnh trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính” của Nhà hát Chèo Việt Nam (Ảnh: Nhà hát Chèo Việt Nam).
Chia sẻ với Báo Xây dựng, TS.NSND Lê Tuấn Cường, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam bày tỏ sự lạc quan, mong chờ.
Ông Cường cho rằng, khi sáp nhập, 3 nhà hát sẽ trở nên tinh - gọn - mạnh, có thêm nhiều cơ hội, mở ra tiềm năng để đưa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng.
"Trong kỷ nguyên vươn mình, việc sáp nhập là con đường đúng đắn, là bước tiến mới, đánh dấu một trang sử mới. Có một cuộc cách mạng nào không có sự mất mát, sự được mất. Nhưng tôi nghĩ chúng ta được nhiều hơn.
Tuồng có lịch sử nghìn năm, cải lương cũng đã hơn một trăm năm, không thể nói chúng sẽ biến mất khi bị hợp nhất. Sáp nhập thực chất để về cùng một nơi quản lý mang tên Nhà hát Sân khấu Truyền thống Quốc gia Việt Nam.
Điều đó buộc chúng ta phải cùng xây dựng, cùng phải phát huy hay cái đẹp của tinh hoa vốn cổ. Nếu không có đợt sáp nhập này, vẫn còn nhiều người mang tư duy "đánh trống ghi tên". Vì vậy, mỗi cá nhân buộc phải vận động, nếu không bạn sẽ bị lùi lại phía sau", ông Cường bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Long, quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng cho rằng, việc sáp nhập là yêu cầu tất yếu của thời đại, sáp nhập để tinh gọn hơn, mạnh hơn, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Theo ông Long, sẽ có nhiều điểm thuận lợi hơn nếu tuồng, chèo, cải lương về chung một nhà.
"Nhà hát tôi hiện tại chỉ có 50 nhân sự diễn viên và nhạc công. Trong khi, chúng tôi thường dựng những vở diễn cần đến hàng trăm nhân sự.
Trước đây, chúng tôi từng phải tính đến phương án thuê diễn viên đóng quần chúng, nhưng thực sự rất tốn kém, vượt quá sức chi trả, nên luôn phải dựng vở trong sự tính toán về đủ mọi mặt, trong đó cả sử dụng nhân sự ít ỏi.
Giờ đây, khi dựng vở cần diễn viên quần chúng, diễn vai phụ... cả 3 nhà hát đều có thể sử dụng diễn viên của nhau", ông Long giãi bày.
Bên cạnh vấn đề nhân sự, quản lý, TS.NSND Lê Tuấn Cường còn cho rằng, việc hợp nhất lần này giúp tiết kiệm chi phí quản lý, chi tiêu từ đó có nguồn lực đầu tư trang thiết bị (âm thanh, ánh sáng, sân khấu...) cho các vở diễn.

Nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam ở hậu trường hai trích đoạn kinh điển “Ôn Đình chém Tá” và “Kim Lân qua đèo” (Ảnh: Nhà hát Tuồng Việt Nam).
Khi được hỏi về công tác chuẩn bị, tổ chức sáp nhập, ông Hoàng Văn Long cho biết, đơn vị đã chuẩn bị từ vài tháng trước, từ việc lên dự án đến vị trí việc làm...
Tuy nhiên, lãnh đạo Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, đội ngũ nghệ sĩ không có gì thay đổi vì trước nay số lượng cũng không nhiều.
Được biết, 3 đơn vị đã viết đề án, ban lãnh đạo đã cùng thông qua và trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
"Trong lộ trình sắp tới, chúng tôi cần 3 năm để kiện toàn bộ máy chung. Trong vòng 3 năm tới, Nhà hát Tuồng Việt Nam không có thay đổi gì về kinh phí, nguồn lực, nhân sự. Sau 3 năm nếu có tinh giản về bộ máy, mới bắt đầu tiến hành
Trước mắt, chúng tôi cùng hỗ trợ nhau, cùng xem xét phương hướng để hoạch định kế hoạch hoạt động chung.
Chúng tôi cũng đề xuất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn hỗ trợ 3 nhà hát về kinh phí dựng vở như từ trước tới giờ, mỗi năm cấp kinh phí dựng 2 vở cho mỗi nhà hát, 3 nhà hát là 6 vở diễn", ông Long cho hay.
Sáp nhập nhưng cần giữ nguyên hồn cốt
Hợp nhất các đơn vị về cùng một mái nhà không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức, mà còn hướng đến mục tiêu cao hơn: Tái phân bổ nguồn lực, tăng hiệu quả hoạt động và từng bước đưa nghệ thuật truyền thống trở lại đời sống công chúng.
Chính vì vậy, lãnh đạo các đơn vị được hợp nhất đều chung quan điểm: Sáp nhập thì tuồng vẫn là tuồng, chèo vẫn là chèo, cải lương vẫn là cải lương. Có như vậy, mỗi loại hình nghệ thuật sẽ không bị lu mờ bản sắc hay giảm chất lượng chuyên môn sau hợp nhất.
"Tinh hoa vốn cổ dân tộc vẫn phải được phát triển và được giữ nguyên hồn cốt. Nhà quản lý phải biết hài hòa, không thiên vị, tạo điều kiện để từng bộ môn phát triển theo đúng đặc trưng", TS Cường cho hay.
Ông Hoàng Văn Long cũng khẳng định: "Khi hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống Quốc gia Việt Nam, chủ trương 3 Nhà hát vẫn hoạt động tuồng, chèo, cải lương riêng biệt, chỉ chung về bộ máy quản lý".
Theo quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, các nghệ sĩ trong 3 đơn vị đều yên tâm với chủ trương mới.
Trong đó, xác định rõ 3 bộ môn nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương khác biệt nhau. Nếu ban lãnh đạo mới làm tốt có thể giúp cho các môn nghệ thuật này có thêm sức mạnh, với những buổi biểu diễn nghệ thuật lớn, thì quá tốt.


Hình ảnh trong vở cải lương "Vì nghĩa nước non" của Nhà hát Cải lương Việt Nam (Ảnh: Nhà hát Cải lương Việt Nam).
Làm gì để tuồng, chèo, cải lương cùng cất cánh?
Theo TS Cường, để để tuồng, chèo, cải lương cùng phát triển, cần chủ động tìm đến khán giả, không thể ngồi chờ khán giả tìm đến mình.
Có khán giả, đời sống của các môn nghệ thuật truyền thống mới phong phú và đời sống của anh em nghệ sĩ mới khá lên. Ông Cường cho rằng, đây là bài toán nhà quản lý cần nghiên cứu.
"Để làm được điều đó, chúng ta cần chủ động tìm kiếm khán giả, tận dụng sức mạnh truyền thông và xu thế toàn cầu hóa để giới thiệu tinh hoa nghệ thuật dân tộc.
Trong thời đại 4.0, chỉ cần một cú nhấp chuột mọi người, từ trong nước đến quốc tế, có thể biết đến chèo, tuồng, cải lương.
Tôi tin nghệ thuật truyền thống vẫn còn đất sống. Chỉ là chúng ta chưa tìm được đúng khẩu vị cho khán giả.
Diễn cải lương lâm li bi đát khoảng 2,5 tiếng thì khán giả hôm nay rất ngại theo dõi. Hay diễn một vở tuồng với màu sắc bi hùng khoảng 2,5 tiếng, e rằng khán giả cũng không thể xem đến cuối.
Chi bằng giảm bớt thời gian, nhấn vào những điểm đặc sắc, nhưng vẫn hấp dẫn, đủ sức thu hút cả khách du lịch và khán giả đương đại, đặc biệt là khán giả trẻ.
Nghệ thuật truyền thống phải rời trang sách để đi vào cuộc đời, phải rời cung điện để đến với người dân", ông Cường nói.

Các tiết mục, vở diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam đều được đầu tư về âm thanh, ánh sáng.
Thực tế, Nhà hát Chèo Việt Nam đã và đang gây sốt với những đêm diễn cháy vé trong khoảng gần 2 năm trở lại đây.
Nhiều khán giả từ các tỉnh thành đã lặn lội đến thủ đô để xem những vở chèo kinh điển như: "Xúy Vân", "Quan âm Thị Kính", "Đào liễu"…
TS. Cường tiết lộ, Nhà hát Kim Mã có sức chứa hơn 500 ghế ngồi, nhưng có vở đơn vị phải kê thêm ghế nhựa vì khách muốn xem chèo nhưng không kịp mua vé.
Bí quyết hút khán giả được ông Cường tiết lộ: "Phải đặt chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu. Trong đó, các yếu tố sân khấu như âm thanh, ánh sáng phải đạt tiêu chuẩn. Các cụ ngày xưa chỉ cần ngọn đèn dầu có thể xem hết vở diễn, còn bây giờ ánh sáng nhuộm từng góc, chất lượng từng mảng.
Về đội ngũ diễn viên, chúng tôi luôn đào tạo các thế hệ kế thừa, đã diễn ở Nhà hát Kim Mã thì những nghệ sĩ hạng 2, hạng 3 chưa được diễn, họ cần thời gian để trau dồi thêm. Không thể cả nể trong nghệ thuật. Nếu chúng tôi không làm được điều ấy thì 'thượng đế' sẽ quay lưng lại với chúng tôi", lãnh đạo Nhà hát Chèo Việt Nam nói.


Khán giả trẻ tới xem và chụp ảnh kỷ niệm cùng Nhà hát Tuồng Việt Nam (Ảnh: Nhà hát Tuồng Việt Nam).
Tương tự, trong nhiều năm qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng nỗ lực tìm đến khán giả bằng cách "trẻ hóa", "hiện đại hóa" nhưng vẫn giữ hồn cốt sân khấu truyền thống.
Nhà hát Tuồng Việt Nam hiện bán vé trên nhiều nền tảng, kênh mạng xã hội, có người phụ trách phát triển truyền thông trên các nền tảng khác nhau như Facebook, YouTube...
Trước dịch Covid-19, sân khấu tuồng diễn ra ở rạp Hồng Hà thường chủ yếu phục vụ... khách nước ngoài, khách du lịch. Nhưng hiện nay, ông Long khẳng định, tuồng đã bán được vé cho khán giả trẻ. Mỗi tuần, Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn có 1-2 đêm diễn (thường kín ghế) ở rạp Hồng Hà.
Trong bối cảnh sáp nhập với nhiều cơ hội xen lẫn băn khoăn, NSƯT Quang Khải của Nhà hát Cải lương Việt Nam tự tin rằng: "Nghệ sĩ có tài năng, có khán giả sẽ sống ổn, sống dư dả bằng nghề".