'Tượng đài mừng công' – khẳng định chiến thắng của quân và dân ta
Cùng với di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cụm Tượng đài tại di tích Bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng, mô tả Ðại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với bộ đội các binh chủng, dân công hỏa tuyến và đồng bào các dân tộc trong buổi lễ mừng công Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng, cũng là một điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến với xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ.
Hòa theo dòng người náo nức, chúng tôi đến di tích Bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng; nơi đây, vào ngày 13/5/1954, quân và dân ta long trọng tổ chức lễ báo công, duyệt binh mừng chiến thắng. Cụm Tượng đài tại di tích được khánh thành vào năm 2009, là công trình văn hóa, lịch sử, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho đất nước, cho hạnh phúc của nhân dân. Người dân địa phương thường gọi nơi này với cái tên thân thiết “Tượng đài mừng công”.
Cụm tượng nặng 700 tấn với chiều cao 9,8m, rộng 6m, dài 15,58m và được ghép từ 102 tấm đá xanh. Cấu trúc của cụm tượng đài gồm 25 nhân vật đại diện các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ; cùng 6 lá cờ, trong đó có 5 lá cờ nhỏ cao 7m, thể hiện 5 đại đoàn tham gia chiến dịch, gồm: Đại đoàn 312, 316, 308, 304, 351; 1 lá cờ lớn ở giữa là lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cao 9m, dưới lá cờ có bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trang trọng ở chính giữa đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các hình tượng khác tượng trưng các binh chủng đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như: Pháo binh, bộ binh, công binh, thông tin, quân y, cao xạ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, mỗi người một vẻ rất oai hùng. Khối cây rừng và vũ khí, khối bệ tượng có tạo hình nghệ thuật, bệ tượng cao 1,25m, rộng 3m, dài 16,4m. Phía sau tượng là xe tăng, pháo cao xạ, toát lên hình ảnh chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta.
Những ngày gần kề dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi ngày các điểm di tích tại xã Mường Phăng đón hàng nghìn lượt khách. Khi đến thăm di tích, du khách đều có những cảm xúc rất đặc biệt. Anh Nguyễn Văn Khánh, du khách đến từ tỉnh Nam Định, cho biết: Đến thăm các điểm di tích lịch sử tại xã Mường Phăng, tôi rất xúc động và tự hào với truyền thống yêu nước, chiến đấu ngoan cường, sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông đã làm lên “thiên sử vàng”. Các di tích được đầu tư, tôn tạo song vẫn giữ được vẻ mộc mạc, nguyên sơ, nhân dân địa phương và du khách đến đây cũng có ý thức giữ gìn để di tích còn mãi với thời gian và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau này.
Em Nguyễn Khánh Huyền, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết: Trước đây em chỉ biết đến chiến thắng Điện Biên phủ qua những trang sách, hay trên truyền hình. Khi em được đến tận nơi, mắt thấy, tai nghe, giúp em hiểu rõ hơn những năm tháng chiến đấu cam go và hào hùng của ông cha ta vì hòa bình, độc lập dân tộc. Thế hệ trẻ chúng em sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, cống hiến sức trẻ, lòng nhiệt huyết, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
Hiện nay, cùng với cảnh quan thiên nhiên được giữ gìn, các khu di tích trên địa bàn xã Mường Phăng được từng bước được đầu tư, tôn tạo, trở thành điểm đến du lịch, phục vụ du khách trong và ngoài nước, cùng các đoàn cựu chiến binh đến tham quan, trong hệ thống liên hoàn các di tích của chiến trường Ðiện Biên Phủ.
Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, chia sẻ: Hệ thống di tích gồm Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Cụm Tượng đài Chiến thắng, công viên xã Mường Phăng là những địa điểm thu hút nhiều du khách đến than quan. Để xứng đáng với truyền thống lịch sử của vùng quê cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Phăng luôn nỗ lực phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, chính trị xã hội; cùng nhau gìn giữ, bảo vệ các Khu di tích, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Mường Phăng.