Tượng đài người lính Cụ Hồ đánh Mỹ!

Một nguyên tắc kiến tạo tượng đài, theo mỹ học tạo hình hiện đại phải vừa là nơi gặp gỡ, tương tác giữa ánh hồi quang từ quá khứ và những ánh xạ của cuộc sống đương đại, để tạo nên dải quang phổ lung linh hấp dẫn có độ tán sắc ánh sáng văn hóa rộng. Văn học nghệ thuật đã điêu khắc tượng đài người lính Cụ Hồ thời đánh Mỹ bằng ngôn ngữ sử thi vang vọng hùng tráng được cả thế giới ngước nhìn, chiêm ngưỡng, đã tuân thủ những yêu cầu trên.

Những người lính Cụ Hồ sẵn sàng hy sinh thân mình cho Tổ quốc. Ảnh: TL

Những người lính Cụ Hồ sẵn sàng hy sinh thân mình cho Tổ quốc. Ảnh: TL

Tượng đài ấy được tiếp thêm ánh sáng từ truyền thống lịch sử anh hùng với Thánh Gióng, Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền cho đến người lính trong “Sông núi nước Nam…” (tương truyền của Lý Thường Kiệt), “Hịch tướng sĩ” (Hưng Đạo Vương), “Cáo bình Ngô” (Nguyễn Trãi), đến hình tượng người nghĩa sĩ của Nguyễn Đình Chiểu... Nhiều nghiên cứu lịch sử quân sự thế giới lý giải sức mạnh của quân đội Việt Nam trước nay được thể hiện trong mã văn hóa “ngụ binh ư nông” rất riêng. Khi hòa bình thì binh lính về làm ruộng, khi có chiến tranh thì toàn dân làm lính nên có đặc trưng rất linh hoạt, nhanh gọn, cơ động, có thể tác chiến trên mọi địa hình, thời tiết, hoàn cảnh, lại có thể tự nuôi mình… Sống trong dân, từ dân mà ra nên khi cầm vũ khí giữ nước, người lính được tiếp sức mạnh từ dân, từ bầu khí quyển, từ mảnh đất văn hóa họ sống. Được kết tinh và phát huy cao độ ở thời hiện đại nên Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của dân, vì dân, được Đảng lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện nên đã vượt qua những chướng ngại tưởng chừng không thể. Trên thế giới hiếm có đội quân nào đạt được những chiến công như thế!

Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” xứng tầm thế hệ con cháu Bác Hồ - Người Cha của các lực lượng vũ trang, nhà thiên tài quân sự, Danh nhân văn hóa.

Thế giới hôm nay đánh giá rất cao Bác Hồ, Người không chỉ khởi xướng, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám huyền thoại, Bác còn là người kiến tạo nên một Nhà nước dân chủ mới, một hệ hình mỹ học mới - và chính Người vừa là một chủ thể sáng tạo vừa là một đối tượng nghiên cứu của mỹ học. Là một thiên tài quân sự, Bác Hồ là người khai sinh và giáo dục quân đội ta, cũng là người kiến tạo đường lối quân sự và thế trận chiến tranh nhân dân. Nhân dân Việt Nam lấy tên vị lãnh tụ vĩ đại đặt tên cho hình tượng người lính yêu mến: “Anh bộ đội Cụ Hồ” là sự thể hiện một đạo lý văn hóa cũng là chân lý thời đại!

Đó là tượng đài tỏa ánh sáng chân lý, sức mạnh, bản lĩnh thời đại. Nhà thơ lớn Tố Hữu diễn đạt tinh tế bằng thơ về sứ mệnh vinh quang, thiêng liêng cao cả của anh bộ đội Cụ Hồ: “Nếu được làm hạt giống để mùa sau/ Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/ Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!” (Chào xuân 67). Huyền thoại nổi tiếng thế giới về chàng Đan Kô móc trái tim mình làm ngọn đuốc soi đường cho đồng bào mình đi về phía tự do, hạnh phúc. Anh bộ đội Cụ Hồ cũng vậy, đem tuổi xuân đẹp nhất cống hiến cho Tổ quốc. Thế nên “anh” mang tầm vóc vũ trụ: “Anh đi, xuôi ngược tung hoành/ Bước dài như gió, lay thành chuyển non/ Mái chèo một chiếc xuồng con/ Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương!” (Tố Hữu - Tiếng hát sang xuân). Kẻ thù phi nghĩa muốn đốt cả dân tộc ta thành tro bụi. Nhưng có “anh”, “ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm”. Bọn cướp nước muốn ta “bán mình ô nhục”. Nhờ có “anh”, đất nước mình “làm sen thơm ngát” (ý thơ Tố Hữu trong Việt Nam, máu và hoa). Một hình tượng đẹp, lớn lao, kỳ vĩ như thế chẳng xứng là một biểu tượng trung tâm của thời đại đó sao?

Tỏa ánh sáng lý tưởng - Một vẻ đẹp văn hóa thời đại, hình tượng anh bộ đội góp phần tạo nên “Dáng đứng Việt Nam” (tên một bài thơ của Nhà thơ - Liệt sĩ Lê Anh Xuân). Do chiều kích, tầm cỡ tượng đài mang tính kỳ vĩ, lớn lao nên hầu hết các loại hình nghệ thuật điêu khắc hình tượng anh bộ đội thời chống Pháp theo nguyên tắc “tạc” vào không gian vũ trụ thì anh bộ đội thời chống Mỹ lại được “tạc” vào thời đại (thế kỷ). Không ngẫu nhiên Phạm Tiến Duật được ví là “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, ở chỗ nhà thơ đã kiến tạo sinh động những biểu tượng văn hóa mới mẻ. Người lính trong thơ ông mang tầm thời đại: “Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”; “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Vượt lên trên cái vỏ “biểu đạt” anh lính lái xe, hình tượng lớn vụt thành biểu tượng cao cả đầy bản lĩnh, khí phách ngang dọc trời đất, tất cả đều vì nhiệm vụ của thời đại là giải phóng miền Nam. Đây cũng là nét âm hưởng anh hùng ca, đậm tinh thần sử thi của văn học thời chống Mỹ. Như một tất yếu, cùng với anh bộ đội, con đường trở thành biểu tượng cơ bản. Không chỉ là con đường vật lý thông thường mà là “đường thời đại”, như tên bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ (17 tập) của Đặng Đình Loan.

Tượng đài ấy đã góp phần tạo nên một giá trị văn hóa Việt Nam thiêng liêng, cao quý. Đó là tinh thần xả thân, sẵn sàng hy sinh thân thể mình cho Tổ quốc. Nhà thơ - chiến sĩ Thanh Thảo nói hộ tâm hồn hàng triệu người lính sẵn sàng lên đường ra trận: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”.

Thời gian cho phép văn học, nghệ thuật hôm nay nói thật hơn những “góc khuất” mà người lính phải đối mặt trong chiến tranh, để thế hệ trẻ biết cha anh họ đã sống chết như thế nào. Sẽ càng làm rõ hơn cái giá của sự hy sinh để tri ân người đi trước, rõ hơn cái ý nghĩa của một ngày hòa bình để tránh xa chiến tranh. Trên đời này có gì quý hơn thân thể con người đâu. “Người ta là hoa đất”. Con người là đáng quý, đáng trọng, đáng được chiêm ngưỡng, tôn kính, nâng niu... Thế mà trên chiến trường ngày ấy, người lính phải chịu đựng, đón đợi “ngày nào cũng nhìn thấy người chết, ngày nào cũng chôn người chết mà chưa đến lượt chôn mình” (Chu Lai - Ăn mày dĩ vãng). Có một sự thật nghiệt ngã như vậy, mà những ai từng trên chiến trường đều trải nghiệm. Đúng với quy luật nhu cầu nói ra sự thật những câu chuyện của mình, mình trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến, nên thể tài tự thuật, tự truyện (thiên về phi hư cấu) hiện nay đang phát triển mạnh. Nhất là ở nước ta, thời gian chiến tranh kéo dài quá lâu, tính chất quá ác liệt, đã ăn sâu vào tâm thức, đặc biệt là ở những thế hệ trực tiếp cầm súng. Ngoài hồi ký, bút ký, ký sự… của các tướng lĩnh, các văn nghệ sĩ, là những trang viết nóng hổi tươi rói cuộc sống chiến trường, những suy tư về lý tưởng, hoài bão của những thanh niên trí thức, như: Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nhật ký Nguyễn Văn Thạc… Đáng tiếc là hôm nay, bạn đọc chỉ được tiếp xúc những trang nhật ký cảm động trong vắt một tình yêu đất nước từ số ít bản thảo còn giữ lại được. Trên thực tế, ở những ngày “cả nước lên đường” ấy có hàng vạn những tác giả như thế, có hàng triệu những trang nhật ký như vậy.

Nhà thơ Tố Hữu có những câu thơ mang tinh thần thời đại viết về anh bộ đội Cụ Hồ - những con người đẹp nhất. Ở chỗ đã kết tinh những giá trị văn hóa lịch sử và hào khí non sông: “Tổ quốc cho anh dòng sữa tự hào/ Thời đại cho anh ánh sao trí tuệ…/ Khí phách anh là Trường Sơn thanh cao”. Văn hóa biết ơn của người Việt tôn xưng Thánh Gióng đuổi giặc xâm lăng là một trong “tứ bất tử”. Những cháu con Thánh Gióng đuổi quân cướp nước ở thế kỷ XX cũng cần được coi là “bất tử”./.

NGUYÊN THANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tuong-dai-nguoi-linh-cu-ho-danh-my-39771.html