Tướng Đồng Sỹ Nguyên và chiến lược tạo thế chủ động trên đường Trường Sơn
Với tài thao lược xuất chúng, tướng Đồng Sỹ Nguyên đưa ra nhiều chiến lược để đường Trường Sơn thông suốt, tiếp sức cho chiến trường miền Nam.
Thông đường với “4 trực tiếp” và chiến thuật hiệp đồng binh chủng
Những ngày cuối tháng 2/2023, trong căn phòng khách của ngôi nhà nằm sâu trong con phố Vĩnh Hồ (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội), PV Báo Giao thông ngồi nghe Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, người chỉ huy gắn bó hơn 10 năm với chiến trường Trường Sơn khốc liệt trên cương vị là Trưởng phòng Tổ chức, Chính ủy Binh trạm, rồi Phó chủ nhiệm chính trị kể lại những kỷ niệm vô cùng đặc biệt với vị tướng tài ba của quân đội nhân dân Việt Nam - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Bước sang tuổi 95, sức khỏe bị ảnh hưởng đôi phần, song, ký ức về tướng Đồng Sỹ Nguyên, về con đường Trường Sơn huyền thoại gần như còn nguyên vẹn trong trí nhớ của Thiếu tướng Võ Sở. Bằng chất giọng rắn rỏi của “người lính cụ Hồ”, những câu chuyện được ông kể liên hồi, sống động như chỉ mới diễn ra ngày hôm qua.
“Từ năm 1965 trở đi, khi phát hiện ta tổ chức hệ thống đường xuyên suốt Trường Sơn, quân Mỹ bắt đầu đánh phá ác liệt đến mức một khu vực trọng điểm hứng 3 - 5 lần B52. Chúng tập trung cao nhất máy bay B52, may bay ném bom, rải thảm các loại bom đạn, bom phá, bom xuyên, bom từ trường và các loại mìn sát thương hòng ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam.
“
“Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào lúc chiến trường ác liệt nhất. Ở Trường Sơn, ông là tướng quân đội nên có nhiều thế mạnh, những lúc cần tháo gỡ khó khăn tại các trọng điểm là có thể tập trung lực lượng (TNXP, bộ đội công binh, phòng không,…) dồn sức giải quyết rất nhanh. Làm giao thông nhưng áp dụng chiến lược quân đội. Đặc biệt là việc sáng tạo trong phát triển mạng lưới trục ngang để linh hoạt ứng phó với địch, đảm bảo sự xuyên suốt của tuyến chi viện”, ông Đào Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy Cục Công trình I (tiền thân của Công ty CP Tập đoàn Cienco4 hiện nay).
”
Ngặt nỗi, thời gian đầu, lực lượng quân đội Việt Nam tại Trường Sơn mỏng, người chỉ huy cũng chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó. Dưới sự công kích mạnh mẽ của địch, trong những năm 1965 - 1966, ta gần như không thực hiện được chiến lược mở đường. Việc ứng phó lại địch cũng vô cùng bị động”, Thiếu tướng Sở nhớ lại và cho biết, sự bế tắc tưởng chừng kéo dài không hồi kết cho đến năm 1967, tướng Đồng Sỹ Nguyên được cử vào làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Thiếu tướng Võ Sở tiếp lời: Việc đầu tiên khi nhận nhiệm vụ là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đi thị sát dọc Trường Sơn, khảo sát những nơi địch đánh phá ác liệt nhất để phân tích địch mạnh thế nào? Ta yếu ở đâu?
Quá trình khảo sát, Tư lệnh nhanh chóng đưa ra những nhận định quan trọng. Một là, địch có ưu thế về không quân nhưng ở một chiến trường sâu, rộng như Trường Sơn, chúng không thể làm chủ toàn bộ thời gian và không gian. Chúng đánh chỗ này sẽ sơ hở chỗ khác, đánh giờ này sẽ sơ hở giờ khác. Đây là điểm yếu của địch. Tức là quân ta có thể làm chủ ở dưới.
Tận dụng lợi thế ấy, yêu cầu đặt ra đối với bộ đội Trường Sơn là không phải chỉ làm một con đường mà phải làm nhiều đường, phải có 4 - 5 trục dọc cùng hệ thống đường ngang kết nối khu vực này đến khu vực khác, chiến trường này với chiến trường khác.
Từ năm 1967 trở đi, tổ chức chiến trường hoàn toàn “lột xác”. Địch luôn theo dõi, tìm mọi cách đánh phá. Nhưng chúng đánh ác liệt, ta lại có đường vòng, đường tránh. Một khu vực trọng điểm đèo dốc dài 5 - 7km, chúng ta không chỉ có một đường mà có 4 - 5 đường nhánh.
Nếu trước thời điểm Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào, Trường Sơn chỉ có 2 trục dọc, hơn 10 trục ngang thì đến lúc giải phóng, mạng lưới đường Trường Sơn có tới 5 trục dọc, 21 trục ngang.
Tư tưởng lớn chiến đấu cũng thay đổi với tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Lực lượng công binh vừa mở đường mới, vừa khắc phục giao thông sau khi bị địch đánh phá để xe đi, vừa bố trí lực lượng chốt trên các trọng điểm để báo động máy bay đánh hướng nào, chỗ nào, thời gian nào ném, phục vụ lên phương án chiến đấu, bảo vệ đường, mở đường.
Phong trào bộ đội chiến đấu phòng không được phát động, bội đội chủ động đánh máy bay địch bằng đủ các loại vũ khí (súng máy, súng trường, súng cao xạ), không cho địch ngăn chặn các đoàn xe cơ động vận chuyển của ta.
Tư lệnh cũng chính là người đề xuất tổ chức chiến đấu hợp đồng binh chủng. Đội xe là chủ lực, công binh bảo đảm thông đường, pháo phòng không làm nhiệm vụ đánh địch bảo vệ. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của hệ thống tổ chức bảo đảm (thông tin, quân y, kho tàng).
Trước đây, quân đội ta không có sư đoàn công binh, chỉ có cấp trung đoàn nhưng ở Trường Sơn thì có (Từ năm 1971 ở Trường Sơn có 4 sư đoàn công binh). Hai sư đoàn xe được hình thành cũng là điều đặc biệt.
Với cách thức tổ chức ấy, khi khó khăn, đội hình tiểu đoàn, đại đội để vận chuyển vũ khí, lương thực. Thời điểm thuận lợi, các trung đoàn, sư đoàn xe sẽ được sử dụng để tăng khối lượng vận chuyển vào miền Nam.
Tướng Sở cũng nhận định, một trong những chiến lược của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên góp phần duy trì thành công tuyến chi viện Trường Sơn chính là phương châm “4 trực tiếp” để tạo nên sức mạnh tổng hợp: Trực tiếp giao nhiệm vụ - Trực tiếp đôn đốc, kiểm tra - Trực tiếp hướng dẫn các vấn đề phức tạp, khó khăn - Trực tiếp tổng kết.
Cụ thể hóa phương châm này, tướng Nguyên không chỉ đứng ra hô hào mà trực tiếp giao việc, chỉ đạo rõ cần đánh địch chỗ nào, sử dụng lực lượng nào và thường trực ở bộ phận chỉ huy quân sự để giải quyết ngay khó khăn khi cần.
“Có thể nói, thời điểm anh Nguyên làm Tư lệnh, chiến trường Trường Sơn chuyển biến lớn cả về thế trận, lực lượng, phương thức tổ chức chỉ huy. Anh là một người luôn thay đổi tổ chức theo hướng tập trung, nâng cao sức mạnh”, Thiếu tướng Võ Sở chia sẻ.
Nặng nghĩa, trọn tình với đồng đội
Quyết liệt trong chỉ đạo, đôi lúc khắt khe với cấp dưới nhưng cho đến hiện tại, với cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn là người “anh cả” tình cảm, đức độ và trọn vẹn nghĩa tình.
Ngược dòng ký ức về những năm 1968 - 1969, Thiếu tướng Võ Sở nhớ lại thời điểm được giao làm Chính ủy một binh trạm, gồm: 3 tiểu đoàn xe, 3 tiểu đoàn công binh, 2 tiểu đoàn cao xạ cùng tiểu đoàn bộ binh phụ trách vừa đánh địch, bảo vệ đường 128 qua huyện Lằng Khằng, tỉnh Khăm Muộn (Lào) cho xe đi.
Éo le thay, thời điểm tiếp quản nhiệm vụ là lúc đánh phá triền miên gần 1 tháng, việc mở đường, khắc phục tuyến không thể triển khai.
“Quá bức xúc trước việc đường bị tắc, công tác chi viện gián đoạn, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên gọi điện gay gắt: “Các anh có làm được không? Nếu không tôi sẽ cho người thay”. Tôi liền báo cáo: “Báo cáo đồng chí là bộ đội rất cố gắng nhưng vẫn chưa thông được đường. Ngay tại trọng điểm Seng Phan có một tiểu đội vừa ra san lấp đường, khi địch đến đánh vào nấp trong hang núi đá nhưng cả núi đá đã bị đánh sập, chúng tôi chưa kịp cứu chữa.
Nghe vậy, bên kia điện thoại giọng Tư lệnh nghẹn lại và động viên cả đội cố gắng đưa thương binh, liệt sĩ ra khỏi hang, khắc phục khó khăn để làm tiếp nhiệm vụ”, Thiếu tưởng Sở xúc động nhớ lại và cho biết, tình nghĩa với liệt sĩ cũng là ấn tượng sâu sắc của đồng đội về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
“Trong chiến đấu chống kẻ thù có nhiều bom đạn, anh Nguyên luôn nghĩ làm sao đánh thắng được địch nhưng ít thương vong. Việc tổ chức hệ thống quân y luôn được quan tâm. Sau mỗi trận chiến đấy, việc đầu tiên đồng chí làm là điện hỏi con số thương vong nhiều - ít thế nào.
Không những chỉ đạo làm ngay việc cứu chuyển thương binh, chôn cất liệt sỹ chu đáo để khi có điều kiện đưa về chôn cất lâu dài.
Nhờ đó, tới năm 1973, sau Hiệp định Paris, sự đánh phá của địch hạn chế hơn, trên cơ sở thống nhất của Đảng ủy Bộ Tư lệnh, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên chỉ đạo bốc thi hài liệt sĩ về Quảng Trị để xây dựng nghĩa trang với tên gọi Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn nằm gần đường Hồ Chí Minh. Trong số 10.263 thi hài được đưa về, chỉ có 28 mộ quy hoạch chưa rõ tên.
Khẳng định đây là việc tri ân những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, là nơi để thế hệ con cháu đến thăm viếng, tưởng nhớ, chính đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã tự đi xem xét nghiên cứu địa điểm, xác định quy mô nghĩa trang và làm việc với lãnh đạo địa phương để có thể hoàn thành công trình ý nghĩa này vào năm 1977 sau hai năm xây dựng”, ánh mắt xa xăm, Thiếu tướng Sở nghẹn ngào nhớ lại.
Trong tổng số hơn 10 triệu tấn bom đạn giặc Mỹ rải ở Việt Nam (thời kỳ chống Mỹ), chiến trường Trường Sơn phải hứng chịu hơn 4 triệu tấn.
Mặc dù vậy, tính đến ngày Việt Nam thống nhất, dưới sự lãnh đạo, đường Trường Sơn đã tồn tại 6.000 ngày đêm. Khoảng 120.000 người thuộc các lực lượng công binh, TNXP, dân công hỏa tuyến chỉ đạo của các “tướng lĩnh”, trong đó có Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã làm nên mạng lưới đường liên hoàn, vững chắc với 5 trục dọc, 21 trục ngang, tổng chiều dài gần 20.000 km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140 km đường kín cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.
Trong 16 năm, hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng, vũ khí vào, đảm bảo hành quân cho 2 triệu lượt người vào các chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; Vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 lượt quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.