Tương Dương chú trọng hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người nghèo
Không chỉ quan tâm mục tiêu tăng thu nhập cho người nghèo, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Tương Dương chú trọng bù đắp các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở.
Tương Dương là huyện miền núi cao, trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Điều kiện tự nhiên và xã hội có nhiều yếu tố khó khăn, nhất là địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng giao thông và trình độ tư duy sản xuất của người dân còn nhiều hạn chế.
Toàn huyện có 16 xã, thị trấn, trong đó, 4 xã biên giới và 93/146 khối, làng, bản đặc biệt khó khăn. Toàn huyện hiện có hơn 5.300 hộ nghèo, chiếm 29,25% tổng số hộ. Dù tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng đây là chuyển biến tích cực, là thành quả của sự cố gắng, nỗ lực rất lớn từ cấp ủy, chính quyền, các ban ngành và nhân dân huyện Tương Dương. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 34,03%.
Không chỉ quan tâm mục tiêu tăng thu nhập cho người nghèo, để thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Tương Dương chú trọng bù đắp các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, trong đó tập trung đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở.
Cuối tháng 6, năm hộ gia đình gồm Vi Văn Tuấn (47 tuổi, bản Tân Hương), La Văn Phận (36 tuổi, bản Tân Hương), Vi Văn Mầng (33 tuổi, bản Tân Hương), Viêng Mạnh Hoài (53 tuổi, bản Tùng Hương) và Lô Văn Chăn (53 tuổi, bản Tùng Hương) đã được hỗ trợ kinh phí và ngày công xây dựng để làm nhà ở mới. Các hộ gia đình trên đều thuộc diện hộ cận nghèo, khó khăn về nhà ở.
Trước đó, ở bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, hai hộ gia đình thuộc hộ nghèo khó khăn về nhà ở là gia đình ông Moong Văn Vinh và Lô Văn Oanh cũng đã nhận được hỗ trợ.
Trước khi được hỗ trợ làm nhà, hai hộ gia đình phải sống trong ngôi nhà tạm dột nát, có nguy cơ bị đổ, sập rất cao, nhất là vào mùa mưa bão. Cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn, gia đình không có lao động, không có nguồn đối ứng xây dựng nhà ở.
Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, hai hộ nghèo còn nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ các cơ quan, đoàn thể, nhà hảo tâm để hoàn thiện ngôi nhà, có nơi an tâm sinh sống.
Ngoài hỗ trợ nhà ở, huyện Tương Dương cũng hỗ trợ các mô hình sinh kế như hỗ trợ cây trồng, vật nuôi bò, lợn, gà, dúi…, gắn với hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và đồng hành cùng người dân phát huy hiệu quả. Điển hình là mô hình trồng tre, mét ở xã Tam Thái. Nhờ tre, nhiều gia đình ở các xã miền núi đã vươn lên thoát nghèo.
Tiêu biểu có gia đình anh Vũ Văn Thủy (trú tại bản Na Tụng, xã Tam Thái). Anh Thủy chia sẻ, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, khai thác, rừng tre mét của gia đình anh Thủy đạt sản lượng từ 7-9 tấn/1 năm cho thu nhập từ 8-12 triệu đồng tùy đợt.
Số tiền này không lớn nhưng đối với những gia đình huyện miền núi như anh thì đây là nguồn thu ổn định ngoài nương rẫy và các công việc khác, góp phần giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo.
Những năm trở lại đây, nhu cầu cây tre, mét làm các sản phẩm đồ mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, nguyên liệu giấy tăng cao. Vì vậy, loại cây này dần trở thành cây trồng chủ lực giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân huyện Tương Dương, diện tích trồng cây tre, mét cũng được tăng dần.
Hiện nay, diện tích trồng mét toàn huyện Tương Dương khoảng 1.634ha, phần lớn nằm trên đất rừng sản xuất, tập trung nhiều ở các xã Yên Thắng, Nhôn Mai, Thạch Giám, Tam Đình, Tam Thái, Tam Quang. Nếu chăm sóc tốt, áp dụng đúng cách, chỉ sau 3 - 4 năm cây mét cho năng suất khá cao, dao động từ 10 - 12 tấn/ha, mỗi ha cho thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, cây mét chỉ cần trồng một lần cũng có thể thu hoạch hàng chục năm, sản lượng năm sau thường cao hơn năm trước, công chăm sóc không quá vất vả, tốn kém. Vì vậy, đây là cây trồng rất phù hợp với các hộ nghèo vốn không mấy dư dả về nguồn vốn.