Tượng Kut của người Chămpa

Một trong những loại hình nghệ thuật điêu khắc đá đầy ấn tượng của vương quốc Chămpa từ đầu thế kỷ XVII trở về sau, chính là hệ thống các loại hình tượng Kut thuộc về tâm linh tín ngưỡng, được đặt trong đền thờ và khu nghĩa địa của từng dòng tộc.

Nghĩa địa Kut là biểu tượng đặc trưng chế độ mẫu hệ của người Chăm theo đạo Bàlamôn (Chăm Ahier), để tưởng niệm về tổ tiên và những người đã mất. Những nơi đó ngoài việc phô diễn các công trình kiến trúc cổ, với nhiều tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đặc sắc bằng đá còn là nơi lưu giữ lễ nghi, tín ngưỡng, tôn giáo trong văn hóa truyền thống Chămpa.

Tượng Kut trưng bày trong Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Trịnh Hùng.

Tượng Kut trưng bày trong Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Trịnh Hùng.

Nguồn gốc tượng Kut

Nghệ thuật điêu khắc đá của vương quốc Chămpa phát triển mạnh mẽ từ khoảng từ thế kỷ II – XVII trên khắp vương quốc. Điêu khắc đá là một nghề chuyên phục vụ trang trí trong kiến trúc đền tháp, ở nơi thánh địa qua từng phong cách kiến trúc nghệ thuật. Trải qua hơn ngàn năm, thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam và nhiều ngôi tháp Chăm dọc miền Trung Việt Nam vẫn còn nguyên những vật thờ bằng đá với các chủ đề về thần Visnu, thần Shiva, Ganesa, sư tử, chim thần Garuda, vũ nữ Apxara, các vị tu sĩ, bò thần Nandin… kéo dài hơn ngàn năm như vậy mà không thấy sự xuất hiện của tượng Kút trong các khu thánh địa, Phật viện hay trong các khu đền tháp.

Do đó khi nghiên cứu về nguồn gốc Kut và sự hình thành nghĩa địa Kut của người Chăm có từ bao giờ, đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Bởi trên thực tế không thấy một ngôi đền thờ hay nghĩa địa Kut nào trước thế kỷ XVII; cũng không có tài liệu nào trong thư tịch cổ hay truyền thuyết để lại nói về loại hình nghĩa địa dạng này. Ngoài một số ít tài liệu nói đến Kut Chăm được xuất hiện vào thời vương triều Po Klong Garai ở cuối thế kỷ XIII, nhưng không có dẫn chứng thực tế nào.

Trên thực trạng vùng đất xưa của vương quốc Chămpa ở xứ Panduranga về phía Nam mà ngày nay là Ninh Thuận, Bình Thuận từng có rất nhiều ngôi đền cổ chứa tượng Kut và nghĩa địa tượng Kut. Sự tàn phá của thiên nhiên và việc lãng quên của con người, khiến những ngôi đền cổ và nghĩa địa tượng Kut hoang tàn và chìm vào quá khứ. Tuy vậy, cho đến nay một số đền thờ hay khu nghĩa địa cổ vẫn còn thờ tượng Kut có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVI, XVII. Đó là cơ sở khoa học chắc chắn để khẳng định sự xuất hiện loại hình nghĩa địa tượng Kut mà thời gian trước đó hàng nhiều thế kỷ không có được.

Tượng Kut và nghĩa địa Kut xưa của người Chăm là di sản văn hóa đặc sắc. Kỳ bí hơn trong những đền thờ vua Chămpa chứa đầy tượng Kut, lớn nhỏ đủ các loại với ý tưởng thể hiện qua điêu khắc, chạm trổ công phu. Mỗi tượng có một dáng vẻ khác nhau và biểu hiện địa vị, thứ bậc trong xã hội đương thời trên từng chi tiết điêu khắc. Có thể phân biệt được dựa trên tượng thờ, vị trí đặt tượng thờ, trong, ngoài, trái phải.

Quan trọng hơn vẫn là tài liệu ghi chép các đời trước để lại. Thông thường trong một ngôi đền thờ vua Chămpa gồm có tượng vua, hoàng hậu và các Kut con của họ đặt trong đền. Còn bên ngoài là Kut của những người có địa vị trong vương triều hay thứ bậc cao trong xã hội, dòng tộc và còn tùy theo đó để có từng dạng thức, mô típ trang trí trên Kut. Những thứ ấy đều có ngôn ngữ riêng, phản ánh mối quan hệ dòng tộc và thứ bậc, tín ngưỡng… mà nếu không được các vị chức sắc có trình độ hiểu biết hướng dẫn thì thật là khó hiểu.

Ở khía cạnh văn hóa tín ngưỡng truyền thống và nghệ thuật điêu khắc, có thể thấy những sưu tập tượng Kut ở cả Ninh Thuận, Bình Thuận thế kỷ XVI, XVII là sự kế tục nền nghệ thuật điêu khắc đá từ các thế kỷ trước phù hợp với tính chất và phong cách tôn giáo và tín ngưỡng thời kỳ này, là sự tiếp nối với ý nghĩa thiêng liêng của tổ tiên.

Sự hoang tàn nghĩa địa Kut

Khoảng nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận còn khá nhiều đền thờ và nghĩa địa Kut nằm cách xa bên ngoài những làng Chăm. Nhiều đền thờ quá lâu đời không ai thờ phụng bị bỏ hoang phế; xen lẫn các khu nghĩa địa Kut cũng trong tình trạng đó, nơi nào cũng thấy tượng Kut nằm lăn lóc bên bờ ruộng, góc rẫy. Đến nỗi mấy lần ông H.Parmentier – nhà nghiên cứu khảo cổ người Pháp. Những năm đầu thế kỷ XX, khi thấy tình trạng đó gọi là bãi tha ma.

Trong một công trình nghiên cứu về văn hóa Chămpa đầu thế kỷ XX, ông viết: “Trong một bán kính chừng vài km quanh huyện Phan Rí Chăm, ta thấy khá nhiều bãi tha ma Chăm hay những tàn tích của lăng, đền… Một bãi tha ma trong tình trạng hoang phế nằm gần đường cái quan, thuộc làng Tri Thoi, tổng Tuần Giáo. Trong phần phía sau có một ngôi đền bằng gỗ hoàn toàn bị phá hủy trong chứa 5 Kut điêu khắc đẹp. Một nhóm Kut khác ở cách huyện Chăm 800 m, thuộc làng người Việt Hậu An, tổng Ninh Hà. Ở đó có 3 Kut sắp ngay hàng cao khoảng 75 cm, có lối trang trí khá công phu…”.

Một lần khi đi ngang qua làng Chăm Palei Marok, người dân chỉ cho ông thấy mộ của mẹ và cha của vua Po Rome. 5 Kut được sắp ngay hàng trên một mô đất, thuộc làng Việt Hòa Thuận, tổng Đa Phước, huyện Hòa Đa. Và còn rất nhiều nghĩa địa như vậy mà H.Parmentier mô tả trong nhiều trang sách và gọi là bãi tha ma hoang tàn.

Những năm 1993 - 1995, Sở VHTT Bình Thuận đã khảo sát hầu hết những điểm nghĩa địa Kut, đền thờ xưa của người Chăm mà theo chỉ dẫn trong tài liệu nghiên cứu của H. Parmentier và sự hướng dẫn trực tiếp về địa lý của một số người cao tuổi, hiểu biết về lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng người Chăm địa phương các xã Phan Hiệp, Phan Thanh và Phan Hòa. Nhưng tất cả đều gần như bị xóa sổ không còn là những nghĩa địa, đền đài và bãi tha ma hoang tàn như xưa nữa, phần lớn đều biến thành các khu ruộng, rẫy của người dân.

Cũng nhờ sự chỉ bảo của người dân, mà 30 năm trước Bảo tàng tỉnh cũng đã chọn lựa, thu hồi một số tượng Kút, trưng bày như là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo. Xen lẫn với những tượng các vị thần, bệ thờ Linga-Yoni và các vật thờ huyền thoại trong văn hóa Chămpa được kết nối từ thế kỷ XVII – XVIII như một chuỗi nghệ thuật nối liền và dài, như chưa hề đứt gãy loại hình nghệ thuật điêu khắc đá.

Tham khảo ý kiến nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Chăm địa phương, các vị chức sắc Bàlamôn, các già làng cho biết có nhiều nguyên nhân làm biến mất các đền thờ, nghĩa địa Kut và các bãi tha ma của người Chăm xưa, nhưng đây là những nguyên nhân chính: Một số dòng tộc không còn người chăm sóc, trông nom hoặc đã di trú đến vùng đất mới xa xôi; một số dòng tộc khác không đủ kinh tế để tu bổ, sửa chữa hay thực hành nhiều lễ nghi tốn kém… dần dần các ngôi đền cổ bị bỏ hoang hóa và sụp đổ.

Những đền thờ và hệ thống tượng Kut còn lại đến ngày nay, ngoài sự chăm nom của các dòng tộc, cùng với quan niệm tiến bộ trong tôn giáo tín ngưỡng và tâm linh của các thế hệ người Chăm và sự quan tâm đầu tư nghiên cứu, tôn tạo bảo tồn di sản văn hóa của Nhà nước. Những kiến trúc đền thờ với những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tượng Kut đặc sắc, là điểm đến cho du lịch khám phá và tìm hiểu các vương triều Chămpa có thật trong lịch sử thế kỷ XVII ở Bình Thuận.

NGUYỄN XUÂN LÝ

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tuong-kut-cua-nguoi-champa-123595.html