Tương lai bất định của ngành dầu khí Anh

Ngành công nghiệp dầu khí của Anh đang đối mặt với nguy cơ bị thu hẹp, do rủi ro trong hoạt động khai thác và chế độ thuế vô cùng khó khăn.

Ngành dầu khí nước Anh đối mặt với nguy cơ bị thu hẹp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Ngành dầu khí nước Anh đối mặt với nguy cơ bị thu hẹp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Dầu khí là một ngành kinh doanh nhiều rủi ro. Ông David Latin, Chủ tịch tập đoàn Serica Energy - nhà sản xuất dầu khí ở Biển Bắc, cho biết giá năng lượng biến động và bản chất không ổn định của việc khoan dưới đáy biển là một phần không thể thiếu của ngành này. Ông Latin đã điều hành hoạt động tại các mỏ dầu khí tại Libya, từng bị đe dọa phong tỏa và tấn công quân sự khi nước này diễn ra nội chiến. Ông ví trải nghiệm đó giống như hoạt động kinh doanh ở Anh hiện nay, nơi chế độ thuế hỗn loạn khiến việc đầu tư trở nên "bất khả thi".

Trong gần 50 năm qua, nước Anh chủ yếu sử dụng nguồn dầu khí khai thác ở Biển Bắc. Nhưng Chính phủ Anh đã đặt mục tiêu giảm phát thải về 0 vào năm 2050. Điều này đòi hỏi Anh cần phải nhanh chóng chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch và do đó, ngành công nghiệp dầu khí sẽ bị thu hẹp. Chính phủ Công đảng đã cam kết không cấp phép thăm dò các mỏ dầu khí mới trên thềm lục địa của nước này, nhưng một số dự án đã được cấp phép sẽ kéo dài đến sau năm 2050. Các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp dầu khí của Anh cho biết cơ chế tài chính không chắc chắn, đang khiến quá trình chuyển đổi năng lượng trở nên khó khăn hơn.

Phần lớn sự biến động này xuất phát từ việc Chính phủ Anh siết chặt hệ thống thuế. Năm 2022, Thủ tướng Rishi Sunak đã đưa ra chính sách thuế lợi nhuận năng lượng (EPL) lên tới 25% áp dụng cho các công ty dầu khí. Bảy tháng sau, mức thuế này được tăng lên 35%. Ban đầu, chính sách thuế mới dự kiến kết thúc vào năm 2025, nhưng đã được gia hạn đến năm 2028 và sau đó là năm 2029. Hơn nữa, thay vì áp dụng thuế một lần đối với lợi nhuận cao do giá dầu và khí đốt tăng đột biến sau khi châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột Nga – Ukraine, Chính phủ Anh đã quyết định duy trì loại thuế kéo dài và bị điều chỉnh liên tục.

Với sự thay đổi bộ máy chính trị mới, mọi chuyện dường như vẫn “chưa đến hồi kết”. Giá dầu và khí đốt tại Anh đã giảm xuống dưới mức cao nhất của năm 2022. Tuy nhiên, EPL sẽ được tăng lên 38% từ tháng 11/2024 và gia hạn đến tháng 3/2030. Cộng thêm thuế doanh nghiệp và khoản phụ thu hiện có đối với lợi nhuận từ hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Bắc, mức thuế này sẽ nâng tỷ lệ thuế thực tế lên 78% - một trong những mức thuế cao nhất thế giới. Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves cho biết bà muốn bãi bỏ khoản trợ cấp đầu tư 29% "hào phóng quá mức" trích lại từ khoản thuế này (cho phép các công ty đòi hoàn lại một số chi phí thăm dò của họ).

Na Uy cũng có mức thuế cao tương đương Anh. Nhưng quốc gia Bắc Âu này đã làm nhiều hơn để giảm bớt tác động, cho phép các nhà sản xuất được yêu cầu hoàn lại toàn bộ chi phí thăm dò của họ. Na Uy cũng có sự ổn định hơn nhờ việc duy trì cùng một mức thuế trong gần ba thập kỷ. Hơn nữa, các mỏ dầu khí của Anh thường có tuổi đời cao, điều này góp phần làm tăng chi phí vận hành. Theo ông Steve Bowyer, nhà quản lý tài sản Biển Bắc tại EnQuest – công ty khai thác dầu khí ở Aberdeen, Anh có "một trong những chi phí hòa vốn cao nhất và chi phí sản xuất trên mỗi thùng dầu cao nhất thế giới".

Các công ty Anh vẫn tiếp tục đầu tư vào lưu vực Biển Bắc, ngay cả khi các công ty có quy mô toàn cầu, bao gồm Shell và ExxonMobil, đang tìm kiếm nguồn lợi nhuận cao hơn ở những nơi khác. Nhưng các ngân hàng Anh không còn tài trợ cho các dự án của doanh nghiệp dầu khí nữa và ngành công nghiệp năng lượng truyền thống không thể trông chờ nhận được thiện cảm từ công chúng. Mặc dù vậy, Serica - công ty sản xuất 5% khí đốt tự nhiên của Anh – cho biết việc chuyển sang năng lượng sạch không giống một sự chuyển đổi tích cực mà giống như đi bên bờ vực thẳm.

Harbour Energy, nhà sản xuất dầu khí lớn nhất Biển Bắc, đã cắt giảm đầu tư và hàng trăm việc làm. EnQuest có thể chuyển hướng đầu tư sang Đông Nam Á. Theo Stifel, một ngân hàng đầu tư tại Anh, việc chính phủ tăng thuế có thể khiến đầu tư của Anh giảm 55% trong thập kỷ tới, khoảng 20 tỷ bảng Anh (25,4 tỷ USD). Một sự suy giảm đầu tư mạnh có nguy cơ khiến người lao động bị mất việc và khó chuyển đổi kỹ năng để tìm việc làm mới. Câu chuyện này sẽ giống như những gì đã xảy ra khi hàng loạt mỏ than của Anh đóng cửa vào những năm 1980. Nó cũng sẽ đẩy nhanh chi phí ngừng hoạt động và một số công ty có thể hoãn chuyển đầu tư của họ sang các dự án xanh.

Cuối cùng, Anh vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Lượng dầu nhập khẩu có khả năng tăng lên khi các hoạt động khai thác tại Biển Bắc dần bị thu hẹp và thậm chí biến mất. 3/4 năng lượng của Anh vẫn đến từ dầu khí. Ước tính, vào giữa những năm 2030, con số này sẽ là 1/2.

Phong Hà (P/v TTXVN tại London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tuong-lai-bat-dinh-cua-nganh-dau-khi-anh/344246.html