Tương lai Covid-19 đang đi về đâu?

Các chuyên gia y tế đã đưa ra những thách thức và triển vọng ứng phó với Covid-19, khi thế giới bước sang năm thứ 5 phòng chống dịch bệnh.

 Thế giới đã bước qua năm thứ 5 phòng chống Covid-19. Ảnh: Đại học Bác sĩ Đa khoa Hoàng gia Australia.

Thế giới đã bước qua năm thứ 5 phòng chống Covid-19. Ảnh: Đại học Bác sĩ Đa khoa Hoàng gia Australia.

Đã có hơn 774 triệu trường hợp mắc Covid-19 và 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận vào tháng 12/2019. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca mắc đã giảm so với thời đỉnh dịch, nhưng đây vẫn là mối lo sức khỏe toàn cầu.

Theo AARP, có 4 dự báo liên quan đến Covid-19 được dự báo sẽ xuất hiện trong năm 2024, thời điểm thế giới bước sang năm thứ 5 phòng chống dịch.

Làn sóng lây nhiễm khó đoán

Những tháng thời tiết lạnh thường gắn liền với các bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, khác với cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV) vốn thường bùng phát vào mùa thu vào mùa đông, Covid-19 không có một thời điểm cố định. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm Covid-19 lại có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Andrew Pekosz, giáo sư vi sinh học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, nói rằng nếu Covid-19 trở thành virus theo mùa, điều đó sẽ giúp các nhà khoa học dễ kiểm soát hơn.

“Các phương pháp tiếp cận tiêm chủng và các thông điệp y tế sẽ dễ dàng hơn so với việc dịch bệnh xuất hiện quanh năm và chúng ta chỉ chờ khi những làn sóng bùng phát khó lường xuất hiện”, ông nói.

Việc biết trước thời điểm nào bùng dịch cũng sẽ giúp bệnh viện và bác sĩ chuẩn bị tốt hơn khi đông bệnh nhân.

Liên tục xuất hiện biến thể

Các chuyên gia virus học cho biết những biến thể mới có thể sẽ xuất hiện trong năm 2024. Virus đã liên tục có những thay đổi kể từ khi chủng Omicron xuất hiện vào năm 2021.

JN.1 đang là biến thể được theo dõi sát sao, nhằm tìm dấu hiệu nếu JN.1 nghiêm trọng hơn các biến thể trước đây. Đang là biến thể trội trên toàn cầu, JN.1 hiện chưa được chứng minh là gây thêm những triệu chứng khác với các biến thể trước đây.

Bên cạnh JN.1, các nhà khoa học tại Mỹ mới đây đang theo dõi một chủng mới chưa xuất hiện tại nước này: BA.2.87.1. Chủng virus này mới chỉ được phát hiện tại Nam Phi, theo U.S. News.

“Chỉ có 9 trường hợp lây nhiễm được phát hiện ở một quốc gia kể từ khi thu thập mẫu xét nghiệm vào tháng 9/2023 cho thấy chủng này dường như không có khả năng lây nhiễm cao, ít nhất là cho đến lúc này”, CDC Mỹ cho biết.

Điều khiến BA.2.87.1 nhận được sự chú ý từ các chuyên gia dịch tễ là chúng có tính đột biến cao, khi có hơn 30 thay đổi trong protein gai so với chủng XBB.1.5, vốn là chủng được nghiên cứu để cho ra vaccine mới nhất.

Ziyad Al-Aly, trợ lý giáo sư y khoa tại Trường Y thuộc Đại học Washington, Mỹ, cho rằng nếu virus tiến hóa theo một hướng khác và vaccine hiện tại không còn hiệu quả sẽ đặt thêm thách thức tạo ra vaccine hay thuốc kháng virus mới.

Các chuyên gia dịch tế cho biết virus càng lưu hành trong dân chúng thì càng có khả năng xuất hiện đột biến. Do đó, mỗi người bảo vệ bản thân và người khác khỏi Covid-19 cũng là góp phần giảm nguy cơ xuất hiện các biến thể mới.

 Kiểm tra nhiệt độ tại sân bay Debrecen, Hungary. Ảnh: Zsolt Czegledi/EPA/Shutterstock.

Kiểm tra nhiệt độ tại sân bay Debrecen, Hungary. Ảnh: Zsolt Czegledi/EPA/Shutterstock.

Bí ẩn hội chứng hậu Covid-19

Hàng triệu người sau khi khỏi Covid-19 phải trải qua các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, hiện tượng được các nhà khoa học coi là triệu chứng Covid-19 kéo dài.

Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học, trưởng nhóm ứng phó Covid-19 tại WHO, nói rằng Covid-19 vẫn gây nên mối lo mắc Covid-19 kéo dài và nguy cơ tái nhiễm.

“Chúng tôi không chỉ lo lắng về các ca bệnh cấp tính, mà còn tình trạng hậu Covid-19, cùng nguy cơ tái nhiễm trong thời gian dài, có thể sau 5,10 hay 20 năm nữa”, bà nói.

Vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về tình trạng này, nhưng điều đó có thể sớm thay đổi, ông Al-Aly nói. “Tôi nghĩ hy vọng năm 2024 sẽ cho chúng ta nhiều câu trả lời hơn hiện tại”.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) gần đây đã triển khai các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn để hiểu rõ hơn và tìm ra cách điều trị tình trạng Covid-19 kéo dài.

Một nghiên cứu đang được tiến hành là đánh giá liệu thuốc kháng virus Paxlovid có giúp cải thiện những triệu chứng của Covid-19 kéo dài hay không. Các nghiên cứu khác cũng tập trung can thiệp để chữa chứng sương mù não, mất trí nhớ và các biến chứng nhận thức khác do Covid-19 kéo dài gây ra.

Trong năm nay, ông Al-Aly hy vọng giới khoa học sẽ khám phá được cơ chế của Covid-19 kéo dài, bằng cách nào và tại sao triệu chứng này xuất hiện.

“Tôi hy vọng năm 2024 không chỉ nâng cao nhận thức quốc gia về Covid-19 kéo dài mà còn cách giải quyết nó”, ông nói.

Khả năng có vaccine mới

Với những thay đổi từ các biến thể mới của virus, có khả năng vaccine Covid-19 sẽ được cải tiến để phù hợp, tương tự vaccine cúm không ngừng được phát triển.

Trong năm nay, các nhà khoa học cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu một loại vaccine kết hợp phòng cúm và Covid-19, nhằm mang đến sự bảo vệ kép chỉ với một liều. Dữ liệu thử nghiệm ban đầu đã mang lại kết quả tích cực và đang thực hiện các nghiên cứu ở giai đoạn 3.

“Tôi rất hào hứng với kế hoạch này. Việc tiêm vaccine Covid-19 cũng quan trọng không kém vaccine cúm. Nhưng hiện nay, đang có sự khác biệt về tỷ lệ tiêm chủng tại Mỹ”, ông Andrew Pekosz, giáo sư vi sinh học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, nói.

Theo dữ liệu từ CDC Mỹ, tính đến tháng 12/2023, khoảng 42% người trưởng thành đã tiêm vaccine cúm, trong khi tỷ lệ người trưởng thành tiêm vaccine Covid-19 mới chỉ là 18%.

Trong báo cáo của WHO hồi 16/1, cơ quan này cho biết vaccine đã cứu sống ít nhất 1,4 triệu người châu Âu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, cho biết con số này chứng minh tính hiệu quả của vaccine, đồng thời khuyến cáo những người có nguy cơ cao nên tiêm liều tăng cường.

Hoàng Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tuong-lai-covid-19-dang-di-ve-dau-post1460502.html