Tương lai của báo chí là cộng sinh với mạng xã hội

Theo báo cáo của Pew Research Center và Reuters Institute for the Study of Journalism, thói quen đọc tin tức trên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Hiện nay, khoảng 50% người lớn ở Mỹ thường xuyên nhận tin tức từ mạng xã hội.

Facebook là nền tảng phổ biến nhất, với 30% người lớn thường xuyên cập nhật tin tức tại đây, tiếp theo là YouTube với 26%, và Instagram với 16%. TikTok, dù chỉ mới nổi trong vài năm gần đây, đã thu hút 14% người lớn thường xuyên nhận tin tức từ nền tảng này. Ðáng chú ý, đối với nhóm tuổi từ 18-24, mạng xã hội trở thành nguồn tin tức chính, với 41% ở Anh cho biết họ chủ yếu dùng mạng xã hội để cập nhật tin tức.

Một báo cáo của VinaResearch cho biết, thói quen đọc tin tức của người Việt Nam ngày càng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi mạng xã hội. Người dùng Việt Nam trung bình dành khoảng 2,12 giờ mỗi ngày để truy cập mạng xã hội, và thời gian dành cho Facebook là nhiều nhất, khoảng 3,55 giờ mỗi ngày. Phần lớn người dùng truy cập mạng xã hội để cập nhật tin tức, với tỷ lệ lên tới 71,7%. Đáng chú ý, Marketing AI cho rằng, thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z và Gen Y, có xu hướng sử dụng TikTok và Instagram để cập nhật tin tức và giải trí, mặc dù Facebook và YouTube vẫn là lựa chọn hàng đầu cho việc xem video và đọc tin tức.

Mạng xã hội không phải là dấu chấm hết cho báo chí, nhưng cũng không phải là giải pháp tuyệt đối cho báo chí trong kỷ nguyên số.

Mạng xã hội không phải là dấu chấm hết cho báo chí, nhưng cũng không phải là giải pháp tuyệt đối cho báo chí trong kỷ nguyên số.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Trong thời đại kỹ thuật số, các cơ quan báo chí ngày càng tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để mở rộng tầm ảnh hưởng và tiếp cận công chúng một cách hiệu quả. Các tờ báo thiết lập trang mạng xã hội trên các nền tảng Facebook, Twitter, Instagram, thậm chí cả TikTok, để chia sẻ bài viết và video, tạo sự hiện diện mạnh mẽ trên không gian mạng. Việc này không chỉ giúp họ lan tỏa tin tức nhanh chóng mà còn thu hút người đọc truy cập trực tiếp vào các trang báo điện tử để đọc chi tiết hơn. Cổng thông tin điện tử Chính phủ là một ví dụ thành công vượt trội khi hiện diện trên Facebook, với số lượng đăng ký theo dõi thường xuyên đạt 4,5 triệu người. Lượng tương tác với các bài đăng rất ấn tượng, dao động từ vài ngàn đến vài chục ngàn lượt thích, chia sẻ và bình luận mỗi bài. Các cơ quan báo chí lớn cũng có lượng follower rất ấn tượng, như VnExpress (4,3 triệu), Tuổi Trẻ (2,8 triệu), VTV3 (4,8 triệu)…

Tuy vậy, thách thức thật sự đến với các cơ quan báo chí khi công chúng ngày càng tin tưởng vào tin tức họ đọc qua mạng xã hội. Tốc độ lan truyền tin trên mạng nhanh hơn nhiều so với báo chí.

Thậm chí người ta bắt đầu không cần nhấp vào các đường link truy cập vào các trang thông tin nữa. Mạng xã hội từng trở thành kênh phân phối tin tức quan trọng, giúp tin tức lan tỏa nhanh chóng và tiếp cận đến nhiều độc giả hơn, đã bắt đầu bộc lộ tác động ngược chiều, làm cho báo chí không còn là những kênh thông tin độc quyền nữa.

Điều này cũng dẫn đến việc gia tăng thông tin sai lệch và tin giả, gây thách thức lớn cho các nhà báo và tổ chức báo chí trong việc duy trì tính chính xác và độ tin cậy.

Báo chí - mạng xã hội: "Sống riêng" hay cộng sinh?
Lời tòa soạn: Báo chí đã chịu sức ép rất lớn từ khi mạng xã hội ra đời và câu hỏi "sống riêng" hay cộng sinh, hay biến đổi như thế nào sẽ được bàn luận ở dưới đây với hai góc nhìn, thứ nhất là một chuyên gia ngành truyền thông, thứ hai là góc nhìn từ trí tuệ nhân tạo (AI).

Chính báo chí đã nhận ra mạng xã hội là những kẻ cạnh tranh không thân thiện. Một mặt họ yêu cầu các ông chủ mạng xã hội phải chi trả cho những nội dung mà báo chí dày công sản xuất, sáng tạo. Mặt khác, họ phải tìm kiếm các biện pháp mới để cạnh tranh với mô hình báo chí không cần có người sáng tạo nội dung ăn lương.

Mạng xã hội cũng phản pháo. Facebook đã quyết định chặn tất cả các nội dung tin tức từ các tổ chức báo chí Canada trên nền tảng của họ. Động thái này xảy ra sau khi chính phủ Canada thông qua Đạo luật Tin tức Trực tuyến, yêu cầu các công ty mạng xã hội lớn như Facebook phải trả phí cho các tổ chức báo chí khi nội dung của họ được chia sẻ trên các nền tảng này.

Tương tự, Facebook đã chặn các liên kết tin tức từ các tờ báo Australia khi chính phủ nước này giới thiệu Bộ Luật Thương lượng Truyền thông, yêu cầu các nền tảng như Google và Facebook phải trả tiền cho các tổ chức báo chí khi sử dụng nội dung của họ. Facebook đã phản ứng bằng cách cấm tất cả các nội dung tin tức trên nền tảng của mình, dẫn đến nhiều trang báo bị mất khả năng tiếp cận độc giả thông qua mạng xã hội này.

Sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng mạng xã hội đã gây khó khăn cho các tờ báo trong việc duy trì doanh thu từ quảng cáo, khiến nhiều tờ báo truyền thống phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, tìm kiếm nguồn doanh thu mới thông qua đăng ký trả phí hoặc hợp tác quảng cáo. Sự tương tác trực tiếp giữa nhà báo và độc giả qua mạng xã hội cũng mang lại những cơ hội mới, nhưng đồng thời đòi hỏi báo chí phải linh hoạt và đổi mới không ngừng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.

Mô hình cộng sinh

Sự tồn tại giữa báo chí và mạng xã hội giống như “frienemies” - những người bạn không thân thiện, vừa cộng sinh vừa cạnh tranh lẫn nhau trong cuộc chiến thông tin.

Báo chí rõ ràng không còn có lợi thế về tốc độ thông tin nữa, vì nội dung cần được thẩm tra, xác minh và nhất là phải được đầu tư thời gian đảm bảo chất lượng.

Trong khi đó, mạng xã hội, với đặc trưng là truyền thông cá nhân, ít chịu trách nhiệm với độ chính xác của thông tin, lại không cần tuân thủ các chuẩn mực về sản phẩm truyền thông, có thể nhanh hơn nhiều so với báo chí chính thống. Báo chí bắt buộc phải tìm đến những giải pháp cộng sinh khác, phát huy được ưu thế của mình.

Nhiều chuyên gia nhận định, năng lực cạnh tranh của báo chí sẽ nằm ở chất lượng thông tin, sự chỉn chu, có trách nhiệm với độ chính xác của thông tin, và nhất là chiều sâu và sự thấu đáo trong việc khai thác thông tin đa chiều, đa nền tảng.

Các tờ báo hàng đầu như The New York Times, The Guardian và BBC đã đầu tư mạnh vào đội ngũ phóng viên điều tra chuyên nghiệp, nhằm cung cấp những bài viết có giá trị, độc quyền và có độ tin cậy cao. Những bài báo này không chỉ dừng lại ở việc đưa tin mà còn phân tích, lý giải và cung cấp bối cảnh sâu rộng cho các sự kiện, giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề. Thay vì chạy đua về tốc độ, báo chí sẽ có lợi thế khi chậm lại - chúng ta quen gọi với thuật ngữ “slow journalism” - để đầu tư cho chất lượng nội dung.

Một yếu tố quan trọng khác là việc kiểm chứng thông tin và chống tin giả. Các tờ báo uy tín thường có quy trình kiểm chứng nghiêm ngặt trước khi xuất bản bất kỳ thông tin nào.

Điều này không chỉ giúp bảo vệ uy tín của họ mà còn tạo niềm tin cho độc giả rằng những gì họ đọc là chính xác và đáng tin cậy. Các tổ chức báo chí cũng tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế nhằm phát hiện và ngăn chặn sự lan truyền của tin giả trên mạng xã hội.

Mặt khác, sự tương tác giữa các nhà báo và độc giả trên mạng xã hội cũng có thể khai thác như một thế mạnh của báo chí, cho phép công chúng tham gia vào các cuộc thảo luận và phản hồi ngay lập tức về các sự kiện thời sự. Hơn nữa, các thuật toán của mạng xã hội giúp cá nhân hóa nội dung tin tức, đưa các bài viết phù hợp với sở thích của từng người dùng, tăng khả năng giữ chân độc giả.

Điều này không chỉ nâng cao trải nghiệm đọc tin tức mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mô hình kinh doanh mới, như đăng ký trả phí hoặc quảng cáo trực tuyến.

Báo chí vẫn sẽ cần hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội, tận dụng các nền tảng mạng xã hội với sức mạnh đa nền tảng để thu hút độc giả quay trở lại trang web chính của mình, nơi cung cấp nội dung chi tiết và chuyên sâu hơn. Họ sử dụng các bài viết ngắn, video, và đồ họa thông tin để gây hứng thú, từ đó dẫn dắt độc giả đến các bài báo dài hơn và phức tạp hơn trên trang web của họ.

Mạng xã hội không phải là dấu chấm hết cho báo chí, nhưng cũng không phải là giải pháp tuyệt đối cho báo chí trong kỷ nguyên số. Sự chiến thắng – hay nói đúng hơn là sự tồn tại của báo chí phụ thuộc vào việc bỏ sở đoản, tập trung vào sở trường, và trở thành những nguồn tin xác tín.

Chuyên gia truyền thông LÊ QUỐC VINH (Chủ tịch Le Group of Companies)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tuong-lai-cua-bao-chi-la-cong-sinh-voi-mang-xa-hoi-10284033.html