Tương lai của ngành xuất khẩu lớn nhất Đồng Nai
Giày dép là ngành xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai, mỗi năm thu về hơn 4 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu giày dép được hơn 2,2 tỷ USD. Tuy sản xuất, xuất khẩu có dấu hiệu sáng hơn nhưng ngành này vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu giày dép lớn thứ 2 trên thế giới. Năm 2024, Việt Nam đặt ra mục tiêu sẽ xuất khẩu giày dép từ 26-27 tỷ USD, tăng 2-3 tỷ USD so với năm 2023. Trong 5 tháng đầu năm nay, giày dép xuất khẩu được gần 8,64 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành xuất khẩu giày dép lớn nhất cả nước.
Vẫn tiềm ẩn rủi ro
Tại Đồng Nai, mặt hàng giày dép chiếm tỷ lệ hơn 19% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu giày dép tăng hơn 8,2% và sản phẩm đã bán qua hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất giày dép trên địa bàn tỉnh đa số có trình độ chuyên môn cao, hoàn thành được những đơn hàng khó trong thời gian ngắn nên được nhiều thương hiệu quốc tế như: Nike, Adidas, Reebok, Puma, Vans, New Balance… đặt hàng.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Tổng giám đốc của Tập đoàn Phong Thái, ở Đồng Nai, tập đoàn có 5 công ty thành viên là: Công ty TNHH Dona Pacific Việt Nam, Công ty TNHH Đông Phương Đồng Nai Việt Nam, Công ty TNHH Giày Đồng Nai Việt Vinh, Công ty TNHH Dona Victor Molds, Công ty TNHH Giày Dona Standard chuyên sản xuất giày cho thương hiệu Nike. Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất, xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi khá hơn so với năm 2023, nhưng chưa được như thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
“Do đơn hàng chưa nhiều nên lao động trong các công ty của tập đoàn làm việc không tăng ca. Gần đây, xung đột từ Biển Đỏ khiến thời gian vận chuyển hàng hóa lâu và tốn chi phí hơn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của các công ty” - ông Thanh cho biết thêm.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu giày dép 6 tháng cuối năm 2024 sẽ tốt hơn so với đầu năm nhưng chưa có sự tăng trưởng đột phá như mong muốn của DN, bởi kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với những rủi ro từ xung đột chính trị, thương mại, thiên tai… Khả năng qua năm 2025, xuất khẩu giày dép phục hồi được như lúc chưa xảy ra đại dịch Covid-19.
Giày dép sản xuất tại Đồng Nai xuất qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng thị trường chính vẫn là Hoa Kỳ, châu Âu nên chịu tác động rất lớn từ xung đột Biển Đỏ khi thời gian vận chuyển hàng hóa tăng gấp 1,5 lần, chi phí tăng từ 10-20%. Ngoài xuất khẩu thì nhập khẩu nguyên liệu cũng chịu tác động tương tự.
Phó giám đốc Công ty CP Giày dép Cao Su Màu (thành phố Biên Hòa) Trần Quốc Bảo cho hay, giày dép của công ty sản xuất ra có đến 80% xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tuy sản xuất, xuất khẩu có sự phục hồi tốt hơn so với năm 2023 nhưng DN vẫn thiếu những đơn hàng lớn, dài hạn. Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 20%, song giá xuất khẩu không tăng nên lợi nhuận của DN bị thu hẹp. Có những đơn hàng DN sản xuất không lợi nhuận nhưng vẫn ký hợp đồng để đảm bảo việc làm cho người lao động.
Trông đợi vào dịp cuối năm
Mỗi năm, giày dép có 2 vụ sản xuất chính là đầu năm và cuối năm. Đầu năm 2024, sản xuất, xuất khẩu giày dép của Việt Nam dần phục hồi và dấu hiệu ngày càng tốt lên. Do đó, các DN đang kỳ vọng mùa sản xuất cuối năm sẽ có sự tăng trưởng đột phá. Giày dép, túi xách cũng là ngành hàng tận dụng được nhiều lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Trong đó, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Gần đây, nhiều tập đoàn bán lẻ đa quốc gia đã đến Việt Nam để tìm thêm nguồn cung ứng hàng hóa cho các hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng. Giày dép là mặt hàng được nhiều khách hàng tìm kiếm để đặt hàng. Theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới trong những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi tốt hơn so với đầu năm. Như vậy, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng cũng tăng, sẽ là cơ hội để DN giày dép và các ngành hàng khác mở rộng xuất khẩu.
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) Vưu Lệ Minh chia sẻ, DN sản xuất giày dép mang thương hiệu Bitis’, thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu. Hiện sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Bitis’ chưa trở lại được như thời điểm năm 2019. DN đang kỳ vọng những tháng cuối năm người tiêu dùng trong nước, nước ngoài sẽ mua sắm nhiều hơn, giúp cho ngành giày dép khôi phục sản xuất, kinh doanh như thời điểm chưa xuất hiện đại dịch Covid-19.
Tuy là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu giày dép nhưng có đến hơn 70% nguyên liệu cho ngành này phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… Do đó, sản xuất giày dép của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng thấp. Vì vậy, chủ động được nguyên liệu, có đội ngũ thiết kế tốt để đa dạng mẫu mã, xây dựng các thương hiệu riêng sẽ giúp ngành giày dép đem về lợi nhuận cao.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn, ngành giày dép Việt Nam đang nỗ lực hình thành chuỗi sản xuất, khuyến khích DN đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, đào tạo nguồn nhân lực về thiết kế. Từ đó, hình thành chuỗi sản xuất tạo ra những sản phẩm có chất lượng từ trung bình đến cao cấp cho nhiều thị trường, không quá lệ thuộc vào gia công cho các thương hiệu.
Tại Đồng Nai có nhiều DN trong nước, nước ngoài đặt nhà máy sản xuất giày dép nhưng đa số là gia công cho các thương hiệu quốc tế. Số DN xây dựng được thương hiệu riêng để tiêu thụ sản phẩm trong nước, xuất khẩu rất ít.