Tương lai của sách: Cách mạng hóa nhờ công nghệ XR
Công nghệ thực tế mở rộng (XR) có thể giúp cách mạng hóa ngành xuất bản bằng cách mang đến những phương pháp mới để tác giả thu hút độc giả vào câu chuyện của mình, theo World Economic Forum.
Suốt nhiều thế hệ qua, ngành xuất bản thế giới chịu ảnh hưởng của một nhóm người gác cổng chặt chẽ. Ngành ưa chuộng các hình thức đã được thiết lập, thường coi trọng các thể loại có thể bán được và các cách tiếp cận quen thuộc.
Nhiều câu chuyện không theo quy ước cũ, vượt qua ranh giới các thể loại hay thử nghiệm những phương thức kể chuyện mới có tỷ lệ cao bị bỏ lại trong đống bản thảo của biên tập viên.
Ngành xuất bản đang cần một bước đột phá. Và công nghệ có thể là chìa khóa cho sự phát triển tiếp theo.
Công nghệ XR: Vượt ra ngoài trang in
Công nghệ XR là thuật ngữ chỉ thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), thực tế hỗn hợp (MR) và các hình thức công nghệ nhập vai khác kết hợp kỹ thuật số với thế giới thực.
Với XR, sách không nhất thiết phải là văn bản tĩnh mà có thể là các câu chuyện tương tác. Người đọc có thể trải nghiệm câu chuyện trong một không gian ảo, nơi mọi thứ diễn ra trước mắt họ. Họ cũng có thể tương tác với các nhân vật hoặc khám phá ra các cốt truyện khác giúp họ hiểu sâu hơn nội dung.

XR có thể đưa ngành xuất bản trở nên đa dạng hơn và đến gần độc giả hơn nữa. Ảnh: Learn Lab.
Sự kết hợp giữa văn học và công nghệ này không chỉ khiến việc đọc trở nên thú vị hơn mà còn thay đổi bản chất của việc đọc. Cách tiếp cận mới biến việc kể chuyện từ một chiều (tác giả đến độc giả) thành trải nghiệm tương tác, trong đó lựa chọn của người đọc có thể ảnh hưởng đến câu chuyện.
Người đọc sẽ trải nghiệm câu chuyện bằng nhiều giác quan hơn và thậm chí có thể tác động hoặc thay đổi câu chuyện thông qua trò chơi nhập vai. Thay vì chỉ tưởng tượng ra một địa điểm, họ có thể thực sự đặt chân tới đó. Thay vì được kể về cảm xúc của nhân vật, họ có thể đứng cạnh nhân vật và tận mắt chứng kiến cuộc đấu tranh nội tâm đó.
Công nghệ đã thay đổi cách kể chuyện như thế nào?
Máy in đã cách mạng hóa văn học bằng cách giúp sách dễ tiếp cận hơn. Phát thanh và truyền hình đã cách mạng hóa việc truyền tải câu chuyện. Sách điện tử mang đến sự tiện lợi và tính di động. Còn công nghệ XR sẽ đẩy ranh giới tiến thêm một bước nữa, kết hợp sách với phương tiện tương tác để tạo ra một mô hình tương tác mới. Công nghệ đang chờ cấp bằng sáng chế này sẽ có thể tiếp cận được với người dùng trong một đến hai năm tới.
Và công nghệ này không chỉ giới hạn dùng cho tiểu thuyết. Ở trường học, sách giáo khoa XR có thể cho phép học sinh mổ xẻ các tế bào ảo trong lớp sinh học, trải qua những bước ngoặt trong lịch sử hoặc xem các phương trình toán học phức tạp trong thời gian thực. Các khái niệm trừu tượng có thể trở nên sống động, việc học thụ động trở nên chủ động.
Ngay cả báo chí và tác phẩm phi hư cấu cũng có thể hưởng lợi. Một ví dụ là các cuốn hồi ký được tích hợp XR giúp người đọc có thể nhìn thấy thế giới được mô tả, xem khung cảnh được lưu trữ và lắng nghe lời kể chuyện được truyền tải trong sách.
Những thách thức đối với công nghệ XR
Mặc dù có nhiều tiềm năng, xuất bản cùng XR sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn. Trái ngược với tiểu thuyết, phần lớn được sản xuất bởi một tác giả và một biên tập viên, sách XR cần sự tham gia đông đảo hơn, từ các kỹ sư, nhà thiết kế và nhà phát triển phần mềm. Điều này sẽ đẩy chi phí lên cao và làm cho quá trình sáng tạo trở nên phức tạp hơn.
Khả năng truy cập là một vấn đề khác. Mặc dù các thiết bị kỹ thuật số có mặt ở mọi nơi, không phải độc giả nào cũng có thể trả tiền cho phần cứng AR hoặc VR cao cấp. Để sách XR hoạt động trên quy mô lớn, chúng phải trở nên dễ tiếp cận, có thể sử dụng được trên nhiều loại thiết bị, từ điện thoại thông minh đến tai nghe VR.
Ngoài ra còn có các vấn đề về sở hữu trí tuệ và pháp lý. Sách không liên quan đến bằng sáng chế, nhưng công nghệ hỗ trợ và tương tác XR đang trong tình trạng chờ cấp bằng sáng chế và do đó hạn chế khả năng sớm triển khai công nghệ mới này.
Và điều gì sẽ xảy ra với luật bản quyền khi có những phương tiện kể chuyện mới? Tiền bản quyền sẽ được trả cho các nhà văn, nhà phát triển và nhà xuất bản như thế nào? Nếu không có các hướng dẫn cụ thể, việc áp dụng rộng rãi sách XR cũng là một thách thức đối với ngành xuất bản.
Vượt lên những khó khăn này, quá trình hướng tới phát triển sách XR đã và đang diễn ra khi độc giả ngày càng khao khát sự tương tác. Thay vì được cho là môt thế lực thách thức xuất bản truyền thống, công nghệ XR nên được coi là cơ hội đưa ngành xuất bản đi đến tương lai.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tuong-lai-cua-sach-cach-mang-hoa-nho-cong-nghe-xr-post1542363.html