Tương lai của tiền mặt ở Việt Nam như thế nào?

Từ xã hội dùng tiền mặt là phổ biến đến một xã hội rất ít sử dụng tiền mặt và rồi tương lai của tiền mặt như thế nào. Đó là hai hành trình dài và thú vị.

Ở Việt Nam, xã hội không dùng tiền mặt đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ với ngày 16-6 được đề xuất thành Ngày khuyến mãi toàn quốc – Cashless Day. Trong khi một trong những quốc gia phát triển như Úc lại tổ chức Ngày rút tiền mặt, hôm 2-4 vừa qua nhằm duy trì sự tồn tại của tiền mặt.

Người Úc mất gần 1 tỉ đô la khi xài thẻ

Trong chuyến du lịch kết thúc hồi đầu tháng 6 này, Nguyễn Ngọc Diệp – một nữ nhà báo viết về kinh tế tại Hà Nội – đã rất ngạc nhiên. Cô nói mạng lưới thanh toán điện tử ở các thành phố lớn của Úc giống như ở Việt Nam cách đây khoảng 10 năm, tức là “nhiều nơi dè dặt với thanh toán thẻ và thanh toán thẻ vẫn chịu phí”. Cô nói đây là chuyện khó có thể thấy ở thành phố lớn vào năm 2024.

Ngay từ khi thành lập Timo đã xác định Gen Z là tệp khách chính của mình. Ảnh: Timo

Ngay từ khi thành lập Timo đã xác định Gen Z là tệp khách chính của mình. Ảnh: Timo

Không giống như Anh hay châu Âu, những nơi cấm tính phí thẻ, các nhà bán lẻ ở Úc được phép thu phí thanh toán thẻ, và chuyển phí này qua khách hàng, miễn không thêm phần trăm nào để kiếm lợi nhuận. Theo Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), doanh nghiệp có thể thu trung bình 30 xu Úc đối với một giao dịch ETFPOS 100 đô la Úc, tức 0,3%. Các loại thẻ ghi nợ (debit) có phí trung bình 0,5%. Thẻ tín dụng Visa hay Mastercard chịu phí 0,9%, thẻ American Express chịu phí mắc hơn là 1,3% và Diners Club là 1,7%.

Thanh toán không tiền mặt qua các ứng dụng và thẻ tín dụng trở nên phổ biến ở Úc và nhiều nơi trên thế giới khi dịch Covid-19 bùng phát. Các doanh nghiệp lớn như trung tâm mua sắm, thương hiệu lớn hoặc siêu thị có thể gánh phí thanh toán này.

Giáo sư Steve Worthington thuộc Đại học Swinburne nói rằng tiền mặt đang biến mất khỏi xã hội Úc với tốc độ chóng mặt và người Úc ngày càng có ít cơ hội tiếp xúc với tiền mặt. Bởi trong sáu năm qua, số lượng máy ATM giảm gần 60%, 1.600 chi nhánh ngân hàng đóng cửa, tức giảm 13%. Báo cáo của RBA vào tháng 11-2023 cho thấy, số lượng thanh toán bằng thẻ đã tăng 77,5% trong giai đoạn 2019-2022, dù rằng người dùng phải trả phụ phí với khoảng hơn 960 triệu đô la Úc mỗi năm.

Tiền mặt là một phần văn hóa của không chỉ nước Úc mà còn nhiều nước trên thế giới, với hình ảnh của các nhà lãnh đạo dân tộc, nhân vật lớn xuất hiện trên các tờ tiền mệnh giá khác nhau. “Nhưng phần lớn tiền mặt ở Úc được cất giữ như là của cải”, ông Worthington nói. Theo cách tính của ông, nếu cộng tất cả tiền mặt ở Úc và chia đều cho dân số Úc khoảng 26 triệu người, thì mỗi người sẽ có khoảng 4.000 đô la Úc tiền mặt. “Đây là lý do để mọi người phản đối việc tiền mặt bị xóa sổ”, ông Worthington nói với đài truyền thanh truyền hình SBS.

Hôm 2-4, nhiều người Úc đã lũ lượt đến ngân hàng hay ra cây ATM rút tiền nhằm ủng hộ cho việc sử dụng tiền mặt nhân “Cash Out Day” – Ngày rút tiền mặt ở Úc.

Tuy vậy, tiền mặt không thể tránh được số phận buồn tẻ khi thanh toán điện tử phát triển mạnh. Hôm 20-5, ngân hàng Macquarie Bank thông báo đóng vĩnh viễn các quầy giao dịch tiền mặt tại các chi nhánh, khách không thể rút tiền mặt từ ATM, các quầy giao dịch cũng chấm dứt dùng cheque. Ngân hàng này tuyên bố “đây là một phần của quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình ngân hàng kỹ thuật số”.

Tiến tới xã hội không tiền mặt tại Việt Nam

Cuối thập niên 2000, nhiều công ty tin học Úc đã trúng thầu các hợp đồng lập trình viết biên lai rút tiền và thiết kế máy ATM cho các ngân hàng thương mại Việt Nam. Đó là “thời huy hoàng” của các kỹ sư tin học người Úc, như lời kỹ sư tin học Trần Bích Liên đang sinh sống tại Sydney. “Các kỹ sư làm thầu phụ (subcontractor) như chúng tôi được trả lương rất cao. Nhiều người làm hơn 60 giờ mỗi tuần, tức hơn gấp rưỡi số giờ quy định 38 tiếng mỗi tuần lúc đó”, cô nhớ lại.

Mỗi ngân hàng xây dựng mạng lưới ATM riêng, mỗi tài khoản người dùng được định danh theo huyện, tỉnh hay thành phố. Vì thế, phí nạp tiền mặt và rút tiền mặt được các ngân hàng quy định khác nhau, theo địa điểm của chi nhánh và ATM. Hạn mức rút tiền mỗi lần được “cài sẵn” ở mức 2-3 triệu đồng. Các cây ATM trở thành nơi vui như hội khi đến ngày công nhân lãnh lương và đồng loạt rút tiền.

Năm 2015, Timo Bank thành lập và mở hai chi nhánh Timo Hangout tại TPHCM và Hà Nội một năm sau đó. Đây là ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam, xóa bỏ mọi loại phí rút tiền, chuyển tiền và tin nhắn hàng tháng. Rồi đến lượt các ngân hàng thực hiện định danh điện tử (eKYC), chuyển khoản và rút tiền không tính phí, rồi mã QR.

Năm 2018, theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ người Việt có tài khoản ngân hàng chỉ 40% và đến 90% lượng giao dịch thanh toán là bằng tiền mặt. Đến đầu tháng 5-2024, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, hơn 87% số người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng và nhiều ngân hàng đạt trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh tài chính số. Trong khi đó, thanh toán qua ví điện tử và mã QR tăng trưởng bình quân trên 100% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2023.

Với tốc độ tăng trưởng vũ bão của thanh toán điện tử, liệu tiền mặt sẽ dần biến mất khỏi xã hội Việt Nam, ATM sẽ vắng người và bị dẹp bớt, số chi nhánh ngân hàng cũng bị thu hẹp?

TS. Phạm Nguyễn Anh Huy từ trường Kinh doanh thuộc Đại học RMIT trả lời Kinh tế Sài Gòn rằng: “Tiền mặt không thể biến mất, cũng như không thể bị loại bỏ trước xu thế phát triển của thanh toán điện tử hiện nay. Tuy vậy, người dùng cũng như doanh nghiệp có sự đánh đổi giữa việc sử dụng tiền mặt và thanh toán số”.

Mang theo số tiền lớn và dễ bị tấn công hay mất cắp buộc người dùng phải hạn chế sử dụng tiền mặt, nhằm đổi lấy sự thuận tiện và an toàn của thanh toán điện tử. Đó cũng là sự thách thức lòng trung thành của khách hàng với một thương hiệu. Chẳng hạn, khi các cửa hàng Starbucks tại Việt Nam từ chối thanh toán bằng tiền mặt, khách có thể từ bỏ thương hiệu này để đi tìm tiệm cà phê khác có dùng tiền mặt hoặc phải chuyển sang các hình thức thanh toán điện tử mà Starbucks chấp nhận.

“Đó là sự tồn tại song song của tiền mặt và các hình thức thanh toán điện tử. Điều này cũng giống như sự tồn tại và bổ sung cho nhau giữa ví điện tử và mã QR”, vị tiến sĩ RMIT giải thích.

Nhưng liệu đến một giai đoạn nào đó, xã hội Việt Nam lại quay ra chuộng tiền mặt và có ngày Cash Out Day như ở Úc? TS. Huy cho rằng Cash Out Day chỉ là sự kiện đơn lẻ của một nhóm hay vài tổ chức, không thể là xu hướng của toàn xã hội.

“Tại Việt Nam, một số ít người chưa thạo công nghệ có thể từ chối sử dụng thẻ, ví hay mã quét. Nhưng xu hướng không dùng tiền mặt tại Việt Nam là khó có thể thay đổi hay đảo ngược, nhất là đối với Gen Z (sinh từ năm 1997-2012). Cash Out Day vì thế khó có thể xảy ra ở Việt Nam”, TS. Phạm Nguyễn Anh Huy nhấn mạnh.

Chặng đường để đạt mục tiêu tỷ lệ dưới 8% tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đến cuối năm 2025 vẫn còn dài. Hiện tỷ lệ giảm sử dụng tiền mặt vẫn rất chậm so với tốc độ tăng của thanh toán điện tử. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 1-2024 Việt Nam có 20.986 máy ATM, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ máy POS (chấp nhận thẻ tại điểm thanh toán) là 554.580, tăng hơn 32%.

“Tiền mặt sẽ tiếp tục phổ biến giữa cơn bùng nổ thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam”, theo báo cáo năm 2021 của hãng dịch vụ tài chính FIS ở Mỹ. Báo cáo năm 2023 của FIS nói rằng Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt cao thứ tư trong 40 thị trường FIS khảo sát ở châu Á, sau Thái Lan (46%), Philippines (44%) và Nhật Bản (41%).

Tại các điểm POS ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng tiền mặt là 38% (tương đương Indonesia 38%), ví điện tử 31% và thẻ tín dụng 19%. Trong khi đó, tỷ lệ dùng tiền mặt thấp nhất trên thế giới là New Zealand với 6%, Úc và Trung Quốc cùng 7%, Hồng Kông 9% và Hàn Quốc 10%.

Song Hảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tuong-lai-cua-tien-mat-o-viet-nam-nhu-the-nao/