Tương lai của vaccine Covid-19
Các công ty Ấn Độ và Trung Quốc đang thử nghiệm một số vaccine có thể đưa vào cơ thể mà không cần kim tiêm.
Các loại vaccine Covid-19 đã giúp cứu sống hàng triệu người và tiếp tục cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ, chống lại chuyển biến nặng và tử vong ngay cả khi các biến thể virus dễ lây lan đang lưu hành.
Ngoài vaccine được tiêm vẫn là dạng duy nhất được sử dụng rộng rãi, các phiên bản không tiêm đang được nghiên cứu như một chiến lược để cải thiện khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm. Đặc biệt, vaccine dạng phun và dạng hít được thiết kế để chống lại virus ngay tại vị trí nó xâm nhập vào cơ thể.
Các "ứng viên" sáng giá
Theo ABC, Bharat Biotech là đơn vị sở hữu phương pháp phun vào mũi đã được các nhà quản lý Ấn Độ cho phép sử dụng vào ngày 6/9, một lựa chọn cho những người chưa tiêm chủng.
"Bước đi này giúp tăng cường hiệu quả trong cuộc chiến chống lại đại dịch”, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya cho biết trên Twitter.
Hiện chưa rõ hiệu quả của phương pháp này. Bharat Biotech cũng chưa công bố kết quả nghiên cứu hay cho biết sẽ tung ra sản phẩm vào lúc nào.
Tại Trung Quốc, công ty CanSino Biologics đã thông báo rằng các cơ quan y tế của nước này đã phê duyệt phiên bản dạng hít của vaccine Covid-19 để sử dụng như một liều tăng cường.
Kết quả nghiên cứu sơ bộ do công ty này công bố cho thấy phiên bản này cải thiện khả năng bảo vệ miễn dịch sau một lần hít. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ việc thay đổi này có cải thiện hiệu quả không hoặc bao lâu sẽ có liều tăng cường dạng hít này.
Theo WHO, có hơn 10 ứng cử viên khác nhau trên toàn thế giới trong công cuộc tìm ra phương pháp sử dụng vaccine mới, trong đó CanSino Biologics là một trong hai nhà phát triển đang nghiên cứu cho vaccine dạng hít.
Vaccine dạng phun của Ấn Độ có công thức được phát triển bởi các nhà khoa học Đại học Washington ở St. Louis và cấp phép cho Bharat Biotech sản xuất. Công ty đã tiến hành hai cuộc thử nghiệm, trong đó hai liều vaccine dạng phun được sử dụng cho 3.100 tình nguyện viên chưa được tiêm chủng và một liều tăng cường cho khoảng 875 tình nguyện viên đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19.
Bharat Biotech đang nỗ lực xin phép để vaccine dạng phun được sử dụng như liều tăng cường cho 2/3 số người ở Ấn Độ đã được chủng ngừa.
Khác biệt từ vaccine mới
Thuốc dạng phun của Bharat sử dụng một loại virus cảm lạnh vô hại trên tinh tinh để cung cấp một bản sao của protein tăng đột biến coronavirus đến niêm mạc mũi, từ đó giúp cơ thể phản ứng nếu gặp virus thực sự.
Với dạng hít, CanSino Biologics nghiên cứu trên một loại virus cảm lạnh vô hại tương tự ở người, căn cứ vào đây để chuyển đổi từ vaccine dạng tiêm sang dạng khí dung.
Hiện vaccine này đang được thử nghiệm như một liều tăng cường cho những người đã tiêm ngừa Covid-19.
Nhà miễn dịch học Ashley St. John - Trường Y Duke-NUS, Singapore - cho biết các nhà khoa học đang theo đuổi các lựa chọn vaccine Covid-19 dạng xịt và dạng hít, vì hệ thống miễn dịch có các công cụ chuyên biệt để bảo vệ từng vị trí trong cơ thể theo những cách khác nhau.
“Lợi thế của vaccine qua đường mũi có khả năng loại bỏ virus trước khi nó có cơ hội hình thành trong phổi và nhân lên”, tiến sĩ Vineeta Bal, nhà miễn dịch học kiêm giáo sư Viện Nghiên cứu Giáo dục Khoa học Ấn Độ tại Pune, cho biết.
Bà Bal cho biết thêm những lợi thế mà vaccine qua đường miệng sẽ phụ thuộc vào kích thước của từng giọt nhỏ trong thuốc phun. Những giọt lớn sẽ tăng cường khả năng phòng thủ trong miệng và các bộ phận của cổ họng, trong khi những giọt nhỏ hơn được cho là sẽ vào sâu hơn và đến phổi.
Tiến sĩ Michael Diamond - Đại học Washington, St. Louis và là người đã giúp tạo ra vaccine được cấp phép cho Bharat - cho biết có thể dễ dàng xịt một tia nước vào mũi hơn là tiêm.
Vào tháng 10/2021, Bộ Y tế Nga đã cho phép thử nghiệm sớm vaccine Sputnik V dạng phun vào mũi cho 500 tình nguyện viên, nhưng tình trạng của những thử nghiệm đó và tính khả dụng của vaccine vẫn chưa rõ ràng.
Ở Ấn Độ, tỷ lệ tiêm chủng đã giảm trong những tháng qua, với các trường hợp nhiễm mới đang tiếp tục tăng. Khoảng 940 triệu người tương đương 67% dân số đã được tiêm hai mũi, nhưng chỉ 15% trong số họ đã được tiêm mũi tăng cường.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuong-lai-cua-vaccine-covid-19-post1353449.html