Tương lai cuộc chiến Gaza tùy vào cuộc gặp Trump-Netanyahu?
Chuyên gia cho rằng tương lai cuộc chiến Gaza phụ thuộc vào mong muốn của Israel và lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump - điều sẽ được thảo luận trong cuộc gặp sắp tới giữa ông Trump với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas vẫn đang được duy trì ở Dải Gaza - diễn biến được đánh giá là bất ngờ trong bối cảnh giữa hai bên tham chiến vẫn hiện diện sự thù địch và ngờ vực sâu sắc.
Kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực gần ba tuần trước, Hamas đã thả hơn một chục con tin Israel bị bắt vào ngày 7-10-2023 để đổi lấy khoảng 400 người Palestine bị giam trong các nhà tù ở Israel. Nếu quá trình này tiếp tục diễn ra suôn sẻ như thời gian qua, sẽ có thêm con tin và người Palestine được trả tự do trong giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn.
Giới phân tích cho rằng đây là lý do để có một chút lạc quan nhưng cảnh báo rằng việc đàm phán về thời gian, điều khoản và cách thực hiện giai đoạn hai và ba của thỏa thuận sẽ gặp nhiều trở ngại. Chẳng hạn, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gần đây nói rằng lệnh ngừng bắn này chỉ là “tạm thời”.
Trong giai đoạn thứ hai, tất cả con tin Israel (cả còn sống và đã chết) dự kiến sẽ được thả để đổi lấy hàng trăm người Palestine. Israel cũng được kỳ vọng sẽ rút toàn bộ lực lượng khỏi Dải Gaza, tạo tiền đề cho quá trình tái thiết vùng đất này trong giai đoạn cuối cùng của lệnh ngừng bắn.
Cuộc gặp Trump-Netanyahu tác động đến thỏa thuận ngừng bắn?
Viết trên tờ The Conversation, ông Amin Saikal - GS danh dự về Nghiên cứu Trung Đông và Trung Á tại ĐH Quốc gia Úc - cho rằng có nhiều yếu tố có thể khiến tiến trình trên đổ vỡ, trong đó hai vấn đề then chốt gồm: mục tiêu của Israel là xóa sổ Hamas và kiểm soát Gaza hiện chưa đạt được; cùng với quyết tâm của Hamas trong việc giành lại quyền kiểm soát dải đất này; một yếu tố khác là tác động từ tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo chuyên gia Saikal, dù ông Netanyahu nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ ông Trump, nhưng vẫn chưa rõ nhà lãnh đạo Mỹ có sẵn sàng đối mặt với một cuộc xung đột kéo dài hơn ở Trung Đông hay không.
Giới phân tích nhận định rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Washington trong tuần này có thể mang tính quyết định đối với sự thành công của giai đoạn tiếp theo trong lệnh ngừng bắn hoặc đánh dấu sự tái bùng phát của cuộc chiến Gaza.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C (Mỹ) vào năm 2020. Ảnh: GETTY IMGAGES
Sự tồn tại của Hamas đối lập với mục tiêu chiến đấu của Israel
Trong suốt 15 tháng thực hiện chiến dịch quân sự quy mô lớn tại Gaza nhằm đáp trả vụ tấn công của Hamas vào ngày 7-10-2023, Israel đã làm Hamas suy yếu đáng kể. Tuy nhiên, Israel vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn nhóm vũ trang này.
Sự xuất hiện của các chiến binh Hamas được trang bị vũ khí đầy đủ và giữ đội hình chặt chẽ trong ba vòng trao đổi con tin – ngay tại những khu vực đã bị Israel san phẳng – là minh chứng cho việc nhóm này vẫn tồn tại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Thủ tướng Netanyahu và những người ủng hộ cứng rắn của ông đã không đạt được hai mục tiêu quan trọng nhất: xóa bỏ Hamas và giải cứu con tin bằng biện pháp quân sự.
Việc ông Netanyahu chấp nhận ngừng bắn vào thời điểm này được đánh giá cho thấy sự bất lực của chiến dịch quân sự trong việc loại bỏ Hamas. Khi cuộc xung đột rơi vào thế bế tắc suốt nhiều tháng, nhà lãnh đạo Israel hoàn toàn có thể chọn ngừng bắn sớm hơn để đổi lấy việc thả con tin, thay vì kéo dài chiến sự, khiến thương vong tăng lên và làm tổn hại hơn nữa hình ảnh quốc tế của Israel.
Sự tồn tại của Hamas có nghĩa là nhóm này vẫn là một mối đe dọa đáng gờm, như Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Antony Blinken từng cảnh báo vào giữa tháng 1. Ông Blinken cho rằng Hamas đã “tuyển mộ thêm số chiến binh gần như tương đương với lực lượng đã mất” trong cuộc chiến.
Các báo cáo cũng cho thấy Hamas vẫn duy trì quyền kiểm soát bộ máy hành chính và lực lượng an ninh tại Dải Gaza, bất chấp nỗ lực của Israel.
Nếu Hamas vẫn tồn tại mạnh mẽ, theo chuyên gia Saikal, những người dân Israel – vốn bị chia rẽ sâu sắc giữa hai luồng ý kiến: một bên muốn thỏa thuận ngừng bắn để đưa con tin trở về, bên còn lại ủng hộ ông Netanyahu tiếp tục cuộc chiến – có lý do để đặt câu hỏi nghiêm túc về mục đích của Israel khi kéo dài cuộc chiến. Các đồng minh của Israel, đặc biệt là Mỹ, cũng sẽ đặt câu hỏi tương tự.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng ông Netanyahu và những người ủng hộ ông sẽ tin là nhiệm vụ của Israel vẫn chưa hoàn thành. Nhiều nhà quan sát cho rằng việc Hamas vẫn tồn tại sẽ càng thúc đẩy chính quyền Israel tiếp tục cuộc chiến ngay khi tất cả con tin được thả.
Lập trường của ông Trump về cuộc chiến ở Gaza
Tương lai của thỏa thuận ngừng bắn hiện nay dường như phụ thuộc vào cuộc gặp giữa Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Trump. Theo các báo cáo, nhà lãnh đạo Israel muốn biết rõ lập trường của ông Trump về giai đoạn hai của thỏa thuận trước khi các cuộc đàm phán tiếp tục.

Trẻ em Palestine trở về phía bắc Dải Gaza vào ngày 29-1. Ảnh: ANADOLU AGENCY
Mới đây, ông Trump đã nhấn mạnh lại đề xuất “dọn sạch” 2,3 triệu người Palestine ở Gaza bằng cách di dời họ sang Ai Cập và Jordan - quan điểm làm hài lòng phe cực hữu trong chính quyền ông Netanyahu.
Ai Cập, Jordan và các quốc gia khác trong thế giới Ả Rập đã kiên quyết bác bỏ ý tưởng này. Hamas và Chính quyền Palestine cũng lên án mạnh mẽ kế hoạch này.
Tuy nhiên, ông Trump khẳng định rằng các nhà lãnh đạo Ai Cập và Jordan cuối cùng sẽ đồng ý vì Mỹ đã làm rất nhiều cho họ – ám chỉ sự phụ thuộc của các quốc gia này vào viện trợ hàng năm của Mỹ.
Trước thái độ hiện nay của ông Trump với tương lai Dải Gaza, chuyên gia Saikal nhận định rằng dù vẫn có chút hy vọng về việc tiếp tục ngừng bắn và thực hiện giai đoạn hai của thỏa thuận ngừng bắn, nhưng khả năng ông Netanyahu sẽ quay lại hành động quân sự để thực hiện mục tiêu loại bỏ Hamas và sáp nhập một phần hoặc toàn bộ Gaza vẫn rất có thể xảy ra.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Trump và ông Netanyahu có thể khiến nhà lãnh đạo Israel tuyên bố chủ quyền đối với Bờ Tây. Với những bất định này, giai đoạn thứ ba của thỏa thuận ngừng bắn liên quan đến việc tái thiết Gaza, được ước tính lên đến hơn 80 tỉ USD, trở nên bất định hơn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tuong-lai-cuoc-chien-gaza-tuy-vao-cuoc-gap-trump-netanyahu-post832602.html