Ukraine có thể trụ được bao lâu nếu không có viện trợ quân sự của Mỹ?
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp tại Paris về phản ứng của châu Âu khi bị loại khỏi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Nga, Tổng thống Ukraine đã cảnh báo về tương lai ảm đạm của đất nước nếu viện trợ quân sự của Mỹ bị cắt giảm.
“Chúng tôi sẽ kéo dài được 6 tháng”
"Chúng tôi sẽ có ít cơ hội sống sót nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên chương trình tin tức Meet the Press của NBC.
Tháng 12/2024, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẵn sàng chấp nhận ý tưởng cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong một động thái có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ, ông Zelensky đã bác bỏ một thỏa thuận được đề xuất của Mỹ cho phép Washington tiếp cận các khoáng sản đất hiếm để đổi lấy viện trợ quân sự liên tục.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tham gia cuộc họp song phương ở Munich ngày 14/2. Ảnh: Reuters
Việc từ chối, cùng với các tuyên bố gần đây của ông Trump và các cuộc điện đàm riêng với cả ông Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm dấy lên sự không chắc chắn về mức độ ủng hộ lâu dài của Washington cho Kiev.
Trước sự ủng hộ không chắc chắn của Mỹ, châu Âu phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng để lấp đầy khoảng trống. Trong Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ ngày 14 - 16/2, Tổng thống Zelensky dường như đã phản ứng lại các hành động và bình luận của ông Trump bằng cách nêu vấn đề châu Âu xây dựng lực lượng "quân đội của riêng mình".
"Thành thật mà nói, chúng ta không ta không thể loại trừ khả năng Mỹ có thể nói không với châu Âu về một vấn đề đe dọa đến châu lục này", ông Zelensky nói.
Trung tướng Ihor Romanenko, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine nhận định với Al Jazeera rằng Ukraine sẽ cần nhiều hỗ trợ hơn những gì châu Âu có thể cung cấp.
"Châu Âu không thể thay thế được viện trợ của Mỹ", ông Ihor Romanenko nói, đồng thời cho biết Ukraine sẽ không tồn tại lâu nếu không có viện trợ quân sự của Mỹ và dự đoán: "Chúng tôi sẽ kéo dài được 6 tháng".
Cán cân chênh lệch
Bên cạnh đó, những vấn đề chính trị phức tạp có thể ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của châu Âu cho Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Slovakia Robert Fico đều hoài nghi về viện trợ của quân sự cho Kiev, có thể ngăn chặn các quyết định của EU. Trong khi đó, đảng cực hữu AfD của Đức đang nổi lên trong các cuộc thăm dò dư luận, làm phức tạp thêm khả năng hành động quyết đoán của châu Âu.
AfD là đảng chống nhập cư, chống EU và được cho là thường ủng hộ ông Putin, do đó có những lo ngại rằng đảng này có thể thúc đẩy việc chấm dứt viện trợ của Berlin cho Kiev và trục xuất người tị nạn Ukraine.
Ngay cả khi châu Âu có thể đạt được thỏa thuận tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine thì họ vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc mở rộng quy mô sản xuất vũ khí và đạn dược. Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã vượt qua NATO về sản xuất vũ khí, nhấn mạnh nhu cầu EU phải tái tạo cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình để hỗ trợ hiệu quả cho Ukraine.
Trong khi đó, tình báo Ukraine và phương Tây cho rằng Nga đã nhận được sự hỗ trợ từ Triều Tiên khi Bình Nhưỡng gửi hàng nghìn quân đến lãnh thổ do Nga kiểm soát. Hàn Quốc cũng cho biết, Triều Tiên đã cung cấp cho Nga hàng triệu quả đạn pháo.
Ông Romanenko chỉ ra rằng Ukraine đã biết trước về viễn cảnh không có viện trợ quân sự của Mỹ. Những người theo đường lối cứng rắn trong đảng Cộng hòa từng trì hoãn trong nhiều tháng một dự luật được thông qua vào tháng 4/2024, mở đường cho hơn 60 tỷ USD hỗ trợ cần thiết cho Ukraine.
"Chúng tôi đã thấy hậu quả của việc viện trợ bị đình chỉ trong 6 tháng", ông Romanenko nói.
Theo Trung tướng Romanenko, trước khi gói viện trợ được thông qua, Ukraine đã mất một số thành trì chiến lược ở khu vực Donbass với cái giá phải trả là "hàng nghìn sinh mạng".
Bohgan, một sĩ quan quân đội được triển khai ở Donbass trong thời gian viện trợ quân sự bị trì hoãn nói với Al Jazeera rằng, giao tranh trở nên nguy hiểm hơn nhiều trong thời gian đó.
"Tình hình thật tồi tệ khi chúng tôi chỉ có thể bắn 5 quả đạn pháo/ngày trong khi Nga có thể bắn hàng trăm quả đạn pháo vào chúng tôi", Bohgan tiết lộ.
Số phận bấp bênh của Ukraine
Với 5 dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua, cho đến nay Washington đã cung cấp 175 tỷ USD viện trợ cho Kiev kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2022.
Nikolay Mitrokhin, một nhà nghiên cứu tại Đại học Bremen của Đức, nói với Al Jazeera rằng tốc độ Ukraine sử dụng các nguồn cung cấp quân sự do Mỹ tài trợ sẽ phụ thuộc vào tốc độ các binh lính sử dụng chúng.
Các cuộc không kích liên tục của Nga đồng nghĩa với việc Kiev phải dựa vào tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất. Các tên lửa này có chi phí lên tới hàng triệu USD và chúng thường được sử dụng cho các mục tiêu như UAV Shahed do Iran sản xuất hoặc các bản sao do Nga sản xuất.
"Đó là lý do tại sao tôi cho rằng nguồn cung hiện tại và sắp tới của Mỹ chắc chắn sẽ đủ cho đến giữa mùa hè (tháng 7) nếu không muốn nói là đến mùa thu, khoảng tháng 9 nếu chúng được sử dụng hợp lý", ông Mitrokhin nhận định.
Ông cho biết châu Âu không thể bù đắp được khoản thiếu hụt nguồn cung hỗ trợ quân sự từ Mỹ, đặc biệt là tên lửa Patriot, xe bọc thép hạng nhẹ và đạn pháo cỡ nòng 155mm, thường được sử dụng để ngăn chặn đà tiến công của bộ binh Nga.
Nhà phân tích Alexey Kushch tại Kiev thì cho rằng, ông Zelensky đã đúng khi từ chối thỏa thuận của ông Trump nhằm đổi viện trợ quân sự lấy đất hiếm.
Ông nói với Al Jazeera rằng Mỹ nên đối xử với Ukraine như một đồng minh và "sẽ công bằng" nếu Washington xóa một nửa số nợ và lên lịch trả phần còn lại vào cuối thế kỷ.
Bất kể Mỹ có ngừng gửi viện trợ quân sự hay không, một số người Ukraine đang cảm thấy thất vọng trước những diễn biến mới nhất.
“Như thường lệ, những người khác sẽ quyết định số phận của chúng tôi”, Vsevolod Boyko, một hiệu trưởng trường học đã nghỉ hưu có con trai là Ihor đang chiến đấu ở mặt trận Donbass nói với Al Jazeera.