Tương lai giao thông xanh tại Việt Nam
Với sự hiện diện ngày một nhiều của các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường, giấc mơ giao thông xanh tại Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa.
“Chìa khóa” giải quyết vấn đề đô thị
Từ tháng 11/2023 đến nay, tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội và các tỉnh miền Bắc ở mức xấu với một lớp sương mù trắng đục và bụi mịn gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng sức khỏe người dân. Đỉnh điểm vào ngày 8/12, với chỉ số AQI trung bình 200 đơn vị, Thủ đô Hà Nội là địa điểm đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí.
Trong đó, một trong các nguyên nhân chính gây ô nhiễm là các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy dùng xăng, dầu... Tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp do lượng xe cá nhân gia tăng mất kiểm soát, gây quá tải hạ tầng, đe dọa môi trường.
Đa số người dân không có thói quen đi bộ, đi xe đạp hay sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, mà vẫn lệ thuộc rất lớn vào xe cá nhân, đặc biệt là xe máy. Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 7 triệu xe máy lưu thông, trong đó nhiều xe máy đã cũ, không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường... là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5.
Trước bối cảnh đó, những năm qua, Hà Nội nỗ lực phát triển giao thông xanh thông qua sự hiện diện liên tiếp của các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và những loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Đó là sự xuất hiện của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; 10 tuyến xe buýt điện, 4 tuyến buýt sử dụng xe chạy bằng khí nén CNG. Mới đây, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác, cung cấp khí nén với một doanh nghiệp của Nga, chuẩn bị cho nhiều tuyến buýt “sạch” khác ra đời.
Mặt khác, Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành. Dự kiến trong năm 2024, tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Cầu Giấy cũng sẽ đi vào vận hành, gia tăng tỷ trọng vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện xanh.
Trên thực tế, không chỉ Hà Nội ô nhiễm, ùn tắc, quá tải hệ thống giao thông mà đây là vấn đề chung của mọi đô thị tại Việt Nam. Do đó, bên cạnh các giải pháp căn cơ về quy hoạch, xây dựng hạ tầng, cần tập trung phát triển giao thông xanh thay thế dần xe cơ giới. Đây không chỉ là lựa chọn cho hiện tại mà còn cho cả tương lai của Việt Nam.
Giao thông xanh là tương lai rất gần
Những năm qua, các đô thị lớn tại Việt Nam đã dần chú trọng phát triển giao thông xanh. Nhiều địa phương đã đề ra chương trình và lộ trình cụ thể phát triển giao thông xanh trong tương lai với việc sẽ đầu tư mới toàn bộ xe buýt công cộng, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh...
Nhiều diễn đàn, hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong, ngoài nước đã thảo luận những vấn đề liên quan đến chuyển đổi tăng trưởng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải. Sáng 19/12, nhiều chủ đề “nóng” về giao thông xanh, sử dụng năng lượng xanh… đã được các nhà khoa học tên tuổi trên thế giới bàn thảo tại Tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh” do Quỹ VinFuture tổ chức.
Tại buổi tọa đàm, GS Soumitra Dutta - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford (Vương quốc Anh), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture - lạc quan rằng tốc độ đổi mới của công nghệ sẽ biến tương lai giao thông xanh trở thành hiện thực trong vòng 5 - 10 năm tới.
Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng hoặc giải pháp công nghệ này trên thực tế không chỉ liên quan đến bản thân công nghệ. Khó khăn thường nằm ở bối cảnh tổ chức, bối cảnh xã hội nơi các công nghệ và dự án cơ sở hạ tầng này cần được triển khai cũng như tính toán vấn đề hậu bùng nổ công nghệ…
Nói về “rào cản” với chuyển đổi xanh ở Việt Nam, các chuyên gia đánh giá hiện có ít công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hoặc công ty về năng lượng có đủ hạ tầng, vận chuyển… Việc thuyết phục doanh nghiệp đầu tư hơn vào năng lượng sạch cũng là thách thức.
Do đó, làm sao để các nước đang phát triển như Việt Nam có cơ hội phát triển năng lượng xanh, GS Nguyễn Thục Quyên (Đại học California, Mỹ) - đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture nhận xét: “Chính sách đâu đó có khi còn chưa sẵn sàng. Ví dụ như lắp điện mặt trời áp mái tại các gia đình. Khi muốn người dân lắp thì phải có chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng tạo đó”.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tuong-lai-giao-thong-xanh-tai-viet-nam-post499637.html