Tương lai kết nối
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, những công trình trọng điểm như Metro, như các đường vành đai sẽ tạo tiền đề quan trọng để TP.HCM mở ra thời kỳ phát triển mới, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Khi đề cập đến kế hoạch xây dựng Metro trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói: “Theo kinh nghiệm thế giới, thành phố trên 2 triệu dân đã phải tính đến kết nối bằng Metro trong khi lúc này TP.HCM đã hơn 10 triệu người”.
Có thể thấy, nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông trên diện rộng ở TP.HCM phần lớn là do người dân sở hữu quá nhiều phương tiện cá nhân, trong khi khả năng khai thác của các tuyến đường nội đô thành phố không đáp ứng được số lượng lớn các phương tiện ấy, từ đó vấn nạn kẹt xe cứ vậy tăng lên đều theo nhu cầu mua sắm xe cộ.
Theo quy hoạch chung của TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, chiều dài đường sắt đô thị dự kiến sẽ có hơn 558 km, tức đạt tỷ lệ khoảng 30-40km cho một triệu dân. Kèm theo đó, thị phần vận tải hành khách công cộng đảm nhận 35 - 40% nhu cầu đi lại của người dân. Điều đó đồng nghĩa, các phương tiện cá nhân và nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân của người dân sẽ giảm đi một cách đáng kể.
Không chỉ giảm kẹt xe, Metro còn thúc đẩy sự kết nối liên vùng, giúp tối ưu hóa luồng giao thông. Một thành phố phát triển bền vững cần có những hệ thống giao thông đa dạng và liên kết chặt chẽ như vậy. Tuyến Metro trong tương lai không chỉ kết nối các quận trung tâm với các vùng ven mà còn tích hợp nhiều loại hình vận tải khác nhau, tạo ra mạng lưới giao thông thông minh, giúp người dân dễ dàng chuyển đổi giữa các phương tiện mà không mất nhiều thời gian.
Thực tế đã chứng minh, tuyến đường sắt ngầm đầu tiên trên thế giới - Metropolitan Railway hình thành tại Anh vào năm 1863 chính là tiền đề cho sự phát triển khu vực ngầm “ăn theo” Metro, góp phần đưa London trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của châu Âu cũng như thế giới.
Từ sự thịnh hành của Metro, hệ thống đô thị ngầm được hình thành gần như song song đã tạo nên thay đổi lớn đối với đô thị của nhiều quốc gia. Tại Nhật Bản, mạng lưới đô thị ngầm điển hình như Crysta Nagahori ở thành phố Osaka với diện tích hơn 81.000m2, trải dài qua ba quận đã thúc đẩy sự phát triển hệ thống bán lẻ. Tại Thái Lan, tàu điện nội đô đã trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo ra hàng vạn việc làm, thu hút hàng chục tỷ USD đầu tư, khởi tạo những mô hình kinh tế mới tại đất nước này.
Với TP.HCM, đô thị ngầm đang được triển khai và nằm trong mục tiêu chuyển mình thành siêu đô thị, hứa hẹn sẽ mang đến tiềm năng thương mại to lớn từ không gian mở rộng theo chiều dọc Metro.
Đi liền với hệ thống Metro, hàng loạt công trình nối tiếp giúp tái lập, nâng cao tầm vóc của khu vực trung tâm biểu trưng cho nhịp sống sôi động của Sài Gòn. Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành dưới quảng trường Quách Thị Trang, dọc đường Lê Lợi được kỳ vọng sớm hoàn thành với vốn đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng, quy mô khoảng 45.000m2, gồm khu vực cửa hàng 18.100m2 cùng hành lang, quảng trường ngầm 21.500m2. Trung tâm thương mại này sẽ kết nối với không gian đô thị tuyến đường Lê Lợi, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, thiết lập chuỗi phố thương mại liên hoàn, thúc đẩy dịch vụ chất lượng cao.
Kề cận lối xuống chính Metro số 1, quảng trường Lam Sơn 1.300m2 được tái lập, dự kiến sớm hoàn thành sau 6 năm bị rào chắn để làm Metro. Đây là nơi tổ chức hoạt động văn hóa, giải trí, tạo mảng xanh với điểm nhấn là trục công viên kết nối giao thông bộ, tạo khoảng đệm ra đường Nguyễn Huệ.
Đó sẽ là sự chuyển đổi giúp khu lõi của Sài Gòn trở nên thân thiện hơn với người đi bộ, tạo liên kết tốt hơn giữa những tòa nhà thương mại, dịch vụ cũng như các di sản văn hóa nội khu, kết nối với sông Sài Gòn, với khu đô thị Thủ Thiêm bên kia sông, đồng thời tăng kết nối liên vùng giữa khu lõi với khu vực đang phát triển ở phía Đông Sài Gòn.
Metro không trực tiếp tạo ra tiềm năng về logistics, song nó giảm áp lực cho tuyến đường bộ, gián tiếp giúp vận chuyển hàng hóa ra vào TP.HCM dễ dàng hơn.
TP.HCM cũng đang rất chú trọng khai thác tuyến đường sông Sài Gòn với tàu cao tốc. Khi đường sá trở nên thông thoáng, khả năng thu hút du lịch của TP.HCM sẽ tăng mạnh, nhất là giờ đây khách du lịch có thêm lựa chọn di chuyển bằng Metro.
Lãnh đạo TP.HCM đã hạ quyết tâm hoàn thành 6 tuyến Metro trong vòng 10 năm tới, tức khi đó trung tâm kinh tế của cả nước sẽ có 183km đường sắt đô thị tốc độ cao. Thực hiện được, thành quả mà tuyến đường này mang lại sẽ rất lớn. Nó đủ để giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng bấy lâu của thành phố, đặc biệt là kẹt xe. Đồng thời, hiện hữu ở TP.HCM những nếp sống của một thành phố thật sự văn minh, thật sự hiện đại, củng cố vững chắc vị thế đầu tàu kinh tế số 1 của cả nước.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tuong-lai-ket-noi-315773.html