Tương lai khó đoán của Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam
Sau khi mất bản quyền cử đại diện thi Miss Universe, tương lai và vị thế của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vẫn là điều khó đoán.
Những ngày vừa qua, thông tin Unicorp - đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam sẽ ngừng việc nắm quyền cử đại diện đến cuộc thi Miss Universe, sau 15 năm đồng hành, khiến dư luận "dậy sóng".
Đến thời điểm hiện tại, thông tin về đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức cuộc thi trong nước và gửi thí sinh đến đấu trường quốc tế, cũng như lý do Unicorp từ chối bản quyền này vẫn là một ẩn số.
Theo một số nguồn tin, buổi ký kết bản quyền và công bố giám đốc quốc gia mới của Miss Universe Vietnam sẽ diễn ra vào sáng 24/2 tại TP. HCM.
Trong khi đó, công ty Elite Vietnam - người đứng đầu là bà Thúy Nga và người mẫu Lan Khuê làm Giám đốc khu vực phía Nam được cho là chủ mới của Miss Universe Vietnam. Song đến hiện tại, phía những người trong cuộc vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Kịch bản khó đoán của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam
Giữa những luồng thông tin trái chiều, tương lai và vị thế của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vẫn là điều khó đoán.
Theo thông tin từ Unicorp, đơn vị này sẽ tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 vào cuối năm nay. Đơn vị này cũng khẳng định, việc không còn giữ bản quyền cử đại diện tham gia Miss Universe sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc thi.
Tuy nhiên, về tương lai thi quốc tế của các tân hoa, á hậu tại cuộc thi này vẫn còn bỏ ngỏ. "Chúng tôi sẽ có chiến lược dành riêng cho hoa hậu chiến thắng, á hậu, các người đẹp sau tham gia cuộc thi.
Việc tham gia những sân chơi sắc đẹp nào tiếp theo sẽ được chúng tôi cân nhắc, lựa chọn sau đó, trên hết với điều kiện là cuộc thi đó phù hợp và các đại diện của chúng tôi đáp ứng được các tiêu chí cuộc thi đó", đại diện BTC cho hay.
Ngoài ra, cơ hội cho Á hậu 1 Miss Universe Vietnam 2022 - Lê Thảo Nhi ở sân chơi quốc tế hiện cũng chưa được công bố.
Thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam có bị "mất giá"?
Trong 15 năm nắm bản quyền tổ chức và đề cử đại diện Việt Nam tham gia Miss Universe, Miss Universe Vietnam được đánh giá là cuộc thi chất lượng hàng đầu trong nước. Unicorp cũng đều đưa các hoa, á hậu thi quốc tế và đạt thành tích ấn tượng.
Có thể kể đến các đại diện Việt Nam tham gia Miss Universe các năm như: hoa hậu Nguyễn Thùy Lâm (2008 - Top 15 Miss Universe 2008), hoa hậu H’Hen Niê (2018 - Top 5 Miss Universe 2018), á hậu Hoàng Thùy (2019 - Top 20 Miss Universe 2019), hoa hậu Khánh Vân (2020 - Top 21 Miss Universe 2020), á hậu Kim Duyên (2021- Top 16 Miss Universe 2021)...
Do đó, việc Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vẫn được tổ chức nhưng hoạt động độc lập với Miss Universe khiến dư luận e ngại, cuộc thi sẽ giảm sức hút và vị thế so với trước đây.
Bàn về vấn đề này, bà Phạm Kim Dung, Tổng giám đốc công ty Sen Vàng, cho rằng đấu trường quốc tế là sự cộng hưởng để thí sinh nổi tiếng hơn.
Ngược lại, nếu hoa hậu không thi quốc tế hoặc không tạo được ấn tượng tại cuộc thi quốc tế thì coi như bắt đầu lại từ đầu. Nhưng cũng không vì thế giá trị của mỗi người đẹp bị giảm sút hoặc mất đi.
"Bởi, sự thành công trong nghề nghiệp không phụ thuộc hoàn toàn vào cuộc thi nào đó, nó phụ thuộc vào đóng góp lâu dài, bền bỉ của bản thân.
Song, nếu dự thi quốc tế và đoạt thành tích cao chắc chắn sẽ tạo nên cú hích trong sự nghiệp của thí sinh như trường hợp của Thùy Tiên chẳng hạn", bà Dung nhận định.
Đồng quan điểm, phía Unicorp khẳng định, trách nhiệm và sứ mệnh quan trọng nhất của hoa hậu là làm việc, hoạt động để tạo ra những giá trị tốt có tầm ảnh hưởng và đem lại lợi ích thiết thực đối với cộng đồng, xã hội.
Khi cuộc thi nhan sắc gắn với kinh tế thị trường
Sau hơn 7 thập kỷ, Miss Universe trải qua 4 đời chủ tịch, tỷ phú người Thái Lan - Anne Jakapong Jakrajutatip - Giám đốc điều hành của Tập đoàn toàn cầu JKN là chủ nhân thứ 5 của tổ chức này.
Như hầu hết cuộc thi sắc đẹp khác, Miss Universe liên tục thay đổi để thích nghi với sự đa dạng về thí sinh, thị hiếu khán giả. Nhưng có lẽ, chưa có sự cải tổ nào gây tranh cãi và làm thay đổi cục diện mạnh mẽ như chính sách mới của bà Anne.
Bằng chứng là không chỉ Việt Nam, nhiều đơn vị như: Puteri Indoneisa, Senorita Colombia, Binibining Pilipinas, Miss Venezuela đều mất bản quyền sau nhiều thập kỷ nắm giữ.
Thậm chí, Malz Promotions - đơn vị cử thí sinh Ghana đi thi Miss Universe và đơn vị ở Belize còn tuyên bố rút nhượng quyền và không cử thí sinh đi thi Miss Universe sau những quyết sách được cho là cực đoan của nữ tỷ phú chuyển giới Anne Jakrajutatip.
Sash Factor dự đoán, không chỉ Ghana hay Belize, sẽ còn nhiều quốc gia từ bỏ nhượng quyền Miss Universe trong thời gian tới.
Ở góc độ của mình, bà Anne giải thích với Nikkei Asia rằng, các cuộc thi sắc đẹp không khác gì thi đấu thể thao. Các kênh truyền hình trả giá hàng triệu USD cho bản quyền phát sóng, các thương hiệu tài trợ cạnh tranh để được xuất hiện sản phẩm và logo của mình.
Phía BTC cũng kiếm được từ việc bán sản phẩm và vé sự kiện. "Đồ uống tốt cho sức khỏe, thực phẩm bổ sung và quần áo của các thương hiệu nổi tiếng sẽ là một nguồn doanh thu mới khác cho Miss Universe.
Anne cho biết bà đã được các nhà đầu tư chung cư, spa, khách sạn và nhà hàng tiếp cận để nhận các hợp đồng quảng cáo cho Miss Universe", Nikkei Asia trích thông tin từ bà Anne.
Đặt trong bối cảnh, các nước, đặc biệt ở khu vực châu Á vẫn chuộng cuộc thi nhan sắc, một nhà kinh doanh "sành sỏi" như Anne đã quyết định đấu giá bản quyền cuộc thi.
Nhưng, sự khôn ngoan của tỷ phú chuyển giới còn ở chỗ biết nâng tầm một sân chơi thành một "sản phẩm" gắn liền với văn hóa, kinh tế.
Trên Nikkei Asia, bà Anne nói rằng, cốt lõi của việc kinh doanh là "bán" một "giấc mơ", và không ai hiểu rõ điều đó hơn chính bà. "Nó gắn liền với văn hóa. Đó là về vinh quang, chiến thắng, khát khao, ước mơ, thành công, về việc trở thành người phụ nữ mang tính biểu tượng", Anne tuyên bố.
Sau khi việc mua lại được công bố, Anne thậm chí còn gặp Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch của Thái Lan để thảo luận, làm gì để cuộc thi có thể đóng góp vào mục tiêu thu hút 25 triệu lượt khách vào năm 2023 của đất nước.
Kế hoạch được đưa ra là, cuộc thi năm tới sẽ được tổ chức tại thành phố New Orleans của Hoa Kỳ, nhưng Anne có kế hoạch tổ chức cuộc thi ở Thái Lan 2 hoặc 3 năm một lần.
Đương kim hoa hậu cũng sẽ có hai nơi hoạt động chính là New York và Bangkok. Anne còn "tung" phần thưởng hậu hĩnh cho tân hoa hậu khi được năm miễn phí thuê căn hộ sang trọng, cùng mức lương 6 con số.
Các cựu hoa hậu và thí sinh tham gia cuộc thi sẽ có bệ phóng cho sự nghiệp trong lĩnh vực người mẫu, diễn xuất. Cùng với đó là các học bổng và ưu đãi về giáo dục.
“Sứ mệnh cá nhân của tôi là nâng cao tiếng nói của phụ nữ mỗi quốc gia, để những người phụ nữ đó có thể mang lại giá trị kinh tế cho đất nước của họ”, Anne tuyên bố.
Việc bà Anne Jakapong Jakrajutatip chi 20 triệu USD (gần 477 tỷ đồng) mua lại tổ chức đã giúp JKN hồi sinh sau gần hai năm lợi nhuận sụt giảm.
Cụ thể, công ty kết thúc năm 2021 với lợi nhuận hàng năm giảm 44,4% mặc dù doanh thu cao hơn 1,8 tỷ baht (hơn 1,24 nghìn tỷ đồng). Nợ và chi phí quảng cáo vẫn là lực cản trong 9 tháng đầu năm 2022, với lợi nhuận giảm 21% so với năm trước.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu của JKN đột ngột tăng 25% một ngày sau khi công bố mua lại Miss Universe, vào cuối tháng 10/2022.
Anne tiết lộ với Nikkei Asia rằng Miss Universe sẽ mang lại 9 nguồn doanh thu mới cho JKN, bao gồm cả quyền phát sóng và phí nhượng quyền được trả bởi mỗi quốc gia gửi một ứng cử viên đến cuộc thi.
Các quốc gia cũng đấu thầu để tổ chức cuộc thi và sau khi hoa hậu đăng quang, tổ chức này sẽ kiếm được phí với tư cách là người quản lý tài năng.