Tương lai mờ mịt cho ngành mía đường miền Tây
Lỗ liên tục, nhưng Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO) – đơn vị được xem là 'ông lớn' của ngành mía đường miền Tây – lại không có kế hoạch khôi phục sản xuất. Điều này được dự báo sẽ góp phần tác động tiêu cực đến tương lai ngành mía đường khu vực miền Tây.
Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đã đưa ra dự báo tích cực cho ngành mía đường cả nước trong niên vụ 2022-2023, khi cả diện tích sản xuất, sản lượng mía đưa vào ép và sản lượng đường được sản xuất đều tăng so với niên vụ trước đó.
Cụ thể, diện tích mía sản xuất trong niên vụ 2022-2023 dự kiến đạt khoảng trên 151.300 héc ta, tăng 3% so với cùng kỳ; sản lượng mía đưa vào ép đạt gần 8,8 triệu tấn, tăng 16,5% và sản lượng đường được sản xuất đạt gần 871.000 tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trái ngược với dự báo tích cực của ngành mía đường Việt Nam, ngành mía đường miền Tây lại có một viễn cảnh khá ảm đạm khi người nông dân “quay lưng” với cây mía, và doanh nghiệp được xem là hàng đầu nơi đây là CASUCO không có kế hoạch khôi phục, dù đang chịu thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cổ đông phản ứng với kết quả kinh doanh thua lỗ
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của CASUCO được tổ chức vào cuối tuần rồi đã có quyết nghị thông qua 8 nội dung quan trọng, trong đó, bao gồm kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021-2022 thua lỗ.
Theo đó, kết quả thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cơ bản của niên độ 2021-2022 (từ 1-7-2021 đến 30-6-2022) với sản lượng mía đưa vào ép của niên độ này đạt 70.600 tấn, thấp hơn kế hoạch gần 30.000 tấn (mía thô); sản lượng đường sản xuất đạt trên 7.000 tấn so với kế hoạch là trên 9.200 tấn; tổng doanh thu đạt trên 86 tỉ đồng trong khi kế hoạch đề ra là trên 141 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp niên độ 2021-2022 lỗ trên 1,9 tỉ đồng trong khi kế hoạch lãi trên 2,3 tỉ đồng.
Lý giải kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ như trên, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT CASUCO cho rằng, vụ sản xuất 2021-2022 là vụ gặp nhiều khó khăn chưa từng có như: ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19; các hoạt động gian lận thương mại, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại trong nhập khẩu đường; chủ trương dừng sản xuất rồi đến tháng 9-2021 mới quyết định đưa nhà máy đường Phụng Hiệp vào sản xuất trở lại…
Ngoài ra, theo ông Hiếu, xu hướng chuyển đổi mía sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn cũng như việc tranh mua mía tại vùng nguyên liệu diễn ra gay gắt…, cũng chính là những nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị này gặp khó khăn.
Ông Trần Vĩnh Chung, Tổng giám đốc CASUCO cho biết, bên cạnh vùng mía nguyên liệu bị thu hẹp do chịu sức ép cạnh tranh của các loại cây trồng khác, thì việc bị cạnh tranh của mía nước (nông dân bán mía phục vụ nhu cầu ép lấy nước giải khát – PV) cũng như mía nguyên liệu bị tranh mua đưa đi Long An, Tây Ninh chế biến cũng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị này bị ảnh hưởng.
“Sản lượng mía bán đi Long An, Tây Ninh ước tính khoảng 20.000-25.000 tấn, trong khi mía chục, lò đường thủ công mỗi ngày tiêu thụ khoảng 300-400 tấn cũng làm giảm sản lượng chế biến của nhà máy khoảng 8.000 tấn”, ông Chung dẫn chứng.
Theo ông Chung, do ảnh hưởng bởi bán phá giá và trợ cấp đối với đường có xuất xứ từ Thái Lan cũng như hoạt động lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại (lẩn tránh xuất xứ) của các sản phẩm đường từ một số nước ASEAN như: Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào và Campuchia cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị này.
Tuy nhiên, trước kết quả kinh doanh thua lỗ nêu trên, một số cổ đông lớn của CASUCO đã đặt ra nghi vấn đã có sự thiếu minh bạch; ưu ái cho các doanh nghiệp khác có quan hệ lợi ích với người giữ vai trò điều hành ở CASUCO.
Tại đại hội, cổ đông Nguyễn Quốc Việt cho rằng, kế hoạch niên độ 2021-2022 của CASUCO lãi trên 2,3 tỉ đồng, nhưng thực hiện lỗ trên 1,9 tỉ đồng là kết quả không rõ ràng. Ông Việt góp ý về lợi ích liên quan đối với người đang dẫn dắt, điều hành CASUCO, dẫn chứng việc ông Trần Ngọc Hiếu là Chủ tịch HĐQT CASUCO, nhưng đồng thời cũng là Tổng giám đốc của hai đơn vị khác là Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng và Công ty mía đường đường Trà Vinh.
CASUCO vào vụ ép 2021-2022 sớm nhất cả nước, thời điểm đó Việt Nam thiếu đường, giá bán được đẩy lên 22.000-23.000 đồng/kg, nhưng HĐQT và ban điều hành doanh nghiệp lại không bán đường tồn kho của đơn vị ra thị trường.
“Thời điểm đó, đường có giá bán tốt, nhưng tại sao không đưa ra bán để dẫn đến kết quả kinh doanh của năm 2021-2022 từ kế hoạch lời trên 2,3 tỉ đồng nhưng thực hiện lỗ trên 1,9 tỉ đồng? Trong khi đó, báo cáo tài chính tồn kho đường của vụ 2021-2022 vẫn còn 1.000 tấn, với chất lượng đường sụt giảm?”, ông Việt nêu câu hỏi và nghi ngờ, đã có mâu thuẫn lợi ích trong các quyết định của ông Hiếu (ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT CASUCO – PV) và ông Chung (ông Trần Vĩnh Chung, Tổng giám đốc CASUCO – PV), tức để cho Công ty mía đường Sóc Trăng và Công ty mía đường Trà Vinh bán trước, dẫn đến thiệt hại cho CASUCO.
Trong khi đó, đối với nguyên liệu, ông Việt cũng nghi ngờ, chính sách giá đã khiến mía nguyên liệu của CASUCO “chảy” về nhà máy đường Trà Vinh. “Giá mua mía nguyên liệu của CASUCO do anh Hiếu và anh Chung ban hành là 1.180.000 đồng/tấn, trong khi anh Hiếu lại ký văn bản thông báo giá mua mía nguyên liệu tại nhà máy Trà Vinh cao hơn CASUCO 80.000 đồng/tấn, tức 1.260.000 đồng/tấn. Điều này, khiến lượng mía của CASUCO chuyển qua Trà Vinh, làm cho CASUCO không cạnh tranh được”, ông Việt cho biết và nghi ngờ, chính quyết định không lành mạnh này đã dẫn đến thiệt hại cho CASUCO.
Cổ đông Nguyễn Thanh Ngữ cũng đặt vấn đề, cả ngành mía đường hồi phục, lợi nhuận của các công ty đều tăng, nhưng tại sao kết quả hoạt động kinh doanh của CASUCO lại thua lỗ như vậy?
“CASUCO mở máy 15 ngày không ép, người dân ca thán không bán mía được, trong khi đến lúc ép được có mấy ngày lại dừng”, ông Ngữ dẫn chứng và nghi vấn động thái này nhằm đưa mía về cho các công ty mía đường Trà Vinh và Sóc Trăng hoạt động. “Chuyện xung đột lợi ích của các nhà máy đường này diễn ra một cách trắng trợn”, ông nhấn mạnh.
Báo cáo của CASUCO cho thấy, vốn điều lệ của Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng là 40 tỉ đồng, trong đó, vốn góp của CASUCO là 15,51 tỉ đồng, chiếm 38,78%. Niên độ 2021-2022, kết quả kinh doanh của đơn vị này đạt mức lãi sau thuế thu nhập doanh nghiệp là trên 24,6 tỉ đồng.
Kế hoạch gì cho niên vụ 2023-2024?
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của CASUCO cũng đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh niên độ 2022-2023 (từ ngày 1-7-2022 đến 30-6-2023) với kết quả lỗ trên 34 tỉ đồng. Trong đó, sản lượng mía đưa vào ép dự kiến chỉ hơn 14.500 tấn, với sản lượng đường sản xuất đạt trên 1.000 tấn.
Kết quả kinh doanh ảm đạm như trên cũng được cho là do bị cạnh tranh gay gắt bởi mía nước và thương lái thu gom mía nguyên liệu đưa đi các nhà máy ở khu vực miền Đông Nam bộ sản xuất.
Theo dẫn chứng của ông Chung, tại thời điểm CASUCO thông báo tiếp nhận mía (ngày 9-11-2022 đến ngày 29-11-2022) chỉ huy động được hơn 5.000 tấn mía do người dân không đốn mía bán cho nhà máy theo sản lượng ký hợp đồng.
“Mặt khác, có một số đối tượng kích động chủ ghe nằm chờ tại bến mía để tạo áp lực cho chính quyền địa phương buộc nhà máy vào vụ ép (sự kiện ngày 28-11-2022), trong khi nguồn cung nguyên liệu của người dân hạn chế, không đủ sản lượng cho nhà máy hoạt động liên tục như kế hoạch”, ông Chung cho biết.
Chính vì vậy, theo ông Chung, CASUCO đã vào vụ ép từ ngày 29-11-2022 và kết thúc vào ngày 27-12-2022, tuy nhiên, số ngày ép thực tế chỉ 6,5 ngày, tức phải nằm chờ 23 ngày. Do đó, Đại hội cổ đông thường niên đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh như nêu trên.
Tuy nhiên, vấn đề nhận được sự quan tâm của các cổ đông cũng như bà con nông dân, đó là CASUCO có kế hoạch gì cho vụ ép 2023-2024 cũng như tương lai ngành mía đường miền Tây hay không?
Tại đại hội, một cổ đông là nông dân đã đề nghị chủ tọa đại hội cho biết rõ vụ 2023-2024 sắp tới, nhà máy đường Phụng Hiệp của CASUCO có sản xuất hay không để biết mà dự liệu việc sản xuất và tiêu thụ mía, thì Chủ tịch HĐQT CASUCO là ông Trần Ngọc Hiếu khẳng định, vụ 2023-2024 nhà máy đường Phụng Hiệp không đủ điều kiện để sản xuất.
Ông Ngữ kể rằng trước khi đại hội cổ đông thường niên 2022 diễn ra vào cuối tuần rồi, ông và nhóm cổ đông liên quan đã đề nghị bổ sung kế hoạch kinh doanh năm 2023-2024, nhưng đến thời điểm diễn ra, đại hội cũng không xem xét hay có bất kỳ kế hoạch nào về tương lai của CASUCO. “Rồi chuyện gì sẽ xảy ra?”, ông nêu câu hỏi và dự báo, con số lỗ sẽ không dừng lại ở 34 tỉ đồng, mà có thể lên đến 50-60 tỉ đồng trong tương lai.
Từng kỳ vọng một ngày sẽ khôi phục cây mía, nhưng đứng trước một tương lai “mờ mịt”, không có định hướng phát triển của CASUCO, ông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm câu lạc bộ mía 200 ở Hậu Giang cũng đã chuyển toàn bộ diện tích mía vốn từng giúp ông xây nhà, mua đất sang trồng chuối.
Theo ông Phạm Quang Vinh, thành viên HĐQT CASUCO, nông dân trồng mía và người lao động vốn đã hoang mang, thì qua đại hội càng hoang mang hơn khi tương lai của CASUCO, của ngành đường miền Tây vẫn là một sự bất định.
Báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang – địa phương được xem là “thủ phủ” mía của miền Tây – cho thấy, niên vụ 2022-2023, tổng diện tích mía đã xuống giống của địa phương chỉ đạt 3.377 héc ta, giảm 7,54% so với cùng kỳ do người dân chuyển đổi sang rau màu và cây ăn trái. Đây là con số rất thấp so với diện tích lên đến 14.000-15.000 héc ta từng được ghi nhận của những năm trước đây.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tuong-lai-mo-mit-cho-nganh-mia-duong-mien-tay/