Tương lai nào cho Evergrande sau khi nộp đơn xin phá sản tại Mỹ
China Evergrande Group, một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc, vừa chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ, nhằm bảo vệ tài sản của doanh nghiệp ở Mỹ khỏi các chủ nợ khi họ đang tiến hành tái cấu trúc ở những nơi khác.
Tờ Bloomberg đưa tin, China Evergrande - tập đoàn từng là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại tòa án New York vào thứ năm. Động thái này sẽ cho phép một tòa án phá sản tại Mỹ vào cuộc khi có trường hợp mất khả năng thanh toán liên quan đến một quốc gia khác.
Theo đó, giúp Evergrande được bảo vệ khỏi các chủ nợ tại Mỹ trong khi tập đoàn vẫn đang tiến hành thỏa thuận tái cấu trúc tại nơi khác. Đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 của công ty bất động sản Trung Quốc này đề cập đến các thủ tục tái cấu trúc đang được tiến hành tại Hong Kong và Quần đảo Cayman.
Các thỏa thuận tái cấu trúc nợ quốc tế đôi khi đòi hỏi việc nộp đơn theo Chương 15 trong quá trình hoàn thiện giao dịch.
2 năm trước, Evergrande nổi tiếng khắp thế giới khi đứng trước nguy cơ vỡ nợ hàng trăm tỷ USD. Đây cũng là trường hợp châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nợ vay bất động sản rộng hơn tại quốc gia tỷ dân.
Tương lai của Evergrande có những tác động rộng rãi đối với hệ thống tài chính trị giá 60 nghìn tỷ USD của Trung Quốc và thậm chí có thể tạo ra những cơn sóng ập sang các lĩnh vực khác
Hiện công ty này đang thực hiện những gì có thể là một trong những cuộc tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử quốc gia này. Quy mô nợ của nhà phát triển này đã lên tới 340 tỷ USD vào cuối năm 2022, tương đương khoảng 2% GDP của Trung Quốc.
Trong một hồ sơ thị trường chứng khoán vào tháng 7 vừa qua, Evergrande cũng báo cáo mất 81 tỷ USD tiền của cổ đông vào năm 2021 và 2022.
Theo trang web của Evergrande, công ty này có một số hoạt động kinh doanh phi bất động sản như kinh doanh xe điện, chăm sóc sức khỏe và công viên giải trí.
Đầu năm nay, công ty đã tiết lộ kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ được chờ đợi từ lâu. Đây là kế hoạch lớn nhất được ghi nhận ở Trung Quốc. Nhà phát triển cho biết họ đã đạt được "các thỏa thuận ràng buộc" với các trái chủ quốc tế về các điều khoản chính của kế hoạch.
Ngoài ra, Evergrande cho biết họ sẽ tập trung vào việc quay trở lại hoạt động bình thường trong 3 năm tới, nhưng sẽ cần thêm khoản tài chính từ 36,4 tỷ USD đến 43,7 tỷ USD.
Tuần này, công ty xe điện trực thuộc Evergrande đã tìm thấy chút hi vọng khi đạt được thỏa thuận bán gần 28% cổ phần cho NWTN, hãng xe có trụ sở ở Dubai. Theo đó, NWTN sẽ đầu tư 500 triệu USD vào China Evergrande New Energy Vehicle Group để đổi lấy cổ phần và chiếm đa số trong hội đồng quản trị của nhà sản xuất xe điện.
Bình luận về thương vụ này, chuyên gia phân tích Bloomberg Intelligence cho rằng, giao dịch này sẽ giúp ích cho kế hoạch tái cơ cấu nợ của Evergrande. NWTN có thể trở thành cổ đông lớn nhất nếu chuyển đổi toàn bộ các trái phiếu chuyển đổi bắt buộc của China Evergrande New Energy Vehicle Group. Đồng thời, có thêm nguồn vốn mới sẽ giúp tăng giá trị của các trái phiếu này trong kế hoạch tái cấu trúc nợ, cũng như đưa hoạt động sản xuất xe điện Hengchi 5 trở lại bình thường.
Về bức tranh tài chính của Evergrande, theo tờ South China Morning Post, Evergrande lỗ ròng 14,52 tỷ USD (105,9 tỷ nhân dân tệ - NDT) cho năm 2022, cải thiện so với khoản lỗ 64 tỷ USD (476 tỷ NDT) vào năm 2021, trong khi ghi nhận 1,1 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2020.
Năm 2022, doanh thu của Evergrande đạt 31,6 tỷ USD, giảm tương đối so với 34 tỷ đồng của cùng kỳ 2021. Năm 2020 doanh thu công ty này đạt 69,5 tỷ USD. Tính đến ngày 31/12/2022, Evergrande chỉ có khoảng 590 triệu USD tiền mặt không ràng buộc.
Tập đoàn có tổng nợ phải trả là 335 tỷ USD tại cuối năm 2022. Danh mục lớn nhất là các khoản phải trả thương mại và phải trả khác, với trị giá 137 tỷ USD. Nợ vay tài chính của Evergrande năm 2022 là 84 tỷ USD, ít thay đổi so với năm 2021, với khoảng 20% khoản nợ chịu lãi là nợ nước ngoài. Chi phí trung bình là 8,12%/năm, so với 8,38% của năm 2021.
Theo kế hoạch tái cơ cấu nợ, Evergrande đang giải quyết hai nhóm chủ nợ liên quan đến khoản đòi bồi thường trị giá khoảng 20 tỷ USD.
Nhóm đầu tiên liên là loại A, liên quan đến khoản nợ trị giá 17,1 tỷ USD do các quỹ phòng hộ toàn cầu nắm giữ trong 11 trái phiếu do Evergrande phát hành hoặc bảo lãnh, có thời hạn từ tháng 1/2022 - tháng 6/2025. Ngoài ra còn có một khoản vay tư nhân, quá hạn vào tháng 1/2022 với lãi suất 15%/năm.
Nhóm thứ hai là loại C liên quan đến 2,93 tỷ USD, dựa trên "yêu cầu bồi thường thiếu hụt" ước tính chiếm 20% trong số nợ phải trả trị giá 14,7 tỷ đô la Mỹ. Điều này bao gồm các nghĩa vụ mua lại, các khoản vay ký quỹ, các khoản vay có cấu trúc và các khoản vay tư nhân bằng đồng NDT, đô la Hồng Kông và USD, cũng như các khoản bảo lãnh dành cho các chủ nợ trong nước.