Tương lai nào cho hoạt động chinh phục không gian của nhân loại?

Những người yêu và quan tâm đến thiên văn và vũ trụ tại Hà Nội vừa qua được tham dự sự kiện về chinh phục không gian và tìm kiếm bến đáp mới cho sự sống.

Nhân một dấu mốc phóng thành công tàu không gian của SpaceX cuối tháng 5 vừa qua, Công ty Cổ phần Xuất bản và Dữ liệu ETS tổ chức sự kiện "Chinh phục không gian - Tìm kiếm bến đáp mới cho sự sống" cho các độc giả yêu thích thiên văn.

Chương trình có sự tham gia của TS. Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên khoa Vật Lý trường Đại học Khoa học Tự nhiên và anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA).

 Hai diễn giả Đặng Vũ Tuấn Sơn (bên trái) và TS. Nguyễn Anh Tuấn trong buổi chia sẻ. Ảnh: ETS.

Hai diễn giả Đặng Vũ Tuấn Sơn (bên trái) và TS. Nguyễn Anh Tuấn trong buổi chia sẻ. Ảnh: ETS.

Buổi chia sẻ bắt đầu bằng việc điểm lại những sự kiện, dấu mốc thể hiện khát khao của con người trong việc khám phá bầu trời.

Bắt đầu từ thần thoại Hy Lạp, Icarus lấy trộm đôi cánh bay của cha bay lượn trên khắp bầu trời và choáng ngợp trước những cảnh tượng mà cậu nhìn thấy, bởi trước giờ cậu vẫn nghĩ chỉ có các vị thần mới bay được. Nhưng rồi vì bay quá gần Mặt trời nên đôi cánh của Icarus tan chảy và cậu bé rơi thẳng từ bầu trời xuống biển.

Phải đến đầu thế kỷ 20, con người mới có thể được bay trên bầu trời một lần nữa khi anh em nhà Wright chế tạo thành công chiếc máy bay đầu tiên. Sau đó là cuộc chạy đua vào không gian của hai cường quốc trong thời kỳ chiến tranh lạnh đã đem đến những đột phá đến không ngờ: Liên Xô có người đầu tiên bay vào vũ trụ thì Mỹ có người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.

Sự kiện gần đây nhất, vào 2h22 phút ngày 31/5 theo giờ Hà Nội, tên lửa Falcon 9 đưa tàu Crew Dragon lên quỹ đạo thành công từ bệ phóng 39A ở Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA tại Florida.

Sự kiện này có một ý nghĩa quan trọng bởi sau 9 năm mới có tàu chở người lên vũ trụ đi từ đất Mỹ và lại được thực hiện bởi một doanh nghiệp tư nhân là SpaceX của tỷ phú Elon Musk với mức chi phí thấp hơn nhiều so với các chương trình trước đây của NASA.

Trong buổi chia sẻ, hai diễn giả của chương trình là TS. Nguyễn Anh Tuấn và anh Đặng Vũ Tuấn Sơn cùng phân tích những nguyên nhân khiến tàu Crew Dragon của Elon Musk lại thành công trong khi SpaceX và Boeing cùng nhận khoản viện trợ của Mỹ cùng một thời điểm mà Boeing còn có số tiền gấp đôi so với SpaceX.

Hai diễn giả cũng trả lời những câu hỏi của bạn đọc về việc tìm kiếm bến đáp mới cho sự sống, một hành tinh thứ hai bên ngoài Trái Đất. Thậm chí có cả những yêu cầu cần thiết để một con người có thể tham gia các chuyến du hành vũ trụ, hoặc tham gia làm việc trong các trạm nghiên cứu ngoài không gian, các vấn đề mà hàng không vũ trụ đang gặp phải như rác vệ tinh.

Vì công nghệ phát triển không ngừng, chúng ta không biết chắc được tương lai loài người trong bao nhiêu năm nữa sẽ có thể đặt trạm nghiên cứu trên sao Hỏa, sẽ có những chuyến du lịch vũ trụ hay tìm ra một hành tinh mới có sự sống.

 Một số sách chủ đề vật lý thiên văn, vũ trụ được giới thiệu trong sự kiện. Ảnh: ETS.

Một số sách chủ đề vật lý thiên văn, vũ trụ được giới thiệu trong sự kiện. Ảnh: ETS.

Nhưng đó chính là lý do để con người nỗ lực không ngừng. Nếu là một người có nguồn lực và điều kiện để biến giấc mơ của con người chinh phục không gian như Elon Musk thì càng nên làm, để con cháu chúng ta biết được các thế hệ đi trước đã nỗ lực hết sức mình để tìm kiếm tương lai cho nhân loại.

Một điều thú vị là buổi chia sẻ có sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ và các em nhỏ có niềm say mê hứng thú với vũ trụ và không gian. Hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có những bước tiến mới trên con đường chinh phục không gian của loài người nói chung.

Thiên Ái

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuong-lai-nao-cho-hoat-dong-chinh-phuc-khong-gian-cua-nhan-loai-post1100809.html