Tương lai nào với ông Bolsonaro?
7-9, ngày Quốc khánh Brazil, giới quan sát quốc tế nín thở theo dõi tình hình chính trị nước này khi hàng triệu người ủng hộ và chống Tổng thống Jair Bolsonaro cùng xuống đường biểu thị thái độ của họ đối với vị tổng thống gây nhiều tranh cãi và đang dính nhiều bê bối. Tương lai chính trị của ông Bolsonaro đang là vấn đề nhiều người quan tâm, nhất là khi có sự tái xuất hiện của cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva.
Ngày quốc khánh căng thẳng
Thời điểm ngay trước quốc khánh, không khí căng thẳng bao trùm trên khắp đất nước Brazil. Các lực lượng ủng hộ và chống Tổng thống Bolsonaro đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc phô diễn sức mạnh của mình. Truyền thông Brazil và quốc tế trong mấy ngày đầu tuần ước tính số người biểu tình cả hai phía lên đến hàng triệu, trong đó hơn một nửa là người ủng hộ ông Bolsonaro.
Những người biểu tình phản đối ông Bolsonaro thuộc đủ thành phần từ công nhân, thợ thuyền, những người chống lại chính sách mang tính độc tài của ông và chủ trương ứng phó dịch bệnh COVID-19 một cách sai lầm, phản khoa học, trong đó có hơn 5.000 người da đỏ bản xứ do các tổ chức MST (Phong trào công nhân không có đất ở nông thôn) và CIMI (Hội đồng Truyền giáo bản địa, thuộc Hội đồng Giám mục quốc gia Brazil) tập hợp để đấu tranh phản đối việc thông qua dự luật hạn chế quyền của họ.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.
Đáng quan ngại hơn cả là sự tập hợp của hàng vạn người ủng hộ ông Bolsonaro. Họ bao gồm đủ thành phần, từ cảnh sát quân sự, công chức nhà nước cho đến thành phần cực đoan “da trắng thượng đẳng”. Họ mang theo cả vũ khí sát thương và sẵn sàng gây hấn. Rất may là ngày quốc khánh qua đi mà không xảy ra một cuộc đụng độ lớn nào giữa hai phe. Chỉ có vài vụ đụng độ nhỏ giữa những người ủng hộ ông Bolsonaro với cảnh sát.
Một chính khách thuộc thành phần chính trị đối lập với ông Bolsonaro, thuộc đảng Dân chủ Xã hội thiên tả, cho báo chí biết các đảng phái chính trị chống lại ông Bolsonaro đã yêu cầu thành viên của mình không tổ chức biểu tình chống biểu tình hoặc tránh đối đầu với thành phần ủng hộ ông Bolsonaro để hạn chế xảy ra xung đột.
Giới chính trị đối lập cho rằng bất kỳ vụ đụng độ nào giữa hai phe biểu tình cũng đều có thể trở thành cái cớ để ông Bolsonaro đưa quân đội vào thủ đô Brasilia. Trước ngày quốc khánh, trên truyền thông quốc tế xuất hiện một bức thư ngỏ có chữ ký của cựu lãnh đạo chính trị các nước Tây Ban Nha, Hy Lạp, Anh, Paraguay, Argentina,... trong đó đưa ra lời cảnh báo ông Bolsonaro đang trù tính thực hiện một cuộc “tự đảo chính” bằng quân đội.
Mục tiêu đảo chính của ông Bolsonaro đồng thời là mục tiêu biểu tình của hàng vạn người ủng hộ ông là Tòa án Tối cao và Quốc hội Brazil. Hai cơ quan này đã ngăn cản ông Bolsonaro thâu tóm quyền lực để biến Brazil thành quốc gia độc tài và hiện đang tiến hành các cuộc điều tra chống tham nhũng nhắm vào ông.
Kịch bản cho tương lai ông Bolsonaro
Phát biểu tại một cuộc họp với các lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp tại bang Goias hôm 29-8, ông Bolsonaro cho rằng chỉ có 3 kịch bản cho tương lai của ông, một là ông có thể bị bắt, hai là bị giết, còn không thì ông sẽ “thắng cử” trong cuộc bầu cử vào năm tới. Ông Bolsonaro tự tin tuyên bố, hiện tại không ai có thể đe dọa được ông, có nghĩa là ông không sợ bị bắt, vì cho đến nay các cáo buộc bê bối nhắm vào ông vẫn đang phải điều tra, chưa có kết luận. Ông cũng không sợ “bị giết” vì bản thân ông từng trải qua một số vụ mưu sát, cụ thể nhất là trường hợp ông bị một kẻ tấn công đâm vào bụng khi đang vận động tranh cử vào năm 2018.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng nhiều khả năng ông Bolsonaro sẽ mất quyền tham gia tranh cử năm 2022 do các cuộc điều tra không chỉ của Quốc hội, Tòa án Tối cao mà cả các cơ quan chức năng khác. Trước hết là cuộc điều tra của Tòa án Bầu cử tối cao Brazil (TSE) đối với các tuyên bố thiếu căn cứ của ông Bolsonaro về những “gian lận” của hệ thống bầu cử quốc gia trong quá khứ, trong đó có cuộc bầu cử năm 2018 đưa ông lên nắm quyền. TSE cũng yêu cầu mở cuộc điều tra về việc ông thực hiện chiến dịch truyền bá “tin giả” và thông tin sai sự thật. Nếu bị phát hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn truyền bá thông tin giả, ông Bolsonaro có thể bị cấm giữ chức vụ đến 8 năm.
Bên cạnh đó, chính phủ của ông Bolsonaro cũng đang dính nhiều cáo buộc tham nhũng và bị Quốc hội điều tra. Đặc biệt là cuộc điều tra của Thượng viện đối với cách chính phủ ứng phó đại dịch COVID-19. Nguy hiểm hơn, từ điều tra về các sai sót và thiếu trách nhiệm đã chuyển thành điều tra hành vi tham nhũng, bao gồm các cáo buộc phá hoại các biện pháp phòng, chống dịch, đe dọa những người thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và nhất là các gian lận, kê khống đơn giá trong hợp đồng mua 20 triệu liều vaccine của Ấn Độ. Cuộc điều tra có thể khiến ông Bolsonaro bị luận tội, bị kết án tù và sẽ mất quyền tái ứng cử.
Trong khi đó, sự xuất hiện của cựu Tổng thống Lula da Silva càng khiến tương lai chính trị của ông Bolsonaro trở nên khó khăn hơn. Ông Lula da Silva từng là vị tổng thống thiên tả được người dân Brazil mến mộ nhất kể từ thời kỳ đảng Công nhân lên nắm quyền. Ông lên làm tổng thống vào năm 2003, tại nhiệm 2 nhiệm kỳ và rời ghế với tỉ lệ ủng hộ rất cao.
Năm 2018, ông bị buộc tội tham nhũng trong cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn mang tên “Rửa xe” nhưng chỉ chấp hành án vài tháng và đã được trả tự do sau khi bản án bị hủy bỏ vào tháng 3-2021. Ngay sau đó, cựu Tổng thống Lula da Silva được cho là đã vạch lộ trình quay trở lại chính trường để thực hiện sứ mệnh “cứu nguy quốc gia Brazil” khỏi thảm họa do đại dịch COVID-19 và những chính sách điều hành đất nước nguy hiểm của Tổng thống Bolsonaro.
Với sự trở lại của ông Lula da Silva, Tổng thống Bolsonaro đứng trước một đối thủ rất khó vượt qua. Các kết quả thăm dò dư luận do hãng Datafolha công bố cho thấy ông Bolsonaro đang bị ông Lula da Silva dẫn trước đến 20 điểm phần trăm. Không cần đến các phán quyết của tòa án, xem ra ông Bolsonaro cũng khó có cơ hội tái cử.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/tuong-lai-nao-voi-ong-bolsonaro--i627985/