Tương lai ngành hàng không nhiều khởi sắc
Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành về việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đây là quyết sách rất kịp thời và các bước triển khai có tính khoa học. Nhiều ý kiến cho rằng, phục hồi kinh tế chỉ có thể thực hiện được khi có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Đối với lĩnh vực hàng không cũng vậy. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không cho rằng, việc có nhiều chuyến bay không lấp đầy hành khách hoặc thậm chí chỉ có vài hành khách trong những ngày vừa qua là điều có thể được dự báo từ trước.
“Đây là điều dễ hiểu bởi người dân vẫn còn tâm lý lo ngại dịch bệnh nên vẫn lựa chọn chưa di chuyển nên chưa có việc thật sự cần thiết. Hơn nữa, việc vẫn còn một số địa phương đưa ra những điều kiện khắt khe và chưa thống nhất với hành khách đi máy bay cũng là một trở ngại khiến các chuyến bay chưa thể lấp đầy” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích và khẳng định, việc hành khách đi máy bay chưa đông không phải là vấn đề quan trọng đối với ngành hàng không vào lúc này.
Theo chuyên gia hàng không này, điều quan trọng nhất bây giờ không phải là mục tiêu doanh thu mà phải tìm ra các giải pháp thực hiện phòng, chống dịch, mở cửa từng bước để tập dượt các đường bay nội địa và dần dần tiến ra quốc tế. Do đó, các hãng hàng không cần bỏ qua mối quan tâm đến vấn đề trên mà tập trung vào việc dài hơi hơn. Đó là thực hiện nhuần nhuyễn những quy trình phòng, chống dịch bằng đường hàng không để hành khách quen dần.
Sau đó, khi công tác tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong nước được phủ rộng hơn, khả năng miễn dịch cộng đồng cao hơn và những biện pháp phòng vệ với dịch bệnh có thể nới lỏng hơn thì ngành Hàng không cũng có thể gỡ bỏ dần những điều kiện phòng dịch với hành khách để trở về trạng thái bình thường mới. “Chúng ta hãy coi thời gian này như giai đoạn tập dượt để hàng không dần trở lại với trạng thái bình thường mới. Mục tiêu cao nhất của hàng không không phải chỉ là nối lại đường bay nội địa mà còn phải hướng tới nối lại các đường bay quốc tế, mở cửa bầu trời. Có như thế ngành hàng không mới sớm lấy lại sức mạnh của mình” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khẳng định, việc nối lại đường bay nội địa cần thực hiện từng bước và có lộ trình cụ thể, không được nôn nóng, vội vàng. “Khôi phục hoạt động của ngành hàng không là một trong những việc làm rất cần thiết để khôi phục hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều lĩnh vực khác, từ đó giúp nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn phải nhớ ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn phòng dịch, bảo vệ sức khỏe người dân. Cho nên việc nối lại các đường bay nội địa cần thực hiện từng bước, không được nôn nóng, vội vàng” - PGS.TS Bùi Thị An nói.
Nhận định về sự phục hồi của ngành hàng không trong thời gian tới, nhiều chuyên gia nhìn nhận, dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng với những tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua, đặc biệt là tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 đang được đẩy nhanh, chắc chắn thị trường hàng không có nhiều cơ hội để khởi sắc.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tuong-lai-nganh-hang-khong-nhieu-khoi-sac-438068.html