Tương lai quan hệ Mỹ-Trung hậu thỏa thuận thương mại giai đoạn một (Phần 2)
Tổng thống Donald Trump đã nói rằng họ sẽ không dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Có nghĩa là Mỹ còn có nhiều vấn đề chưa được giải quyết trong thỏa thuận giai đoạn một.
Sau khi ký kết thỏa thuận thương mại Giai đoạn một, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng văn kiện này là cụ thể hơn và cứng rắn hơn so với thỏa thuận được chuẩn bị cho cuộc gặp tháng Năm, nhưng đã không diễn ra.
Một mặt, thỏa thuận này nêu rõ các bước đi mà Trung Quốc nên thực hiện để tăng tốc mở cửa thị trường vốn, kể cả cho các ngân hàng Mỹ. Tài liệu này cũng bao gồm các quy định chi tiết liên quan đến việc bảo vệ bằng sáng chế và cuộc chiến chống lại các sản phẩm giả.
Đồng thời, sau khi ký kết thỏa thuận này, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã nói rằng trước hết nên đánh giá mức độ thực hiện của Trung Quốc với các điều khoản trong thỏa thuận đã ký (và nó sẽ có hiệu lực sau một tháng) và chỉ sau đó hai bên mới có thể bắt đầu cuộc đàm phán về thỏa thuận giai đoạn hai.
Như ông Lighthizer lưu ý, điều này có thể xảy ra không sớm hơn mùa Xuân. Dù vậy, trước đó ông Trump đã nhận xét rằng không nên vội vàng với thỏa thuận cuối cùng để giải quyết tốt hơn các vấn đề và khẳng định toàn bộ quá trình có thể được hoàn tất sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Tất nhiên, thỏa thuận thương mại Giai đoạn một chỉ là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Văn kiện này tập trung vào những vấn đề thương mại, còn tất cả những mâu thuẫn phức tạp nhất giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết.
Vì vậy các cuộc đàm phán giai đoạn hai sẽ phức tạp hơn nhiều. Chuyên gia Gong Honglie tại Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) nói với đài Sputnik: “Tất nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Mỹ vẫn giữ nguyên thuế quan đánh vào hàng hóa của chúng tôi”.
Theo chuyên gia này, tại buổi lễ ký kết thỏa thuận, Tổng thống Trump đã nói rằng họ sẽ không dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Có nghĩa là Mỹ còn có nhiều vấn đề chưa được giải quyết trong thỏa thuận giai đoạn một.
Trong khi đó, chuyên gia Gong Honglie lưu ý rằng tất nhiên thỏa thuận vừa được ký kết tạo thêm được niềm hy vọng. Chứng tỏ về điều đó là phản ứng của các thị trường chứng khoán toàn cầu đã đóng cửa phiên giao dịch với sự tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại Giai đoạn một không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của bất kỳ bên nào.
Các đối thủ của ông Trump, kể cả Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, mà lâu nay thuộc phe diều hâu chống thương mại Trung Quốc, chỉ trích Tổng thống Mỹ vì ông đã hy sinh lợi ích của người lao động Mỹ để ký kết một thỏa thuận chính thức và thỏa thuận chính thức giai đoạn một chỉ tập trung vào thương mại và không đề cập đến các vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ-Trung.
Đối với Trung Quốc, đây cũng không phải là một thỏa thuận lý tưởng, vì thuế quan của Mỹ vẫn còn hiệu lực. Và để hủy chúng, Trung Quốc nên thực hiện các cải cách cơ cấu, ví dụ, thay đổi mô hình kinh tế, vai trò của nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế và kích thích hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Vậy liệu Trung Quốc có sẵn sàng thực hiện bất kỳ thay đổi nào để Mỹ dỡ bỏ thuế quan? Liệu Mỹ có sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến thuế quan gây thiệt hại cho cả hai bên, bao gồm cả những người tiêu dùng Mỹ, để ép buộc Trung Quốc thực hiện cuộc cải cách kinh tế hay không? Không thể đưa ra câu trả lời đơn giản cho những câu hỏi này.
Ngay cả việc thực hiện thỏa thuận thương mại Giai đoạn một nhằm thúc đẩy Trung Quốc mua một số lượng lớn hàng hóa và dịch vụ Mỹ cũng khó có thể thực hiện được nếu nhà nước không can thiệp vào nền kinh tế.
Trên thực tế, điều kiện hiện tại đã làm nảy sinh một câu hỏi: liệu Trung Quốc có thể mua 52,4 tỷ USD sản phẩm năng lượng Mỹ nếu trong năm 2017 nước này chỉ mua được 8 tỷ USD? Tuy nhiên, theo tờ Global Times, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nhanh.
Vì thế, nhu cầu của Trung Quốc đang tăng lên, có nghĩa là tất cả các cam kết mua sắm đều tương ứng với tình hình thực tế. Và nếu mô hình phát triển hiện tại đang hoạt động hiệu quả, việc đưa ra những thay đổi đối với mô hình này chưa chắc sẽ phục vụ lợi ích của Mỹ./.